Đại diện NHNN cũng đã nhiều lần đề cập đến "độ trễ" chính sách tiền tệ, nhưng đến nay, sau hơn 6 tháng kể từ khi các chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ DN được ban hành (cuối quý III-2022), vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày có hơn 600 DN “biến mất” khỏi thị trường - dựa trên số liệu bình quân tính từ con số mà Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố. Cụ thể, có 77.001 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 64,8%).
Số lượng DN tạm ngừng kinh doanh là 49.930 DN (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022), số DN chờ làm thủ tục giải thể là 20.945 DN (tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2022) và số DN giải thể là 6.126 DN (tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2022). Chỉ tính riêng trong tháng 4, cả nước có tới 14.509 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều DN cho hay, để tiếp cận được các "gói hỗ trợ lãi suất" của các NHTM đưa ra cũng khó như... lên trời, bởi hàng loạt điều kiện "rào chắn" kèm theo, trong khi mặt bằng lãi suất vẫn neo ở mức cao. Ảnh minh họa |
Theo tìm hiểu của ĐTTC, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các DN buộc phải rút lui khỏi thị trường hàng loạt, nhưng nổi bật lên là 2 nguyên nhân chủ yếu: đầu ra bất ổn (chiến tranh, lạm phát) và chính sách tiền tệ hỗ trợ DN không phát huy hiệu quả.
Đơn cử là gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 20-5-2022) với kết quả không như kỳ vọng. Đáng chú ý, gói hỗ trợ này không phải là các NHTM phải “bỏ tiền túi” mà do ngân sách Nhà nước chi trả (kết hợp với chính sách tài khóa). Đến nay, sau một năm thực hiện, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% này vẫn như “đá ném ao bèo” với kết quả không như kỳ vọng.
Mới đây, NHNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ”. Tại hội nghị, đại diện NHNN thừa nhận, kết quả của việc triển khai đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Theo đó, tính đến cuối tháng 4, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đến nay (sau 1 năm) chỉ đạt được vọn vẹn khoảng 409 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,02% nguồn lực bố trí để thực hiện chính sách (40.000 tỷ đồng).
Về kết quả trên, đại diện các NHTM giải thích các lý do như: bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi so với khi xây dựng chương trình, khách hàng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất; khách hàng đáp ứng được điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng lại có tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm; khó đánh giá về khả năng phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định…
Tất nhiên, các NHTM có nhiều lý do để giải thích, nhưng trong khi các NHTM đang “thanh minh” về “độ trễ" chính sách thì số lượng DN phá sản vẫn chưa dừng lại.
Trao đổi với ĐTTC, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thị trường vốn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào kênh tín dụng, trong khi các kênh như trái phiếu, chứng khoán… chưa có dấu hiệu phục hồi.
"Song, dù với lãi suất điều hành của NHNN đã hạ như gần đây, thì mức trần lãi suất cho vay của các NHTM đối với DN vẫn neo ở mức cao. Hệ quả là nhiều DN phải chấp nhận vay NH với lãi suất cao hoặc chấp nhận đảo nợ, trả lãi cao chỉ để duy trì tồn tại chứ không đủ để “tái đầu tư sản xuất”, bà Thảo phân tích.
Cũng theo bà Thảo, dù mới đây, chính sách tài khóa đi kèm đã được Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua (giảm thuế GTGT 2%), song triển vọng để các DN trong nước phục hồi trong những tháng còn lại của năm nay là rất khó. “Bức tranh về sức khỏe DN trong những tháng còn lại của năm nay vẫn còn rất mịt mờ, thậm chí các DN còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa”, bà Thảo nói.