Do đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối tại Việt Nam đang tăng tốc khả năng mở rộng chuỗi cung ứng nội địa.
Nhu cầu tăng gấp 10 lần
Chỉ tính riêng Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam, từ chỗ chỉ có 4 nhà cung ứng cấp một sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vào năm 2014 thì đến nay, con số này đã tăng lên 42. Ngoài ra còn có 679 nhà cung ứng các cấp khác. Ông Yang Yoon Ho, Giám đốc Bộ phận hỗ trợ đối tác, Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam, cho biết, việc gia tăng nhà cung ứng nằm trong chiến lược mở rộng quy mô sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn bởi dịch bệnh thì việc mở rộng mạng lưới này đang được thúc đẩy nhanh hơn.
Hiện Samsung đã đầu tư và đưa vào hoạt động 6 nhà máy sản xuất sản phẩm điện thoại, điện - điện tử, tivi, đồ gia dụng. Chỉ tính riêng mặt hàng điện thoại, trung bình mỗi năm, Samsung Việt Nam sản xuất 3 triệu chiếc, chiếm 25% thị phần xuất khẩu điện - điện tử Việt Nam và chiếm 50% tỷ lệ xuất khẩu điện thoại của tập đoàn trên toàn cầu. Công ty dự kiến đưa vào hoạt động trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Hà Nội vào cuối năm nay. Đây cũng được xem là đầu tư chiến lược nhằm mở đường cho việc mở rộng quy mô sản xuất của tập đoàn trong thời gian tới.
Một góc nhà máy Samsung tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Theo báo cáo từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, nhu cầu sử dụng sản phẩm CNHT tại Việt Nam của doanh nghiệp FDI sẽ tăng cao trong thời gian tới. Bởi nhiều quốc gia châu Âu có khả năng phải tái lập lệnh phong tỏa trên diện rộng, nhằm ngăn nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 vào cuối năm nay. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tái đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khu vực châu Âu.
Tại Hoa Kỳ, tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng tại đây. Riêng với doanh nghiệp Nhật Bản, dự kiến sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam trong năm tới, ngay khi các hồ sơ xin hỗ trợ dịch chuyển đầu tư được Chính phủ Nhật Bản thông qua. Và theo đó, chuỗi cung ứng tại địa phương cũng là mục tiêu mà nhiều nhà đầu tư Nhật sẽ gia tăng tìm kiếm.
Khảo sát mới đây của Hiệp hội CNHT Việt Nam cho thấy, những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm cung ứng không phải là rào cản lớn. Vấn đề khó là giá cả cạnh tranh. Doanh nghiệp chưa đủ quyết tâm để cải tiến và duy trì kết quả sau cải tiến năng lực sản xuất.
Mặt khác, lãi suất vay dành cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này còn khá cao, khoảng 5%-7%/năm, trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản có thể tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp 1%-2%/năm. Điều này giảm nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm CNHT nước ngoài.
Riêng tại TPHCM, tình trạng ùn tắc giao thông làm tăng chi phí và thời gian vận chuyển, ảnh hưởng tiêu cực tới yêu cầu giao hàng đúng giờ của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) lân cận khu công nghệ cao (KCNC) không còn quỹ đất hoặc chưa dành những quỹ đất phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển sản xuất.
Liên kết các tỉnh, bổ sung nhanh nguồn cung CNHT
Trước thực tế trên, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý KCNC TPHCM, cho biết, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu hút được 173 tỷ USD trong tổng số 345 tỷ USD tổng vốn đầu nước ngoài tại Việt Nam. Để giảm áp lực thiếu nguồn cung ứng sản phẩm CNHT cho doanh nghiệp FDI, Ban Quản lý KCNC triển khai ký kết thỏa thuận liên kết vùng về phát triển mạng lưới cung ứng sản phẩm CNHT với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, các tỉnh thành sẽ cung cấp thông tin, sản phẩm sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Ban Quản lý KCNC và Sở Công thương TPHCM sẽ cung cấp danh mục linh kiện, trang thiết bị và điều kiện cung ứng mà doanh nghiệp FDI cần. Sự kết nối này sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các bên tham gia, tạo ra mạng lưới cung ứng sản phẩm CNHT. Đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước đẩy nhanh tiến trình cải tạo, nâng cao năng lực sản xuất.
Một yêu cầu được các doanh nghiệp FDI đưa ra là, doanh nghiệp cần phải đảm bảo thời gian giao hàng cũng đang được Ban Quản lý KCX-KCN thành phố xem xét. Trên thực tế, với điều kiện hạ tầng giao thông hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi. Do đó, thành phố đã triển khai mở rộng quỹ đất tại những KCN lân cận với KCNC. Trong đó, phải kể đến là KCN Bình Chiểu, Linh Trung và KCX Tân Thuận.
Tại các khu này đang triển khai xây dựng thêm nhà xưởng cao tầng, vừa đáp ứng yêu cầu gia tăng quỹ đất, vừa phù hợp nhu cầu đầu tư doanh nghiệp sản xuất CNHT. Dự kiến cuối năm nay, KCX Tân Thuận đưa vào hoạt động nhà xưởng cao 3 tầng với tổng diện tích sàn hơn 18.000m2 và nhà xưởng cao 2 tầng, tổng diện tích sàn 5.094m2 tại KCN Bình Chiểu. Ngoài ra, sau năm 2020, KCN Bình Chiểu tiếp tục xây dựng nhà xưởng cao 8 tầng với tổng diện tích sàn gần 177.000m2.