Doanh nghiệp muốn ngân hàng giảm thêm lãi suất

(ĐTTCO) - Đó là kiến nghị của đại diện các hiệp hội ngành nghề đưa ra tại hội thảo Khơi thông nguồn vốn ra thị trường, do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 5-4, tại TPHCM.

Hiện các DN xuất khẩu đều phải vay vốn bằng USD với lãi suất 5%/năm, VASEP kiến nghị các NH xem xét giảm thêm lãi suất USD xuống dưới 4%/năm.
Hiện các DN xuất khẩu đều phải vay vốn bằng USD với lãi suất 5%/năm, VASEP kiến nghị các NH xem xét giảm thêm lãi suất USD xuống dưới 4%/năm.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết, qua tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN), khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là chưa nâng được khả năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.

Vì vậy, ông đề xuất Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chính sách tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng được kéo dài thay vì kết thúc vào ngày 30-6 tới.

Về phía NH, ông Tuệ đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết với ngành thủy sản, nhóm DN xuất khẩu hàng đầu chủ yếu vay USD hiện đang đối mặt với vấn đề các thị trường chính đều suy giảm đơn hàng, tỷ giá biến động nên chững lại về vay vốn chờ những tín hiệu tích cực hơn. Còn với nhóm DN vừa và nhỏ, những DN có chiến lược tốt, có mối quan hệ tốt với NH, các NH sẵn sàng cho vay khi có lịch sử tài chính tốt. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng khó tiếp cận gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng thậm chí không biết về gói này.

“Hiện các DN xuất khẩu đều phải vay vốn bằng USD với lãi suất 5%/năm. Các DN vừa và nhỏ đang vay VNĐ với mức lãi suất phổ biến là 6-7%/năm. Còn một nhóm DN nhỏ, không có tài sản thế chấp đang vay với lãi suất 8-8,5%/năm”, bà Lan cho biết.

Đại diện VASEP đã kiến nghị các NH giảm thêm lãi suất USD xuống dưới 4%/năm và công bố rộng rãi hơn các gói tín dụng ưu đãi lãi vay khác để DN tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.

Xung quanh câu chuyện này, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chia sẻ việc tắc tín dụng hiện nay giống như người chạy xe thấy đèn xanh mà không chạy được. Vì vậy phải xem xét ở nhiều góc độ, xem vì sao DN dè dặt, ngần ngại vay vốn.

Vị chuyên gia này cho rằng, có thực tế là khi tín dụng được mở ra, lãi suất giảm, DN đã ở tình trạng quá khó khăn rồi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, có đến 73.900 DN rút lui khỏi thị trường trong quý I, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 24.700 DN rút lui khỏi thị trường. Trong 3 trụ cột của nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, thì tiêu dùng trong quý I vừa qua chỉ tăng 5,1%, trong khi cùng kỳ tăng 10,1%, chứng tỏ cầu tiêu dùng yếu.

"Lãi suất giảm khi DN vô cùng khó khăn, nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp vì thiếu đơn hàng do cầu thế giới và nội địa giảm, tiêu dùng giảm. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của người cho vay và người đi vay. Do vậy, về lâu về dài cần hạ thấp lãi suất xuống", TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh.

Ông cho rằng, lãi suất VNĐ đang thấp xuống nên nếu có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán, DN nên vay VNĐ mua ngoại tệ sẽ hiệu quả hơn. Còn nếu DN cần vay ngoại tệ, NH nên hoán đổi ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia, tạo nguồn ứng trước ngoại tệ với lãi suất vừa phải để hỗ trợ xuất khẩu.

Ngoài ra để khơi thông tín dụng, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) còn gợi ý, NHNN yêu cầu các NH chủ động công bố mức lãi suất cho vay bình quân để tạo lòng tin của thị trường, nên chăng theo định kỳ với việc công bố lãi suất cho vay, NH công bố luôn tỷ trọng giải ngân của từng mức lãi suất trong tháng, trong quý. Ngược lại, DN khi chấp nhận luật chơi thị trường thì phải tái cấu trúc, không thể yêu cầu NH cho vay dưới chuẩn để đồng vốn được đẩy ra nhưng tín dụng vẫn phải đảm bảo được chất lượng an toàn hệ thống.

“NH cũng là DN và cũng đặt ra câu chuyện lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận thế nào để xã hội chấp nhận được, để chia sẻ với nền kinh tế và DN là việc NHTM phải có trách nhiệm. Ngay cả với các NHTM có vốn nhà nước, NHNN can thiệp với tư cách chủ sở hữu để hạ lãi suất cho DN”, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đã có một số chia sẻ như vậy trước hàng loạt kiến nghị đề xuất

Với các ý kiến cho rằng lãi suất cho vay còn cao, nhưng ông Tú cho rằng lãi suất thấp hơn 20 năm qua. Thực tế, còn một số NH có những khoản vay cũ lãi suất vẫn còn cao, cần phải có tác động của dư luận xã hội. Việc yêu cầu NHTM phải công bố lãi suất cho vay bình quân để người dân lựa chọn vay của NH có lãi suất thấp.

Phó Thống đốc NHNN cũng thông tin, nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2023 là 4,55%, trong đó riêng năm 2023 tăng 2,03% và cũng chưa kể đến các khoản nợ xấu được tạm thời cơ cấu lại, bán cho VAMC mà chưa được xử lý… Đây là các con số cho thấy không thể đẩy mạnh tín dụng một cách ồ ạt, bất chấp các tiêu chuẩn để nợ xấu trở thành cục máu đông như cách đây hơn 10 năm hiện xử lý vẫn chưa hết.

Các tin khác