Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, chia sẻ, môi trường là lĩnh vực đầu tư tiềm năng của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Chỉ tính trên địa bàn TPHCM, thống kê mới nhất từ Sở TN-MT TPHCM cho thấy, trung bình mỗi ngày, thành phố phát sinh 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, 2.500-3.000 tấn rác thải công nghiệp, 1.500 tấn rác thải xây dựng và hàng trăm tấn rác thải nguy hại... Trong khi đó, năng lực xử lý của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Về phía công ty cũng đang đề xuất UBND TPHCM cho phép triển khai dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt rác phát điện công suất 1.000 tấn/ngày tại bãi chôn lấp số 3 thuộc Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM. Dự án có quy mô 4,15ha và công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày bằng công nghệ đốt rác phát điện.
Việc xin phép đầu tư dự án trên nằm trong chủ trương của thành phố nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu “nâng tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%”. Tuy nhiên, dư địa của thị trường xử lý và tái chế rác thải tại Việt Nam nói chung còn rất lớn và cần nhà đầu tư tham gia.
Trước đó, chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham đã ghi nhận những cải thiện về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Hiện có gần một nửa số lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà đầu tư (49%) dự đoán triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ ổn định và cải thiện trong thời gian tới. Tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch duy trì hoặc tăng vốn đầu tư trong quý 4 là 69% - cao hơn hai điểm so với quý trước, với dự báo doanh thu cũng tăng.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, cho biết: Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) hiện đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng tích cực. Với việc đại dịch Covid-19 hiện đã được kiểm soát ở Việt Nam, sự lạc quan của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tăng khi các công ty trở lại hoạt động bình thường và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên.