Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố báo cáo BCI quý II với góc nhìn đa chiều về bối cảnh kinh tế của các DN châu Âu tại Việt Nam. Theo đó, bất chấp mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ nửa đầu năm, BCI đã có sự giảm nhẹ từ 52,8 điểm trong quý I xuống 51,3 điểm trong quý II.
Khảo sát BCI do Decision Lab thực hiện và được gửi tới tới mạng lưới 1.400 thành viên của EuroCham, đóng vai trò như một thước đo tâm lý của các DN châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam. Đánh giá hàng quý này cung cấp những hiểu biết sâu sắc theo thời gian thực về môi trường kinh doanh đang phát triển của một trong những thị trường năng động nhất Đông Nam Á.
Theo EuroCham, khảo sát vẽ ra một bức tranh tổng hợp, phản ánh cả khả năng phục hồi và những thách thức đang diễn ra với các chỉ số.
Chẳng hạn, về điều kiện kinh doanh hiện tại, trong khi một số ít công ty báo cáo tình hình kinh tế là “rất tệ” (giảm từ 8% xuống 6%), số công ty mô tả là “không tốt” lại tăng nhẹ (từ 24% lên 26%). Mặc dù vậy, đa số (68%) vẫn duy trì quan điểm từ trung lập đến tích cực về điều kiện kinh doanh của họ, cho thấy cảm giác ổn định chung.
Đối với triển vọng hiện tại, mặc dù nhận định chung về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong quý III là lạc quan một cách thận trọng (45%), các DN tư nhân vẫn do dự về triển vọng của chính họ, với 45% còn lại là trung lập và 23% bày tỏ lo ngại.
Về triển vọng dài hạn, sự bất an ngắn hạn này được cân bằng bởi niềm tin mạnh mẽ trong dài hạn, với gần 70% DN bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới. Sự tự tin này được phản ánh qua tỷ lệ các DN sẽ đề xuất Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Trong khi các DN châu Âu vẫn lạc quan về tiềm năng của Việt Nam, cuộc khảo sát nêu bật những thách thức pháp lý dai dẳng cản trở tăng trưởng và đầu tư. Các vấn đề chính được xác định bao gồm: các quy định mơ hồ được giải thích theo nhiều cách khác nhau; thủ tục hành chính rườm rà; khó khăn trong việc xin giấy phép và phê duyệt; những thách thức về thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài; phê duyệt trùng lặp hoặc không nhất quán giữa các cấp chính quyền.
Cũng theo báo cáo này, để thu hút thêm FDI và kích thích tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp được khảo sát đã nêu bật 5 yếu tố để cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là: hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi; đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.
Theo ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham, tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận và cộng đồng DN châu Âu vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. "Mặc dù cuộc khảo sát của chúng tôi chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện, nhưng tin rằng bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng DN châu Âu và Việt Nam", ông Dominik Meichle chia sẻ.