Doanh nghiệp trấn an trước làn sóng NĐT ngoại

Với tiềm lực về vốn, công nghệ, nhiều "đại gia" bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam chỉ "trội hơn" nhưng không phải là các doanh nghiệp bán lẻ nội sẽ bị dồn đến "chân tường" hoặc bị thôn tính.

Với tiềm lực về vốn, công nghệ, nhiều "đại gia" bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam chỉ "trội hơn" nhưng không phải là các doanh nghiệp bán lẻ nội sẽ bị dồn đến "chân tường" hoặc bị thôn tính.

Đó là ý kiến của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ tại "Hội thảo Chính sách đầu tư và xu hướng phát triển ngành bán lẻ" do Bộ Công Thương và Hiệp hội bán lẻ Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 3/10, tại Hà Nội.

Theo bà Đinh thị Mỹ Loan, cuộc cạnh tranh hiện nay chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ hiện đại, thực tế đến thời điểm này không có nhà bán lẻ nước ngoài nào quan tâm thị trường nông thôn và chợ truyền thống, bởi lẽ đây không phải là kênh thu nhiều lợi nhuận.

"Thông tin bán lẻ nội bị thôn tính, lép vế được nói quá nhiều trong thời gian qua nhưng theo đánh giá của hiệp hội bán lẻ thì đây là thông tin chưa chính xác, nhiều doanh nghiệp nội vẫn vươn lên và cạnh tranh tốt," bà Loan nói.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng khẳng định, đến giờ này kênh bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 25% thị phần, trong khi phần lớn là kênh bán lẻ truyền thống và nhiều năm nữa kênh truyền thống vẫn tồn tại và phát triển và doanh nghiệp trong nước đang đi cả 2 chân (vừa chiếm lĩnh kênh bán lẻ truyền thống vừa đầu tư vào kênh bán lẻ hiện đại).

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2013 cả nước có 8.546 chợ các loại, trong đó khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình. Ngoài ra, số cơ sở bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại.

Nhận định về xu hướng phát triển của kênh bán lẻ hiện đại trong thời gian tới, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái (Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội bán lẻ Việt Nam) cho biết, hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ký kết sẽ có nhiều cam kết mở hơn về thị trường, nhưng doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn còn nhiều cơ hội.

Theo đề xuất của ông Đoàn, nếu doanh nghiệp trong nước không đủ mạnh thì có thể liên doanh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm cũng như trình độ quản lý, qua đó xây dựng được thương hiệu của mình.

"Song song với việc làm hàng rào kỹ thuật mà WTO cho phép thì nên chấp nhận việc liên doanh với nước ngoài để tận dụng về kinh nghiệm và công nghệ," ông Đoàn nêu ý kiến.

Đồng tình quan điểm trên, Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc chuỗi siêu thị Saigon Co.op cũng nhấn mạnh, khi mở cửa thị trường theo cam kết quốc tế, bản thân người tiêu dùng cónhliều sự lựa chọn hơn, ngoài ra, sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp thị trường bán lẻ Việt Nam được nâng lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh, thì bản thân doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng không phải quá thua thiệt mà bằng cách liên kết hợp tác và chuyển giao công nghệ vẫn có thể khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

"Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước một mặt phải vươn lên, nhưng việc liên doanh liên kết để tận dụng được công nghệ và kỹ năng quản trị cũng là một thực tế cần phải định hướng," ông Đức nói.

Có thể thấy, xu hướng hội nhập là tất yếu, việc bảo hộ cũng như hàng rào kỹ thuật chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian sắp tới sẽ có nhiều các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam do vậy bản thân doanh nghiệp trong nước phải tự hoàn chỉnh chính mình.

"Tôi xin khẳng định, thời gian tới thị trường bán lẻ Việt Nam không thể thuộc về các doanh nghiệp FDI được bởi trong quá trình phát triển chúng ta cũng đang lớn dần lên. Tư duy kinh doanh của chúng ta cũng đã mới hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại. Nguồn lực tài chính cũng mạnh hơn. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, chúng ta vẫn cần phải học tập, cố gắng hơn để tự đổi mới mình, có như vậy, các doanh nghiệp trong nước mới có thể vươn lên được," ông Năm nói.

Bản thân Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng khẳng định, "Không nhất thiết phải bảo hộ, các doanh nghiệp trong nước đã lớn mạnh, quan trọng là phải minh bạch và rõ ràng trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài," bà Loan kiến nghị với lãnh đạo Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương.

Các tin khác