Họ đang hoang mang không biết xử lý như thế nào, mới phải mua giờ hủy hay sử dụng tiếp? Nếu hủy, cơ quan thuế có hỗ trợ gì không?
Khó xử với hóa đơn giấy
Chị Thanh Dung, kế toán của một doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM, cho biết mới mua hàng ngàn số hóa đơn, chưa kịp dùng thì 1-11 TP.HCM cùng 5 tỉnh thành khác áp dụng HĐĐT mới.
Tại buổi tập huấn online vừa qua, Cục Thuế TP.HCM cho biết TP.HCM là địa phương được xác định đáp ứng các điều kiện về hạ tầng công nghệ.
Do vậy khi DN nhận được thông báo của cơ quan thuế thì phải thực hiện chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT mới và không được từ chối. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải hủy hết hóa đơn cũ để sử dụng hóa đơn mới.
"Không chỉ DN của tôi mà hàng loạt DN lớn còn tồn rất nhiều hóa đơn chưa sử dụng. Nếu hủy sẽ rất lãng phí. Hóa đơn cũng là tài sản của DN. Nếu bắt hủy, ai đền cho DN?" - chị Thanh Dung hỏi.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trên nhiều diễn đàn của kế toán đang kêu rất nhiều về vấn đề này. Một DN cho biết mới phát hành 3.000 tờ hóa đơn chưa dùng tờ nào.
Quy định mới phải hủy hết trong khi cơ quan thuế và DN cung cấp dịch vụ chưa đề cập việc hỗ trợ gì. Nhiều DN cũng băn khoăn từ ngày 1-11 có được phát hành hóa đơn giấy nữa không và xuất HĐĐT mới sẽ thế nào?...
Ông Phan Thành Hưng, giám đốc một công ty chuyên phân phối hàng gia dụng (Hải Phòng), lo lắng: "DN chưa nắm được việc sử dụng HĐĐT ra sao. Số lượng hóa đơn xuất mỗi tháng vài nghìn tờ, có trục trặc gì, DN rất lo" - ông Hưng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thức, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH đại lý thuế BCTC, cho biết vướng mắc nằm ở chỗ theo luật thì tới ngày 1-7-2022 mới bắt buộc sử dụng HĐĐT trên toàn quốc. Việc áp dụng HĐĐT theo nghị định số 123 và thông tư số 78 mang tính chất thí điểm.
Tuy nhiên, cơ quan thuế chỉ cho DN tiếp tục sử dụng hóa đơn cũ nếu chưa đáp ứng các điều kiện về hạ tầng công nghệ.
Trong khi nhiều địa bàn đã đáp ứng điều kiện này nên việc chuyển qua HĐĐT mới là bắt buộc. "Cơ quan thuế cần sớm thông báo phương án xử lý cho DN yên tâm" - ông Thức đề nghị.
Hủy nhưng nhà cung cấp sẽ "bù"
Không chỉ Cục Thuế TP.HCM, trả lời cho một công ty thủy điện đóng trên địa bàn về việc sau 1-11 có tiếp tục được sử dụng hết những hóa đơn đã phát hành, Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết theo quyết định 1831 của Bộ Tài chính về việc triển khai áp dụng HĐĐT tại Bình Định, từ 1-11 các DN trên địa bàn phải chuyển toàn bộ qua HĐĐT mới.
Do đó, với hóa đơn đã phát hành theo thông tư 32 mà chưa sử dụng hết, DN thông báo hủy toàn bộ và gửi cho cơ quan thuế mẫu hóa đơn hiện hành trên ứng dụng báo cáo hóa đơn.
Tuy nhiên Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết nơi này yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ HĐĐT bảo lưu số hóa đơn còn tồn của mẫu cũ theo gói cước đã mua để DN sử dụng theo mẫu mới không bị thiệt hại. Còn nhà cung cấp chỉ cần thay đổi ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn… theo quy định mới cho DN mà không tính cước phí trên số hóa đơn còn tồn.
Đây dự kiến cũng là hướng xử lý sắp tới mà cơ quan thuế dự kiến áp dụng để giảm bớt thiệt hại cho DN.
Ông Thái Minh Giao - cục phó Cục Thuế TP.HCM - cho biết cuối tuần qua Tổng cục Thuế đã họp với các nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT để xử lý vướng mắc này.
Theo ông Giao, trước mắt DN vẫn sử dụng hóa đơn cũ, nhưng khi nhận được thông báo của cơ quan thuế thì DN phải chuyển đổi. Khi đó DN phải hủy hóa đơn còn tồn. "Cơ quan thuế đang làm việc với nhà cung cấp để bù số hóa đơn còn tồn cho DN hoặc miễn phí dịch vụ cho thời gian đầu sử dụng để giảm thiệt hại cho DN" - ông Giao nói.
Tổng cục Thuế: "Chỉ khuyến khích, chưa bắt buộc"
Hướng dẫn thực hiện HĐĐT theo quy định mới, Cục Thuế Hà Nội cho biết các DN vẫn sử dụng phần mềm và dịch vụ cung cấp giải pháp hiện tại của nhà cung cấp nhưng dữ liệu cần đạt chuẩn theo quy định của Tổng cục Thuế. Các nhà cung cấp giải pháp có trách nhiệm phục vụ DN, cập nhật phần mềm HĐĐT theo quy định.
DN vẫn tiếp tục sử dụng phần mềm HĐĐT hiện tại, kinh doanh và xuất hóa đơn bình thường. Chỉ khi Cục Thuế Hà Nội có thông báo đến DN thì DN mới đăng ký sử dụng HĐĐT và gửi đến cơ quan thuế qua các tổ chức cung cấp giải pháp phần mềm. Sau khi nhận được bản chấp thuận của cơ quan thuế, DN mới xuất hóa đơn theo quy định mới.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định việc sử dụng HĐĐT theo quy định mới chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc các DN tại 6 địa phương Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ đang triển khai.
Vì theo quy định, từ ngày 1-7 sang năm mới chính thức khai tử hóa đơn giấy và áp dụng HĐĐT theo nghị định 123 và thông tư 78. Tuy nhiên, trước mắt từ ngày 1-11, Tổng cục Thuế triển khai tại 6 địa phương nói trên và từ ngày 1-3 năm sau là tại các tỉnh, TP còn lại, trước khi áp dụng chính thức trên toàn quốc từ giữa năm sau.
Hà Nội: gần 100.000 DN đã dùng HĐĐT
Theo Cục Thuế TP Hà Nội, đến ngày 22-10 đã có 153.281 DN, tổ chức thông báo phát hành HĐĐT, đạt tỉ lệ 92%, trong đó gần 100.000 DN, chiếm 65%, đã sử dụng HĐĐT. Đây là nền tảng quan trọng để chuyển sang HĐĐT theo quy định mới từ ngày 1-11 theo quyết định của Bộ Tài chính.
Chi phí đáng kể
Theo tìm hiểu, hiện để đăng ký sử dụng HĐĐT, DN ban đầu phải mất chi phí khởi tạo, thông thường khoảng 1 triệu đồng, phí sử dụng chữ ký số, phí tích hợp phần mềm. Sau đó DN sẽ mua HĐĐT theo gói.
Tùy nhà cung cấp nhưng mức phí phổ biến với gói 300 số hóa đơn là 390.000 đồng, gói 20.000 số khoảng 5,1 triệu. Còn với DN lớn, có DN mua gói 100.000 số, phí khoảng 30 triệu đồng. Số tiền này DN trả ngay khi mua.
Do vậy sau đó vì lý do gì mà DN không sử dụng thì sẽ bị mất tiền chứ đơn vị cung cấp dịch vụ không hoàn. Trong khi đó, DN thường dự trù số hóa đơn sử dụng trong 1-2 năm nên mua cả gói.
Với hóa đơn giấy, tùy nhà cung cấp, hiện giá vào khoảng vài chục ngàn 1 cuốn. Khi in DN cũng in khoảng 100 - 200 cuốn để sử dụng dần. Do vậy chi phí DN phải bỏ ra để in cũng rơi vào khoảng vài triệu đồng/DN. Với những DN lớn chi phí in hóa đơn sẽ càng lớn.