Doanh nghiệp 'than trời' vì thiếu vốn, thiếu đơn hàng

(ĐTTCO) - HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Doanh nghiệp 'than trời' vì thiếu vốn, thiếu đơn hàng

Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) vừa có báo cáo tình hình DN 3 tháng đầu năm gửi UBND TPHCM. Theo đó, trong quý I đã có nhiều chính sách của Chính phủ được duy trì và triển khai, lãnh đạo TP cũng quan tâm, lắng nghe, động viên các DN.

Khó khăn chồng chất

Theo HUBA, kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm khoảng trên 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu như các DN đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu.

Khó khăn phổ biến là thiếu hụt dòng tiền, DN không tiếp cận được vốn vay, nhiều DN không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Do vậy, từ giữa năm 2022 đến nay các DN không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với DN, đặc biệt là DN ngành dệt may.

Trong khi đó, ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có DN giảm đến 50%, hay đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm 30-40%. Hiện các DN Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt bởi các DN FDI, nhất là DN nhỏ và vừa, buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại.

Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ hiện giảm xuất khẩu khoảng 15%. Trong đó, các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%. Thị trường nội địa cũng không khả quan khi các sản phẩm nội thất các dự án hiện "đóng băng hoàn toàn về công việc và dòng tiền", hoạt động bán lẻ cũng sụt giảm rất lớn.

Đáng chú ý, ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% DN trong tình trạng không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều DN phá sản nếu không có gì thay đổi. Cũng trong tình trạng tương tự, trong nhiều tháng qua ngành bất động sản đã đóng băng, điều này kéo theo các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng.

Khảo sát của HUBA cho thấy có 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Về tình hình người lao động, có 64,7% DN cam kết giữ nguyên được số lao động hiện có, 17,7% DN có xu hướng cắt giảm lao động, tương đương số có nhu cầu tuyển dụng thêm. Tuy vậy, 70,6% DN bày tỏ niềm tin vào chính sách phát triển của Nhà nước về môi trường kinh doanh của TP hiện nay đang cơ bản là ổn, có tác động tốt vào hoạt động kinh doanh của DN.

Dù vậy, việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa được cộng đồng ghi nhận nhiều. Đặc biệt là các gói hỗ trợ về vốn chưa được đánh giá cao với tỉ lệ thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%.

Kiến nghị tập trung giải bài toán vốn

Trong báo cáo, HUBA gửi đến nhiều kiến nghị nhằm hỗ trợ các DN như chương trình kích cầu đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ bán hàng nhưng cái được nhấn mạnh nhiều nhất chính là giải quyết bài toán vốn cho DN.

Cụ thể, HUBA cho biết DN nhỏ và vừa luôn trong tình trạng thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đó, DN đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu... và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp. Hiện nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, ngân hàng không chấp nhận nhà xưởng làm tài sản đảm bảo nên công ty vô cùng khó khăn.

Với các khó khăn đó, HUBA đề xuất Chính phủ tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỉ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hằng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.

Ngoài ra, HUBA kiến nghị NHNN có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho DN, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay một năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm, thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ năm 2021.

HUBA cũng nhấn mạnh lãi suất vay cao là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của DN vì vậy kiến nghị NHNN có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các NH thương mại, khống chế tỷ lệ biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3%.

Song song đó, kiến nghị TP thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 và thông tư 03 của NHNN, chỉ đạo tăng cường kết nối DN và ngân hàng thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho DN.

Các tin khác