Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 4/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển đã cấp hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá) với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các DN xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử,... Thị trường NK đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.
Ngoài EVFTA, không thể không kể đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ bao trùm một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam, Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) thời gian qua cũng cho thấy những hiệu ứng tích cực. Cụ thể trong những tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Hiệp định CPTPP, chỉ trong 2 năm (2019 - 2020), kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đã đạt 77,4 và 78,2 tỷ USD, tăng 3,9% và 5% so với năm 2018. Bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cho thấy CPTPP đã và đang tạo ra những tác động tích cực.
“Có 2 thị trường nổi lên trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang khối CPTPP là Canada và Mexico. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada năm 2020 đạt kim ngạch gần 4,4 tỷ USD, tăng 12%, cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung (7%). Còn Mexico cũng nổi lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ Latin với thương mại hai chiều tăng bình quân 14,6%/năm và xuất khẩu tăng bình quân 18,8%/năm”, bà Trang cho biết.
DN cần khắc phục nhanh “lỗ hổng” và yếu kém
Không thể phủ nhận việc tham gia vào các FTA thế hệ mới, Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Song, việc thực thi các FTA cũng đặt ra những thách thức cho nhiều ngành, nhiều DN nhất là về chất lượng, quy chuẩn.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận xét, các FTA cũng đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và DN; đòi hỏi các DN có sự tuân thủ luật chơi theo tiêu chuẩn cao để tận dụng được cơ hội và hạn chế tranh chấp thương mại.
“Xu hướng bảo hộ cùng việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, bảo vệ môi trường ngày càng cao. Các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại thị trường các nước tham gia FTA với Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng. Đây là thách thức lớn đối với DN, ảnh hưởng tới khả năng tận dụng thuế quan”, bà Ngọc nói.
Hoặc như theo cam kết trong Hiệp định RCEP khi có hiệu lực, Việt Nam cũng trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn từ các nước trong RCEP, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN ngay trên chính “sân nhà”.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA và giảm thiểu những thách thức, các DN Việt Nam cần chủ động nắm bắt những thuận lợi mà hiệp định mang lại, đồng thời khắc phục những “lỗ hổng” và yếu kém của mình.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, dù nhiều FTA đã thực thi song các DN chưa hiểu hết được ý nghĩa của các cam kết trong từng ngành hàng, từng mặt hàng, nhất là những mặt hàng mà DN đang quan tâm và sản xuất. Trong khi việc tận dụng được các ưu đãi sẽ gắn liền với việc đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
“Trong một số trường hợp DN phải có được những thay đổi về chuỗi cung ứng, tìm các nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện cắt giảm thuế quan, hoặc thay đổi được quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chí về chuyển đổi mã số…”, ông Hải khuyến nghị.
Để tăng cơ hội cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ CPTPP, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada lưu ý, các DN Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt những ưu đãi trong khuôn khổ của CPTPP. Đặc biệt là những ưu đãi thuế nhập khẩu có thể tác động trực tiếp đến cơ chế giá giữa người mua và người bán nên coi đó là cơ sở để đàm phán với đối tác.
“Các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP là rất mới và rất phức tạp, nên các DN cần đầu tư nhân lực để tìm hiểu quy tắc, thủ tục chứng minh xuất xứ để có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Các cơ quan quản lý cần thúc đẩy thêm các công cụ trực tuyến, những hội thảo và hướng dẫn chuyên sâu vào từng lĩnh vực, từng ngành hàng để các DN đều có thể tìm hiểu và tra cứu thông tin”, bà Hương cho biết.