Chủ động vừa sản xuất vừa phòng chống dịch
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đến nay về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch ở TP.HCM. Tuy nhiên, theo nhận định của WHO và các nhà khoa học, tình hình dịch trên thế giới và ở nước ta diễn biến vẫn phức tạp. Các loại vắc xin đều có tỷ lệ nhất định người đã tiêm vẫn mắc căn bệnh đó, không có vắc xin nào ngăn ngừa 100%.
Chính vì vậy, người dân đã tiêm đủ vắc xin vẫn có thể mắc bệnh, nhưng triệu chứng sẽ nhẹ hơn rất nhiều hoặc không có biểu hiện. Cho nên, cả chính quyền và doanh nghiệp (DN) đều không được lơ là, chủ quan. Bộ Y tế đang dự thảo kế hoạch tổng thể đối với công tác phòng chống dịch trong giai đoạn tới là làm sao thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa kiểm soát được dịch bệnh.
Trong đó, sẽ có định hướng, phân quyền để các tỉnh, thành phố chủ động trong công tác phòng, chống dịch với năng lực và tình hình thực tế tại địa phương. Nhưng bản thân các DN tự kiểm tra và địa phương giám sát là rất quan trọng để tự nhận ra những khiếm khuyết trong công tác phòng chống dịch; diễn tập trong các tình huống cụ thể khác nhau như xuất hiện F0, xuất hiện F1… để đánh giá được nguy cơ, giúp cho DN củng cố toàn diện hơn công tác phòng chống dịch, đảm bảo hoạt động sản xuất được tốt hơn.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho hay sau khi thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, thì nhiều DN bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, có 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động. Bên cạnh đó, tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, đã có 1.408 đơn vị trên tổng số 1.412 DN hoạt động trở lại với trên 280.000 lao động. Song song đó, các DN bên ngoài khu vực này cũng đã bắt đầu hoạt động trở lại để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ nhiều thị trường các nước cho mùa đông và Giáng sinh. Điều này đã góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua và kỳ vọng đạt mức kỷ lục 640 tỉ USD vào cuối năm.
Doanh nghiệp vẫn cần được hỗ trợ
Theo ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, qua đợt dịch này, các DN tại TP.HCM đã thích ứng với nhiều tình trạng khác nhau nhưng đều có một thích ứng chung là đã bắt đầu hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe. Nếu như trước đây DN thường xây dựng các quy trình trong hoạt động như phòng cháy chữa cháy, môi trường… thì hiện đã quan tâm đến quy trình về sức khỏe.
Nhiều công ty đã có nhân viên điều dưỡng, y tế. Đồng thời DN đã sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh như các hoạt động của văn phòng mang tính trực tuyến nhiều hơn, các cuộc họp diễn ra nhanh, ít người; thay đổi dây chuyền đầu tư mới với chi phí cao hơn, để bố trí các công nhân đứng cách nhau khoảng 2 m.
Đặc biệt, DN trước đây chỉ quan tâm về việc trả lương cao cho người lao động, môi trường làm việc, nhưng chưa quan tâm đến chỗ ở thì nay nhiều đơn vị rất quan tâm đến khu trọ, sẽ có bộ phận chuyên trách để kiểm tra xem phòng trọ có đủ tiêu chuẩn chưa vì đây là nơi phát sinh F0 nhiều nhất…
Để có được môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả, ông Trần Việt Anh kiến nghị chính quyền địa phương cũng như Bộ Y tế cần có kế hoạch và quyết tâm di dời những nhà máy sử dụng nhiều lao động đan xen trong khu dân cư; phải bổ sung những quy định ở nơi đang là vùng đỏ, vùng cam cũng được hưởng chế độ là ở nơi độc hại; công bố thuốc điều trị, cần ban hành quy định ngay trong DN để lãnh đạo công ty có căn cứ thực hiện…
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng hiện nay các DN không còn lúng túng nếu phát hiện có ca F0. Nhưng ở các khu công nghiệp phải có trạm y tế để tạm thời cách ly người bệnh ra khỏi khu vực sản xuất; hỗ trợ xe đưa F0 về khu cách ly bên ngoài nhằm hạn chế việc F0 tự di chuyển trên đường phố. Đồng thời ông mong Chính phủ, Bộ Y tế sớm cho phép DN được sản xuất thuốc chữa bệnh Covid-19.
Khi có thuốc và vắc xin trong nước chúng ta sẽ tự tin trong việc phục hồi và phát triển kinh tế. Ở góc độ y tế, Sở Y tế TP.HCM đã trình thành phố phương án chống dịch sắp tới, trong đó có nội dung quan trọng là nâng cao năng lực y tế cơ sở và rất cần sự chia sẻ từ trung ương về việc bổ sung nhân lực.
Chuyên gia này nhấn mạnh: DN hiện nay không chỉ khó khăn về phòng chống dịch bệnh mà còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ như tiếp tục được miễn, giảm thuế - phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ huy động vốn lãi suất thấp; chuyển đổi số…
Các DN TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang phải chịu chi phí logistics rất cao do hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Do đó tôi cho rằng Chính phủ nên tăng thêm gói đầu tư công để đầu tư về hạ tầng nhằm tháo gỡ các nút thắt ra vào sân bay, bến cảng để giảm bớt chi phí này. Song song đó, các DN làm ra sản phẩm mà không tiêu thụ được là do tổng cầu giảm. Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc Covid-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho DN tiêu thụ sản phẩm.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân