Mới đây, Quốc hội đã quyết nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% từ ngày 1/7 đến cuối năm nay, áp dụng với tất cả nhóm hàng hoá đang chịu mức thuế suất 10%, trừ viễn thông, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là động lực giúp giảm chi phí sản xuất, phục hồi kinh doanh cũng như kích cầu tiêu dùng.
Công ty Cổ Phần Đầu tư Phát triển SOHEE Hàn Quốc đã từng một lần được hưởng ưu đãi giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng vào năm ngoái. Theo chia sẻ của chủ doanh nghiệp, họ rất mừng khi tiếp tục chính sách tiếp tục có hiệu lực vào 1/7 này, vì như vậy sẽ giúp tiết kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ.
Còn với chuỗi siêu thị bán lẻ AEON, chương trình giảm 2% thuế VAT sẽ giảm giá bán hàng hoá, giúp kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giảm được chi phí đầu vào cũng là động lực để họ tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng trong thời gian tới.
Được biết, tổng gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng năm 2022 đạt khoảng 44.000 tỷ đồng. Việc giảm thuế giá trị gia tăng đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế. Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng hoá đơn được tinh gọn, áp dụng mức giảm cho tất cả các loại hàng hoá, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về thủ tục giấy tờ.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế cho biết: "Năm ngoái mình giảm thuế 11 tháng, năm nay ngắn hơn. Thời gian ngắn hơn, doanh nghiệp cũng mong muốn được giảm tất cả các mặt hàng sẽ thuận lợi hơn trong vấn đề hoạch toán, xuất hoá đơn".
Ước tính, ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.