Doanh nghiệp nên tranh thủ 'vốn rẻ' đầu tư đón đầu

(ĐTTCO) - Theo ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), có không ít DN đặt câu hỏi vay vốn làm gì khi thị trường chưa thực sự khởi sắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào như hiện nay, vay để đầu tư đón đầu là việc cần được tính toán.

DN cần nắm bắt cơ hội khi ngân hàng "bơm" vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đón đầu (ảnh minh họa).
DN cần nắm bắt cơ hội khi ngân hàng "bơm" vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đón đầu (ảnh minh họa).

PHÓNG VIÊN: - Theo ông, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn TPHCM những tháng đầu năm đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn chưa?

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: - Hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của các DN TPHCM hiện nay vẫn còn không ít thách thức. Ở mảng xuất khẩu, nhu cầu của người tiêu dùng ở hầu hết các thị trường vẫn chưa hồi phục nhiều, nay lại thêm tình hình thế giới có nhiều biến động, khiến DN hết sức lo lắng. Chẳng hạn như câu chuyện xung đột tại biển Đỏ đẩy giá cước vận chuyển bằng tàu biển tăng cao, cũng khiến DN trong một số ngành hàng chịu tác động mạnh. Về lâu dài nếu tình hình không cải thiện, tác động sẽ lan ra nhiều hơn.

Đi vào câu chuyện cụ thể về đơn hàng, hiện chúng ta đã nghe nói về việc đơn hàng đang quay trở lại, nhưng ở mỗi ngành sẽ khác nhau. Như với ngành dệt may, da giày hay đồ gỗ, đơn hàng thường vẫn còn ngắn hạn từ 1-3 tháng, số lượng DN có đơn hàng dài trong 6 tháng hoặc nhiều hơn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Riêng với mảng nông nghiệp nhờ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, nên đang có nhiều tín hiệu tốt hơn. Các mặt hàng như gạo, cà phê, thủy sản hay nhóm rau quả, đang ghi nhận những thông tin xuất khẩu tích cực ngay trong những tháng đầu năm. Dự báo nhóm ngành này trong cả năm nay sẽ mang về kết quả tốt.

Ở thị trường nội địa, theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình tiêu thụ cũng chưa cải thiện nhiều so với năm ngoái, xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn khá phổ biến. Tuy nhiên, thị trường trong nước cũng đang kỳ vọng nhiều vào việc đẩy nhanh đầu tư công. Chỉ có như vậy mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp DN hồi phục tốt hơn.

- Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thật sự khởi sắc cũng là nguyên nhân khiến không ít DN còn dè dặt trong vay vốn, nhưng nguồn vốn hiện khá dồi dào và lãi suất cho vay cũng hạ thì DN cũng phải tính đến. Ông nghĩ sao?

- Đúng là thời điểm này khi nhu cầu tiêu thụ trong nước và nước ngoài còn chưa khởi sắc, không ít DN đặt câu hỏi vay vốn để làm gì. Song theo tôi, DN nên nhìn bài toán dài hơn để có những tính toán phù hợp. Chúng ta đang nói nhiều đến những hàng rào kỹ thuật mới như xanh hóa, giảm phát thải… Nếu DN có đầu tư phải làm ngay để chuẩn bị đón đầu khi thị trường phục hồi, theo yêu cầu mới của nhà nhập khẩu đưa ra. Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là không thể tránh khỏi cho các DN.

DN cần tính bài toán dài hơi chứ chỉ đừng nhìn trước mắt khi thị trường chưa hồi phục. Khi có nơi “bơm” vốn với lãi suất ưu đãi, cần nhanh chóng nắm cơ hội, đầu tư đón đầu để khi thị trường phục hồi đủ sức tham gia cạnh tranh, nắm cơ hội ngay.

Xin được nói thêm ở thị trường nội địa dù bức tranh chung là cầu còn chưa khởi sắc, nhưng thị trường lúc nào cũng có những ngách có thể phát triển. Ví như thị trường bất động sản, thời gian qua cụm từ thấy nhiều nhất là thị trường “đóng băng”.

Song nếu xét kỹ, chỉ ở phân khúc trung, cao cấp mới chậm, còn phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dưới 2 tỷ đồng người dân vẫn có nhu cầu cao. Thế nhưng, muốn thúc đẩy ngách này phát triển cần giải quyết 2 vấn đề.

Thứ nhất, hỗ trợ thủ tục pháp lý về đất đai cho DN, để DN tiếp cận được quỹ đất giá hợp lý, vì nếu giá đất quá cao không thể xây nhà ở xã hội hay nhà giá phù hợp thu nhập của số đông người mua.

Thứ hai, tác động vào người mua nhà cần có những chính sách khuyến khích họ mua như lãi suất phù hợp, thời gian vay kéo dài… Khi ngách này được khơi thông, có thể phần nào giải quyết bài toán “thừa” vốn của ngân hàng. Tiền phải được luân chuyển, phải để tiền ra thị trường, tiền đẻ ra tiền.

- Được biết chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM đã được tái khởi động. Nhưng lâu nay khi tiếp cận vốn từ chương trình này DN thường ngần ngại thủ tục. Vậy làm sao giải nút thắt này, thưa ông?

- Xin nói rõ chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất của TPHCM đã được triển khai nhiều năm. Tuy nhiên giai đoạn 2021-2022, chương trình bị gián đoạn. Đến cuối năm 2023, Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM triển khai lại chương trình này. HĐND TPHCM cũng đã thông qua Nghị quyết 09, xác định rõ những lĩnh vực, ngành nghề và phạm vi đối tượng cho vay kích cầu đầu tư.

Đối tượng tham gia chương trình là DN, tổ chức kinh tế tập thể trong nước (100% vốn trong nước) được thành lập và hoạt động theo Luật DN, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập. Mức vốn vay tối đa cho mỗi dự án 200 tỷ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ mức 50%, 100% lãi suất cho các dự án tùy lĩnh vực.

Thời gian hỗ trợ tối đa 7 năm. Đáng chú ý, ngoài đối tượng hỗ trợ chính là DN thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, chương trình kích cầu đầu tư theo Nghị quyết 09 còn mở rộng hỗ trợ đến DN thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, y tế, giáo dục, kỹ thuật, môi trường.

Cũng phải thừa nhận thực tế, thời gian qua bên cho vay (Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM - HFIC) và bên đi vay (các DN) vẫn chưa gặp nhau. HFIC thì cho rằng khó tìm kiếm dự án tốt dù vốn dồi dào, DN thì cho rằng chương trình khó tiếp cận, thủ tục phức tạp nên ngại tìm tới. Nay mọi chuyện sẽ từng bước thay đổi. HFIC sẽ không ngồi yên chờ DN tới mà đang xúc tiến đi tìm DN phù hợp.

Mới đây nhất, HFIC và HUBA đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác đồng hành và hỗ trợ DN, trong việc tiếp cận và tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất của thành phố. Sự hợp tác này sẽ giúp DN tiếp cận và tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất ngay từ khâu xúc tiến, tư vấn lĩnh vực, tư vấn hỗ trợ pháp lý và phương án tài chính.

Cụ thể hơn, HUBA sàng lọc và giới thiệu DN tiềm năng, đáp ứng đủ điều kiện cho vay của HFIC nhằm tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất; HFIC với vai trò là tổ chức cho vay sẽ tiếp nhận thông tin nhu cầu vay vốn của DN từ HUBA để xem xét cho vay theo đúng quy định được ban hành.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác