Xoay dòng vốn, tiếp cận vốn và sử dụng dòng tiền trước tình hình lãi suất tăng cao là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, thu mua nguyên liệu, sản xuất, xuất khẩu.
Thế nhưng, từ cuối năm 2022, với cơ chế siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, các gói vay đều khó giải ngân, vẫn có nhiều doanh nghiệp linh động trong việc xoay dòng tiền để duy trì sản xuất.
Gây dựng mối liên kết không dùng tiền
Với sự lưu động hàng hóa hiện nay, không hoạt động sản xuất, tiêu thụ nào không dùng tiền. Nhưng đi kèm với sự phát triển bán hàng, thương mại điện tử, cũng như xây dựng mối liên kết trong chế biến và tiêu thụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất, kêu gọi doanh nghiệp tham gia, thì mối liên kết trong sản xuất, chế biến và bán hàng trở thành một cứu tinh cho các doanh nghiệp và giữ một vai trò trong chuỗi.
Điển hình như với ngành chế biến, xuất khẩu điều, trong năm 2022, những biến động về lạm phát, lãi suất tăng cao, tín dụng bị siết chặt, ngân hàng không thể giải ngân các khoản vay, cùng với việc nguyên liệu điều nơi thừa, nơi thiếu đã tạo ra những khó khăn cho toàn ngành. Nhưng có những doanh nghiệp bình yên vượt qua sự khó chồng khó này.
Ông Thái Nguyễn Huệ Chí, chuyên gia cố vấn Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ trong lúc ai cũng thiếu tiền, nếu chỉ xoay quanh ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, tăng khoản đặt cọc hay thu tiền hàng nhanh chóng, càng khiến cho doanh nghiệp khó tìm được lối ra. Bởi thực tế ai cũng thiếu tiền, kể cả khách hàng, nhà nhập khẩu khi lạm phát tăng cao, kéo dài. Nhưng nếu như các doanh nghiệp bắt tay nhau, liên kết nhau không dùng tiền, mọi thứ sẽ dần được giải quyết.
Ngành chế biến điều là một chuỗi các đơn vị cung ứng nguyên liệu, nhà máy chế biến, đơn vị xuất khẩu. Cũng có doanh nghiệp đảm đương cả 3 khâu này. Với những doanh nghiệp chuyên từng khâu, sẽ phát triển mạnh khâu đó. Khi không thể xoay sở dòng tiền, doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu có thể liên kết với doanh nghiệp chế biến để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy mà không thu tiền trước, chờ nhà máy chế biến xong, bán hàng thì sẽ được trả tiền mua hàng trước đó. Đây là một giải pháp bán trước mua sau, vừa có thể giúp cho nhà máy có nguyên liệu hoạt động, doanh nghiệp bán nguyên liệu tiêu thụ được nguyên liệu.
Đối với doanh nghiệp có nhà máy chế biến, khi đã có nguồn hàng chế biến, các đơn hàng được giao đi, tiền hàng được thu về chính là dòng tiền xoay xở trả lại cho doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, lại vừa có thêm khoản lợi nhuận sau bán hàng. Dòng tiền này giúp cho cả doanh nghiệp chế biến lẫn doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu trong lúc chưa thể vay vốn từ ngân hàng, ông Thái Nguyễn Huệ Chí nhấn mạnh.
Tái vay vốn bằng tiền gửi
Nhu cầu vốn là điều không thể bàn cãi đối với doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể vay vốn và tái vay vốn với nhiều hình thức khác nhau, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tái vay vốn.
Bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn nuôi trồng nấm Hòa Long chia sẻ công ty đã vay vốn với các gói tín dụng lên đến 4 tỷ đồng, nhưng trong thời điểm cuối năm 2022, công ty muốn vay vốn cũng không thể được duyệt, bởi nợ cũ chưa trả xong, hồ sơ sẽ bị treo, dù có bất động sản thế chấp.
Còn ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao vào giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, nhưng không đơn vị nào có thể đáp ứng được điều kiện vay, nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2%, hoặc cả gói vay thương mại.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)
Thậm chí có doanh nghiệp thừa bất động sản để thế chấp vay vốn, nhưng hầu như khó được duyệt, vì thời điểm đó ngân hàng cạn "room" tín dụng. Nếu muốn cho vay, bắt buộc ngân hàng phải huy động tiền gửi để tạo nguồn vốn vay tạm thời trong lúc này. Thực tế cũng đã có doanh nghiệp sẵn sàng thế chấp tài sản, bất động sản để có thể có được tiền phục vụ sản xuất nhưng hầu như hồ sơ bị từ chối hoặc treo.
Ông Thái Nguyễn Huệ Chí, chuyên gia ngành điều cho biết giá nguyên liệu điều từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2022 nhảy múa, bởi sự trục lợi của một vài doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu lậu, nhưng vấn đề cũng đã được Hiệp hội đưa ra phương hướng giải quyết. Đồng thời, đối diện với phương án vay vốn và tái vay vốn, một số doanh nghiệp chủ chốt trong ngành điều như Hoàng Sơn 1, Long Sơn, Hà Mỵ, Hafimex… đã linh động trong vay, gửi tiền và tái vay. Từ đây doanh nghiệp mới có thể được duyệt hồ sơ vay vốn, phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Theo quy tắc vay vốn ngân hàng phải trả lãi suất. Trong thời điểm lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải gồng mình trả lãi với lãi suất 12%/năm. Sau khi doanh nghiệp giao hàng, nguồn tiền thu hồi về có thể gửi vào chính ngân hàng đã vay, lãi suất tiền gửi thấp hơn lãi suất tiền vay, nhưng chính lãi suất tiền gửi giúp cho doanh nghiệp trả được một phần tiền lãi ngân hàng hàng tháng.
Bài toán này xem như giải quyết được lãi suất tiền vay cao của doanh nghiệp. Còn trong trường hợp doanh nghiệp mang toàn bộ số tiền thu hồi từ bán hàng gửi vào ngân hàng, tất nhiên bán hàng sẽ có thêm khoản lợi nhuận, thì lãi suất tiền gửi có thể chi trả thêm phần lãi suất vay còn lại, thì doanh nghiệp có thể yên tâm về khoản vay đó.
Sau khi đã tính toán xong khoản vay và khoản lãi suất phải trả được an toàn, các doanh nghiệp có thể tính đến bài toán lập hồ sơ vay khoản khác phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Với doanh nghiệp chưa rơi vào nợ xấu, ngân hàng lại có nguồn tiền gửi huy động, sẽ xét duyệt hồ sơ vay, giải ngân nguồn vốn cho doanh nghiệp này. Cách làm này chính là với khoản vay nào, giải quyết khoản vay đó, đúng quy tắc vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp có dòng tiền xoay sở cho các hợp đồng tiếp theo, ông Thái Nguyễn Huệ Chí phân tích thêm.
Trên thực tế, một doanh nghiệp không chỉ vay vốn tại một ngân hàng, mà tiếp cận nhiều ngân hàng. Có như vậy, các doanh nghiệp mới trụ vững được trong lúc thiếu vốn như thời điểm cuối năm 2022.