Doanh nghiệp chủ động ứng biến thị trường xuất khẩu

(ĐTTCO) - Bên cạnh những hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, sự tiến bộ trong chuyển đổi công nghệ đang tạo ra nhiều cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo dự báo, thế giới sẽ có nhiều biến động kinh tế, chính trị, khiến thị trường xuất khẩu toàn cầu trong năm 2025 đối mặt không ít rào cản và thách thức.

Áp lực với rào cản

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, với doanh nghiệp xuất khẩu, cần nhận diện rõ thực tế là nhiều quốc gia đang gia tăng các chính sách bảo hộ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, như việc áp dụng các loại thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại… Nhiều thị trường yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, cộng với chi phí logistics tăng mạnh sẽ gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, thực phẩm, bà Nguyễn Thị Thu Tuyết, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu, Thương mại và Dịch vụ Mova Plus Việt Nam, cũng cho biết từ đầu năm đến nay, chi phí logistics cho mỗi container 40 feet đi thị trường châu Âu, Hoa Kỳ đã tăng 200% so với năm 2023 và dự ước sẽ tiếp tục tăng, khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với khó khăn.

Hàng hóa xuất khẩu được đưa lên tàu tại cảng Cát Lái, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh đó, việc dựng lên các hàng rào thương mại của nước nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải thích nghi. Trường hợp của Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm Newtoyo là một ví dụ. Công ty phải cải thiện toàn bộ dây chuyền sản xuất để giảm thiểu lượng khí thải, năng lượng; sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường, có tỷ lệ tái chế cao sau sử dụng.

Đặc biệt, năm nay công ty phải tiến hành mua tín chỉ carbon từ thị trường Singapore để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn thương mại xanh mà nhiều thị trường trên toàn cầu áp dụng.

Lợi thế từ FTA

Bên cạnh những thách thức, doanh nghiệp Việt đang có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đơn cử Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tạo điều kiện tiếp cận thị trường châu Á - Thái Bình Dương với ưu đãi thuế quan. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường sang EU với 99% dòng thuế được xóa bỏ theo lộ trình.

“Trong năm 2024, ngành chế biến thực phẩm Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể khi duy trì mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2024 cũng tăng 10,92% so với năm 2023. Những con số này cho thấy ngành chế biến thực phẩm Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, khẳng định.

Trong khi đó, phân tích việc Mỹ áp sắc thuế cao đối với nhiều nền kinh tế, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, nhận xét, việc này sẽ tạo ra những tác động lớn đến giá hàng hóa, chuỗi cung ứng và hành vi tiêu dùng toàn cầu.

Với việc áp sắc thuế mới tại nhiều quốc gia, không ngoại trừ những quốc gia mà Việt Nam đang nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, hàng hóa nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn; kéo theo giá thành sản xuất, hàng hóa cũng sẽ cao hơn, ảnh hưởng nhất định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, các sản phẩm nhập khẩu nhiều tại Việt Nam như công nghệ, ô tô, thời trang cao cấp và thực phẩm… cũng trở nên đắt đỏ hơn. Thực tế này sẽ hỗ trợ cho sản xuất trong nước có lợi thế hơn khi người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên hàng trong nước hoặc các sản phẩm sản xuất nội địa có chất lượng tương đương.

“Thị trường xuất khẩu năm 2025 mang đến cả thách thức và cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang thay đổi từng ngày, sự linh hoạt, đổi mới và tinh thần sẵn sàng thích ứng sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trên thị trường quốc tế”, TS Trần Du Lịch khẳng định.

Ông KEVIN MORGAN, Chủ tịch HĐQT Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam:

Lên kế hoạch cho nhiều phương án kinh doanh tại Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong nhiều năm nữa. Với việc đánh thuế hàng hóa từ các quốc gia khác sẽ tạo những lợi thế nhất định về năng lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam.

Hiện tại chưa thể xác định chính xác chính sách thương mại và thuế quan mới sẽ tác động cụ thể đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam như thế nào, nhưng tôi nghĩ, các cơ hội xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục thuộc các nhóm hàng dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử, linh kiện, đồ gỗ nội thất. Nhóm hàng nông sản, hoa quả tươi sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường cùng với quá trình hoàn thiện công nghệ bảo quản và chuỗi phân phối...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cũng cần chuẩn bị và lên kế hoạch cho nhiều phương án khác nhau để tiếp tục kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ.

Các tin khác