Doanh nghiệp địa ốc đang cố trụ và chờ…

(ĐTTCO) - Trong 6 tháng đầu năm 2021 liên tiếp xảy ra các đợt dịch bệnh làm xáo trộn mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) BĐS. Đây là tình huống bất khả kháng, buộc DN phải thích nghi và gồng mình để sắp xếp, tính toán lại các phương án đầu tư kinh doanh. Dù vậy, sức chống chịu của các DN phụ thuộc phần lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh để có thể mở cửa hoạt động trở lại. 

Nhóm môi giới BĐS thường trồi sụt theo nhịp thị trường, nhưng rất dễ bị ảnh hưởng do dịch trong ngắn hạn (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Nhóm môi giới BĐS thường trồi sụt theo nhịp thị trường, nhưng rất dễ bị ảnh hưởng do dịch trong ngắn hạn (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Trụ lại theo khả năng từng nhóm DN
Sau nhiều lần nén và bung theo các đợt dịch bệnh đóng và mở trong gần 2 năm qua, các DN BĐS vẫn đang trong trạng thái chiến đấu bền bỉ, dù trên thực tế đã giảm sút nguồn lực khá nhiều. Đến đợt dịch thứ 4 lần này tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết, khi khả năng thời gian kiểm soát dịch bệnh sẽ kéo dài, các DN BĐS phải tính toán đến kịch bản phải hy sinh hết quý III, thậm chí có thể cả 1 phần quý IV để chống dịch và triển khai tiêm vaccine đại trà cho người dân.
Trong tình huống đó, phải xem khả năng chống chịu của DN đến mức nào và nguồn lực dự phòng ra sao, khi doanh thu tiếp tục giảm sút nhưng vẫn phải chi các khoản tối thiểu để duy trì bộ máy và hoạt động của mình. Những năm qua, dù số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS gia tăng khá nhanh, song hơn 80% là DNNVV nguồn lực mỏng nên khả năng chống chịu không cao nếu tình hình đóng cửa tiếp tục kéo dài. Có thể phân thành 3 nhóm DN BĐS. 
Nhóm 1 là chủ đầu tư các dự án BĐS, chiếm khoảng 10-15% tổng số DN BĐS. Đây là nhóm DN đứng mũi chịu sào với nguồn lực đầu tư vào các dự án rất lớn và chi phí vận hành rất cao, bắt buộc bài toán về tài chính, dòng tiền phải được tính toán kỹ. Bởi nếu không trụ được hệ lụy sẽ rất lớn không chỉ nội tại DN, mà tác động cả kinh tế xã hội của địa phương.
Do các dự án BĐS mang tính đầu tư dài hạn, các DN này thường phải tính toán phương án tài chính trong dài hạn, có kế hoạch dự phòng 2-3 năm trong tình huống thị trường đi ngang hoặc đi xuống để đảm bảo các kế hoạch đầu tư, phát triển dự án. Tuy nhiên đó là trong tình huống bình thường vẫn đảm bảo về kế hoạch doanh thu, còn trong giai đoạn hiện nay khi thị trường ngưng trệ và doanh thu bị giảm sút nghiêm trọng, việc duy trì bộ máy vận hành với chi phí lớn không dễ dàng chút nào.
Nhóm 2 là các công ty môi giới BĐS. Đây là lực lượng đông đảo nhất, chiếm khoảng 70-80% DN BĐS với quy mô đa số vừa và nhỏ từ vài chục đến vài trăm nhân sự. Nhóm DN này trồi sụt theo nhịp thị trường. Khi thị trường tốt họ mở rộng quy mô nhanh chóng, khi thị trường trầm lắng họ thu hẹp, thậm chí rời bỏ thị trường để cắt giảm thiệt hại chờ ngày hồi phục trở lại. Tính linh hoạt của các DN này khá tốt nhưng cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng do đại dịch trong ngắn hạn. Ít nhất 30% DN trong nhóm này thu hẹp hoặc rời khỏi thị trường trong giai đoạn hiện nay. 
Nhóm 3 là các công ty dịch vụ BĐS, chiếm khoảng 15-20% các DN BĐS và cũng chịu tác động do dịch bệnh. Tuy nhiên nhóm này có nguồn thu ổn định hơn nhóm môi giới BĐS nên khả năng chống chịu cao hơn, vì vậy tỷ lệ tạm dừng hoạt động hay rời khỏi thị trường của các DN này không quá lớn.
Cho dù tình huống nào, khả năng chống chịu của các DN vẫn luôn ở mức cao nhất, gắng hết sức duy trì bộ máy hoạt động và bảo vệ thành quả DN mình đã gầy dựng bao năm qua. Không chỉ là nguồn lực tài chính còn là nguồn nhân lực, thị phần khách hàng và các đối tác đã xây dựng trong suốt thời gian dài mang lại giá trị rất lớn cho DN.
Cần trợ lực bằng thủ tục khi dịch qua đi
Ngoài khả năng chống chịu bền bỉ của DN trong tâm thế sẵn sàng bật dậy khi dịch bệnh qua đi, trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, cơ hội hồi phục thị trường phụ thuộc vào yếu tố ngoại cảnh mang tính quyết định nhiều hơn. Yếu tố quan trọng hàng đầu là hiệu quả kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Thời gian kiểm soát càng dài thiệt hại của DN và người dân càng lớn. Vì thế, trong cuộc chiến với dịch bệnh, Chính phủ và người dân luôn đồng lòng để các giải pháp kiểm soát dịch hiệu quả, rút ngắn thời gian nhất có thể. Chỉ khi vaccine triển khai tiêm đại trà, DN mới có hy vọng mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế, xã hội mới của thể khôi phục như trước. 
Tuy nhiên, với sức chống chịu đã vượt quá giới hạn của nhiều DN BĐS không khác thân cây trước gió bão, nên cấp thiết cần sự trợ lực thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách cũng như các gói hỗ trợ tài chính. Điều này giúp DN phục hồi và gắng sức trong chặng đường sắp tới còn gian nan khi dịch bệnh vẫn tồn tại.
Thực tế, đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều lần nhưng việc thực thi vẫn còn quá chậm, cần sự thay đổi toàn diện và mạnh mẽ hơn. Đây được xem là giải pháp căn cơ, mang tính bền vững giúp DN đỡ mất sức lực, thời gian và lãng phí nguồn lực không đáng có. Chỉ cần giảm quy trình, giảm thời gian các bước thủ tục còn một nửa, mọi việc sẽ khác ngay.
Các DN BĐS đóng góp khoảng 11% GDP cả nước và là lĩnh vực có liên quan đến hơn 200 ngành nghề khác nhau. BĐS có cơ hội vượt qua được đợt bão dịch bệnh Covid lần này cũng là cơ hội tăng trưởng kinh tế và phát triển của các ngành nghề liên quan. Một đồng ngân sách chi ra để giúp hồi phục nền kinh tế, các DN sẽ trả lại cho ngân sách 3 đồng, thậm chí 5 đồng trong tương lai. Đó cũng là lý do các nước đã chi ngân sách khủng chưa từng có để giảm thiểu tổn thất cho người dân, cho DN, giữ nền kinh tế ổn định để chờ cơ hội bật dậy và phục hồi nhanh sau khi kiểm soát dịch bệnh. 
 DN BĐS luôn phải đối mặt với rủi ro cao cùng với vô số rào cản cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Nay dịch Covid như cú đấm bồi, khiến DN càng dễ tổn thương.

Các tin khác