Doanh nghiệp FDI muốn Việt Nam tiếp tục tháo gỡ vướng mắc chính sách

(ĐTTCO) - Các doanh nghiệp FDI kiến nghị nhiều nội dung quan trọng với Thủ tướng, trong đó chủ yếu là tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên về thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh (VBF) diễn ra sáng nay (19-3) tại Hà Nội, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đã đề xuất nhiều kiến nghị lên Chính phủ.

Năm nay, lần đầu tiên VBF có cơ hội kết hợp Diễn đàn thường niên quan trọng này với Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI, đánh dấu một mốc quan trọng với trên 600 thành viên tham dự. Các cơ quan chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, và các bên liên quan khác đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề quan trọng đang định hình bức tranh kinh tế Việt Nam.

vbf2-5778.jpg
Sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành đã thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho FDI và phát triển bền vững

Diễn đàn năm nay nêu bật vai trò quan trọng của FDI trong thúc đẩy các sáng kiến tăng trưởng xanh với hai phiên thảo luận chính.

Phiên 1 là vai trò của FDI trong bối cảnh mới, với nội dung tìm hiểu vai trò liên tục biến đổi của FDI trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và đề xuất những khuyến nghị quan trọng cho các chính sách kinh tế quan trọng.

Phiên 2 là doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Tại Phiên này, VBF đã công bố Báo cáo khảo sát Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) do VBF thực hiện cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tổng hợp góc nhìn của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Nghiên cứu thu thập hơn 650 câu trả lời, với thông tin chi tiết và giá trị về môi trường kinh doanh Việt Nam, bao gồm hiện trạng phát triển ESG và sự phù hợp với bối cảnh kinh doanh hiện tại của Việt Nam.

Trong phiên này, một số doanh nghiệp FDI tiêu biểu đã chia sẻ thông lệ tốt nhất trong việc lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh trong hoạt động tại doanh nghiệp của mình.

vbf4-6274.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt và lắng nghe các ý kiến kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng với Thủ tướng, trong đó chủ yếu là tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Kế đến là kiến nghị Chính phủ cần đáp ứng nhu cầu về năng lượng, cụ thể là nguồn điện để các doanh nghiệp FDI có thể yên tâm sản xuất cũng như mở ra thêm những cơ hội hợp tác của doanh nghiệp FDI với Việt Nam về lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp FDI cũng kiến nghị Chính phủ dỡ bỏ các rào cản đối với các khoản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo nghề và chuyên môn để hỗ trợ phát triển các kỹ năng và năng lực quan trọng của lực lượng lao động và cung cấp thêm nhiều khoản hỗ trợ hơn cho các nhà sản xuất vừa và nhỏ để nâng cao năng lực chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp FDI cũng kiến nghị Việt Nam cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư, nâng cấp vị thế của thị trường vốn Việt Nam lên “Thị trường mới nổi” so với “Thị trường cận biên” như hiện nay. Trong đó, đề xuất loại bỏ yêu cầu cấp vốn trước cho sàn giao dịch chứng khoán và nâng cao giới hạn sở hữu nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng.

Một vấn đề mà các doanh nghiệp FDI quan tâm đó chính là việc Việt Nam thực thi quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đại diện FDI, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản của Việt Nam là 20%, tuy nhiên thuế suất có hiệu lực thực tế đối với các tập đoàn lớn có sự chênh lệch trong khoảng 5-10%. Do đó nếu doanh nghiệp phải nộp khoản thuế đối với mức chênh lệch này thì hiệu quả miễn giảm thuế hiện tại sẽ bị mất đi.

Các doanh nghiệp FDI đề nghị Chính phủ Việt Nam sẽ phân tích kỹ lưỡng và dự báo tác động của việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành về nội dung nghị định để sửa đổi, bổ sung, qua đó có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.

Cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng kiến nghị Chính phủ cho phép công ty có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào các ngành phân phối thế hệ mới như thương mại điện tử (e-Commerce), bãi bỏ thủ tục phê duyệt giao dịch M&A không cần thiết, cần rút ngắn thời gian thủ tục giải thể doanh nghiệp… tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, sản xuất được thuận lợi hơn.

Về tầm quan trọng của sự kiện, ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch VBF, nhận xét: “Diễn đàn là nền tảng để thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan với cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Thông qua việc nhấn mạnh vai trò then chốt của doanh nghiệp FDI trong việc tiên phong thực hiện các chiến lược tăng trưởng xanh, chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng cho các giải pháp khả thi mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội nói chung”.

Các tin khác