Chậm trễ hỗ trợ, doanh nghiệp khốn khó
Công ty TNHH Lập Phúc ở Quận 7 chuyên sản xuất khuôn mẫu chính xác là một trong những doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay từ chương trình Kích cầu đầu tư của TP.HCM. Chính nhờ vậy, doanh nghiệp đã đổi mới được công nghệ xuất khẩu để cung ứng được sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật và thiết bị y tế ở Mỹ.
Cuối năm 2020, công ty tiếp tục đầu tư dự án Trung tâm Phát triển khuôn mẫu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay chương trình Kích cầu đầu tư hơn 75 tỷ đồng. Hồ sơ được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 23/12/2020 nhưng hơn 2 năm nay, doanh nghiệp chưa được hỗ trợ. Trong giai đoạn lãi suất cho vay của ngân hàng rất cao từ 13-15%/năm, việc chậm hỗ trợ khiến doanh nghiệp “chới với” mất cân đối thanh khoản, khó trả được lãi vay. Và nếu thời gian kéo dài, doanh nghiệp có khả năng phải bán tài sản để trả lãi ngân hàng.
Ngay sau đó, doanh nghiệp có văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị xem xét giải quyết. Ngày 16/11/2022, UBND TP có văn bản số 6736 yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, đề xuất bố trí kinh phí cấp bù lãi suất vay từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc kiến nghị: "Hiện nay, công ty mới hoàn chỉnh phần xây dựng và nhập một số máy móc thiết bị, chưa đủ tiền mua đầy đủ thiết bị cho công trình này. Nếu Thành phố hỗ trợ giải ngân lãi vay đáng lẽ được giải ngân thì chúng tôi sẽ có nguồn kinh phí thực hiện tiếp công trình. Hiện nay, chúng tôi phải dừng lại nếu tiếp tục mua thiết bị, máy móc ngân hàng sẽ giải ngân vốn cho vay thì việc trả lãi suất vay ngân hàng vượt khả năng của chúng tôi".
Không chỉ có Công ty TNHH Lập Phúc mà hơn 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp được vay vốn chương trình Kích cầu đầu tư cũng chưa được hỗ trợ lãi.
Ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM cho biết, riêng trong hội có 10 doanh nghiệp được UBND TP phê duyệt hồ sơ của chương trình, mức vay vốn từ 10 tỷ đến gần 100 tỷ đồng. Chính vì không được hỗ trợ nên nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn vì không xoay xở được tiền trả lãi ngân hàng. Một số doanh nghiệp không cầm cự được đã bán nhà đất để trả lãi vay nhằm tránh rơi vào diện nợ xấu của ngân hàng. Một số doanh nghiệp khác đang đàm phán để bán công ty.
Cũng theo ông Tống: "Khi tham gia chương trình kích cầu hồ sơ được duyệt thì doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư. Trong tính toán của doanh nghiệp đã tính toán tiền hỗ trợ trả lãi vay có sự hỗ trợ chương trình này. Hiện nay chưa được hỗ trợ thì doanh nghiệp rất khó khăn và có nguy cơ nợ xấu. Chúng tôi kiến nghị Thành phố sớm giải ngân phần hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có dòng tiền an toàn để phát triển sản xuất".
Doanh nghiệp tiếp tục… chờ
Từ năm 2015-2020, UBND TP.HCM đã phê duyệt hơn 280 dự án của doanh nghiệp tham gia chương trình Kích cầu đầu tư với tổng số vốn vay gần 24.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất hơn 11.200 tỷ đồng. Thời gian hỗ trợ lãi suất vay của mỗi dự án là 7 năm, bình quân mỗi dự án được vay hơn 84 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi suất bình quân khoảng 6-7%/năm.
Nhờ nguồn vốn này, nhiều doanh nghiệp đầu tư có được công nghệ để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp FDI và xuất khẩu. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay, chương trình dừng lại khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Nói về nguyên nhân tại buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo UBND TP.HCM mới đây, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, việc tạm dừng hỗ trợ vì Thành phố phải điều chỉnh lại một số nội dung cho phù hợp với quy định mới của pháp luật.
"Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã tham mưu trình UBND TP, lãnh đạo UBND TP cũng đã giao lại cho Sở trên cơ sở Đề án lấy ý kiến thêm Bộ Kế hoạch Đầu tư có sự tiếp thu điều chỉnh lại và báo lại UBND TP trong tháng 2/2023 để làm sao phù hợp Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước cũng như các quy định pháp luật hiện hành để đảm bảo thực hiện khả thi dự án trong thời gian tới" - ông Chánh nêu rõ.
Thời gian qua, chương trình Kích cầu đầu tư đã phát huy tốt hiệu quả, nhất là với doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đây là lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài rất mong doanh nghiệp Thành phố đáp ứng tốt nguồn cung khi đến đầu tư tại TP.HCM.
Tuy nhiên, ngành này cần nguồn vốn lớn, biên độ lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu nên nhiều doanh nghiệp không đủ sức đầu tư. Vì vậy, nếu TP.HCM không sớm tháo gỡ khó khăn về vay vốn của chương trình Kích cầu đầu tư thì hệ lụy lớn nhất đó là hàng loạt doanh nghiệp có thể rơi vào cảnh phá sản, doanh nghiệp FDI có thể tìm khu vực đầu tư mới thuận lợi hơn.