Tại diễn đàn lữ hành toàn quốc 2022 với chủ đề " Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế tại Việt Nam" diễn ra chiều ngày 8-8, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết tính đến hết tháng 7-2022 Việt Nam mới đón được 733 nghìn lượt khách quốc tế (gồm khách du lịch và các nhóm chuyên gia, lao động nước ngoài), chỉ đạt 15% kế hoạch năm 2022 và bằng 8% cùng kỳ năm 2019. Do vậy phục hồi và phát triển du lịch quốc tế tại Việt Nam là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Rất nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia đã được đưa ra tại diễn đàn lần này nhằm chung tay phục hồi ngành du dịch toàn diện. Ở góc nhìn của một chuyên gia, TS. Nguyễn Anh Tuấn đã chỉ ra một số xu hướng du lịch quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh mới cũng như khuyến nghị một số giải pháp nhằm phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam.
Trong đó, TS. Tuấn cho rằng các doanh nghiệp lữ hành cần quan tâm hơn đến thị trường ngách thay vì chỉ quan tâm đến thị trường truyền thống trước đây và chịu sự cạnh tranh gay gắt. Một số thị trường ngách mà doanh nghiệp có thể lưu tâm như Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Đông hoặc Nam Mỹ.
Đồng ý với gợi ý này, ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc sản phẩm của Vidotour Indochina Travel cho rằng trong bối cảnh các thị trường truyền thống chưa phục hồi, nhất là thị trường Trung Quốc vẫn chưa có khách thì doanh nghiệp nên quan tâm đến thị trường ngách, có sản phẩm riêng cho thị trường ngách vì lợi nhuận từ những thị trường này không hề nhỏ.
Nói thêm về việc phát triển thị trường khách quốc tế sau dịch, ông Phúc đánh giá: "Sau dịch Covid-19 các quốc gia phòng chống dịch tốt nhất sẽ là thị trường của du lịch Việt Nam trong tương lai".
Cũng nói về việc phát triển các thị trường mới, ông Lại Minh Duy, Tổng giám đốc TST tourist cho biết để tiếp cận được thị trường mới cần nghiên cứu và có sản phẩm chạm đến thị trường. Lấy ví dụ thị trường Ấn Độ, ông Duy cho biết TST đã nghiên cứu thị trường này từ năm 2015 nhưng còn nhiều khó khăn. Đã đến lúc cần có sự hợp sức giữa các doanh nghiệp, địa phương tạo thành sân chung cho lĩnh vực du lịch.
Ngoài gợi ý tiếp cận các thị trường mới, thị trường ngách, muốn phục hồi du lịch quốc tế góp phần phục hồi toàn diện du lịch Việt Nam các diễn giả tham gia diễn đàn năm nay đã đề cập đến nhiều nội dung đang rất được quan tâm như giải nút thắt visa, hình thành những nhóm sản phẩm mới phù hợp trong bối cảnh mới, đầu tư đào tạo nhân lực sau 2 năm rơi rụng vì dịch, đẩy mạnh số hoá ngành du lịch cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá điểm đến Việt Nam...
Tất cả những nhóm việc này đều cần sự chung tay của các doanh nghiệp, địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước vì doanh nghiệp không thể một mình bươn chải trong tình hình khó khăn hiện nay.
Mặc dù khó hoàn thành mục tiêu 5 triệu khách du lịch trong năm, nhưng các doanh nghiệp cũng kỳ vọng với nhiều nỗ lực quý IV năm nay và đầu năm sau thị trường khách quốc tế sẽ có những bước hồi phục tốt hơn.