Theo công bố của Gilimex, Amazon Robotics LLC (Amazon) là một trong những khách hàng của công ty từ năm 2014. Trong quá trình hợp tác, Amazon đã vi phạm cam kết 2 bên đã thỏa thuận. Việc vi phạm này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Gilimex. Do đó, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của công ty theo đúng nội dung 2 bên đã thỏa thuận, ngày 12-12 Gilimex đâm đơn kiện Amazon lên Tòa án bang New York (Mỹ). Theo đơn khiếu nại dài 32 trang, mối quan hệ đối tác giữa 2 bên được xây dựng dựa trên “sự tin tưởng”. Tức nhà sản xuất này dựa vào các dự báo của Amazon để mua nguyên liệu, đầu tư vào công suất nhà máy, nhân viên…, nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của Amazon.
Tuy nhiên, vào tháng 4 và 5-2022, Amazon đã “bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023, xuống còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó. Doanh thu bán hàng cho Amazon chiếm tỷ trọng lớn, nên việc dừng đột ngột khiến kết quả kinh doanh quý III-2022 của Gilimex lao dốc. Cụ thể, doanh thu quý III chỉ còn hơn 213 tỷ đồng, giảm đến 83% so với quý II và giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng tồn kho của công ty tăng tới 70% so với đầu năm, lên gần 1.278 tỷ đồng. Tính đến ngày 30-9, Gilimex còn khoản phải thu với Công ty Amazon Robotics gần 15,5 tỷ đồng.
PHÓNG VIÊN: - Vậy theo luật sư, để theo đuổi vụ kiện ở nước ngoài như tại Mỹ, doanh nghiệp (DN) phải đầu tư công sức, thời gian, chi phí như thế nào, thưa ông?
LS. NGUYỄN THANH HÀ: - Thông thường, việc khởi kiện ở một quốc gia khác, bản thân DN đi kiện gặp bất lợi hơn về thời gian, chi phí, đi lại. Đối với vụ việc có quy mô tương tự như Gilimex khởi kiện Amazon, chi phí pháp lý (án phí và luật sư) có thể chiếm tới 30% số tiền yêu cầu, đây là một số tiền đáng kể. Đặc biệt, khi ra nước ngoài rào cản về ngôn ngữ, pháp lý càng nhiều hơn. Khi đó, DN càng bị động và hoàn toàn phụ thuộc vào luật sư ở nước sở tại. Đó là chưa kể khi thắng kiện, các thủ tục để thi hành án sau đó cũng khá phức tạp.
Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập nên giá trị hợp đồng của DN với đối tác nước ngoài cũng tăng vọt. Nhưng môi trường thay đổi nhanh dễ nảy sinh vấn đề tranh chấp hơn. Để hạn chế rủi ro về phía mình, trong các hợp đồng thương mại với đối tác ngoại, ngoài các điều khoản về số lượng, giá trị sản phẩm… DN phải quan tâm đến nội dung nếu có phát sinh tranh chấp cần xử lý như thế nào? Cơ quan xử lý là đơn vị nào, ở đâu? Khi không có thỏa thuận trong hợp đồng, theo thông lệ quốc tế người khởi kiện sẽ nộp đơn lên tòa án tại nơi cư trú của đối tác, như trường hợp Gilimex nộp đơn kiện tại địa điểm đặt trụ sở của Amazon ở Mỹ.
- Theo đánh giá của ông, khả năng thắng kiện và được bồi thường của Gilimex có cao?
- Thực tế, đây không phải lần đầu tiên DN Việt đâm đơn kiện các đối tác nước ngoài, và cũng có không ít lần thắng kiện. Chẳng hạn, trường hợp Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (CTCP Tài nguyên Masan) đã thắng kiện 130 triệu USD từ Jacobs Group - một đối tác của họ tại Mỹ, tương đương 3.000 tỷ đồng theo phán quyết của hội đồng trọng tài do Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore chỉ định. Khoản tiền dàn xếp vụ kiện tại hội đồng trọng tài quốc tế thời điểm đó đã giúp Masan lãi đậm, đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận của Masan sau 9 tháng năm 2019. Đại diện Masan nhận định tranh chấp pháp lý với Jacobs là “phép thử” của Masan Núi Pháo trong việc trở thành công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác giữa Gilimex và Amazon được xây dựng dựa trên “sự tin tưởng” như đã nói ở trên, cho thấy một thực tế rằng DN Việt Nam chưa hiểu hết về các luật chơi, khi ký kết hợp đồng với DN nước ngoài thường sơ sài, không lường hết các tình huống. Điều này dẫn đến khi có tranh chấp với đối tác nước ngoài, DN Việt thường không đủ lý lẽ để thắng kiện.
Với vụ Gilimex kiện Amazon, khả năng thắng kiện hay không phụ thuộc vào hồ sơ vụ việc, vào cách tiếp cận và khả năng của các luật sư của nguyên đơn. Trong trường hợp này có thể là các hãng luật Mỹ. Trong khi đó, hệ thống tư pháp Mỹ là hệ thống xét xử dựa nhiều vào án lệ, khả năng cung cấp chứng cứ và lập luận của đương sự, vì vậy rất khó đoán khả năng thắng kiện của Gilimex nói riêng cũng như DN Việt Nam nói chung.
- Hiện nay khá nhiều DN trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đứng trước việc bị khách hàng hủy, hoãn đơn hàng. Vậy họ có nên học hỏi Gilimex để kiện khách hàng đòi bồi thường, thưa ông?
- Việc khởi kiện là bình thường trong hoạt động của DN và đây là cách hành xử văn minh, chuẩn mực nhất. Việc DN Việt đòi lại quyền lợi của mình là hành vi hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, để hạn chế những tranh chấp không đáng có, DN cần chú trọng hơn vào những điều khoản trong hợp đồng. Cần lường trước những tình huống có thể xảy ra nhằm hạn chế tối đa rủi ro, cũng như có căn cứ để tăng phần trăm thắng kiện.
Ngoài ra, DN Việt Nam có thể chọn cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại thông qua phương thức trọng tài thương mại quốc tế, sẽ mang lại nhiều biện pháp hữu ích hơn cho các bên, đặc biệt là phía Việt Nam. Như quyền tự quyết nhiều vấn đề về tố tụng, có thể thỏa thuận nơi tổ chức các phiên họp, bảo mật về nội dung vụ kiện, thời gian giải quyết tranh chấp nhanh. Bên cạnh đó, trọng tài viên có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực liên quan đến tranh chấp, khả năng thực thi phán quyết sẽ lợi thế hơn.
- Xin cảm ơn ông.
DN Việt Nam khi ký kết hợp đồng với DN nước ngoài thường sơ sài, không lường hết các tình huống, dẫn đến khi có tranh chấp thường không đủ lý lẽ để thắng kiện.