Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Nghị quyết 01-2019 của Chính phủ phải mang tính phấn đấu cao hơn, với tinh thần đột phá dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo; thể hiện khát vọng của dân tộc; phải bàn tiến chứ không bàn lùi…”.
Nhận diện thách thức
Với các chỉ tiêu chủ yếu nêu trên trong khi GDP thực hiện năm 2018 đã đạt 7,08%, bảo đảm tính thận trọng và hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát; giữ nền tảng ổn định vĩ mô để giải quyết các bất cập nội tại và dự phòng về cục diện thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ đưa ra nhiều chính sách phù hợp, trong đó tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý và thực thi về sở hữu trí tuệ; hoàn thiện các thể chế thị trường về khoa học - công nghệ; tạo sự liên kết giữa DN với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các cá nhân hoạt động sáng tạo. Song song đó là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam - VRDP 2018) |
Phải thừa nhận, Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ từ nước nghèo sang nhóm nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; đạt kỳ tích lớn trong việc xóa đói giảm nghèo; hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng… Phép màu để Việt Nam vươn lên là trong thời gian dài nước ta thực hiện chính sách thúc đẩy tăng trưởng bằng đầu tư và xuất khẩu, dựa vào lao động giá rẻ và giản đơn, dựa vào khai thác tài nguyên…
Tuy nhiên, nguồn năng lượng này đã đến đỉnh, trong khi đó bối cảnh thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải thích ứng để tồn tại. Đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng kỹ năng mềm, củng cố chính sách phù hợp, chuyển dịch nền kinh tế lên nấc thang cao hơn.
Điều đáng suy ngẫm là khi thế giới đang bùng nổ những bước tiến dài, nước ta vẫn đối mặt các vấn nạn chưa được hóa giải. Mặt khác, chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2018 nước ta dự kiến đạt 2.500USD, trong khi đó mục tiêu đề ra đến năm 2020 phải đạt 3.200-3.500USD, là một thách thức lớn. Với 600.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động hiện nay, sau 2 năm nữa phải đạt 1 triệu DN cũng là một nhiệm vụ quá lớn.
Từ góc nhìn bên ngoài, Doing Business 2019 công bố: Với nỗ lực cải cách, dù tổng điểm Việt Nam tăng từ 66,77 lên 68,36 điểm, song về thứ hạng Việt Nam vẫn bị giảm 1 bậc, đứng 69 trong tổng số 190 nền kinh tế. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng xếp Việt Nam tụt 3 bậc so với năm trước, đứng thứ 77 trong 140 nền kinh tế. Nghĩa là nhiều nước vẫn đi nhanh hơn sự cố gắng tự thân chúng ta!
Mục tiêu trọng tâm của kinh tế nước ta thời gian tới là tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong dài hạn, nhằm bắt kịp và vượt lên trong tiến trình hội nhập thế giới; cải thiện chất lượng tăng trưởng, gia nhập được chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thế nhưng, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng: “Những yếu tố cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo, cạnh tranh vẫn còn yếu kém; hệ thống pháp lý và hạ tầng chưa hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển một nền kinh tế thị trường đầy đủ; nguồn lực nhà nước hạn chế, trong khi đó khu vực tư nhân chưa đủ mạnh để thực sự trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong nước và đối trọng với bên ngoài…”.
Phải đổi mới sáng tạo trên nền tảng 4.0 và phát triển khu vực kinh tế tư nhân mới tạo động lực phát triển.
Sức mạnh DNNN chưa phát huy
Một yêu cầu lớn đặt ra từ nhiều năm nay là tái cơ cấu DNNN vẫn chưa thực hiện thông suốt. Theo định hướng, DNNN chỉ làm những gì khu vực kinh tế tư nhân không làm được hoặc không muốn làm; hình thành các ngành công nghiệp có tính chất dẫn dắt nền kinh tế, mang tính chủ đạo; cùng liên kết với các thành phần kinh tế khác phát triển đất nước.
Song suốt thời gian qua, mặc dù có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, tỷ trọng loại hình DN này có giảm nhưng tổng giá trị vốn và tài sản nhà nước đầu tư vẫn tăng. Điều đáng nói, tốc độ tăng doanh thu của khối DNNN có xu hướng chậm hơn tốc độ tăng nguồn vốn kinh doanh và tăng doanh thu của khối DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo phân tích của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2017, DNNN chiếm 29% nguồn vốn kinh doanh nhưng chỉ tạo ra 16% doanh thu thuần; tỷ lệ DN thua lỗ hàng năm không giảm, luôn có 20% DN hoạt động không có lợi nhuận. Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách phát triển DN, đề nghị: “Cần mở rộng tối đa diện DNNN nắm giữ cổ phần chi phối, hoặc không cần cổ phần nhà nước. Tính đúng, tính đủ chi phí của DNNN, kể cả quyền sử dụng đất và các lợi thế kinh doanh, mới kích hoạt được các thành phần kinh tế khác phát triển”.
Thích ứng trong thế giới biến đổi
Ông Sudhir Shetty, Kinh tế trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định: “Sự kết hợp giữa các chính sách tăng trưởng hướng ngoại, dựa vào lực lượng lao động và quản trị kinh tế vững mạnh, đã thúc đẩy các quốc gia Đông Á phát triển rất thành công.
Tuy nhiên, các quốc gia duy trì những thành tựu này sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần điều chỉnh mô hình tăng trưởng truyền thống để hóa giải các thách thức mới nảy sinh”.
Đơn giản hóa việc thành lập và phát triển DN, cải thiện yêu cầu tiếp cận vốn và đất đai, giảm bớt vai trò của DNNN, tạo hấp dẫn trong đầu tư kinh doanh, đào tạo và chuyển giao công nghệ, không dị ứng và mạnh dạn áp dụng các thành tựu của CMCN 4.0… Ông Rich McClellan, cố vấn cao cấp của Tập đoàn McKinsey |
Động lực phát triển kiểu cũ thực tế sẽ không còn, bởi lẽ tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và nguồn lao động giá rẻ không còn là lợi thế trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Trước tình thế này, 2 xu hướng mới cần quan tâm thực hiện: Đổi mới sáng tạo trên nền tảng 4.0 và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, nắm bắt cơ hội không là điều dễ dàng. Để làm được điều này, trước nhất phải nhìn lại chính mình.
“Việt Nam vẫn là một nền kinh tế quy mô nhỏ, đi sau trong lĩnh vực công nghệ - đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo của WEF, thứ hạng Việt Nam xếp thứ 90. Đáng lo hơn, theo khảo sát của Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG), hơn 80% DN khu vực tư nhân và gần 40% khu vực nhà nước không áp dụng thành tựu công nghệ 4.0” - ông Christopher Malone, Tổng giám đốc BCG nói.
Theo thông tin Bộ KH-ĐT, tổng thu nhập quốc dân (GNI) của Việt Nam hiện bằng 12% tổng GNI của khu vực Đông Nam Á, thu nhập bình quân đầu người chỉ cao hơn Campuchia, Myanmar và Đông Timor (trong số 11 nước khu vực).
Khát vọng là nhu cầu của con người và nước ta đặt ra mục tiêu trong Báo cáo Việt Nam 2035 là một đất nước thịnh vượng, sáng tạo; một quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10.000USD/người/năm. Điều này đang đặt ra thử thách, nhất là trong bối cảnh xu thế giảm tốc kinh tế toàn cầu, sự leo thang chủ nghĩa bảo hộ, thị trường tài chính thế giới biến động…
Tất cả điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn thông tuệ, đưa ra được giải pháp hiệu quả mới thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững thời kỳ mới.
Thực tế toàn cảnh kinh tế 2018 dù có nhiều biến động, nhưng nước ta vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, vượt mục tiêu đề ra; vĩ mô cộng đồng thế giới đánh giá cao, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tuy vậy, đối mặt với thế giới bất định hiện nay là điều rất khó lường.
Trên thực tế, thời gian qua Việt Nam đã kiên trì thực hiện nhiều chính sách mới bằng hàng loạt cải cách, tạo thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ cùng cộng đồng DN bắt tay thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đang có sáng kiến thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng chiến lược quốc gia về CMCN 4.0… Bối cảnh mới, ta không thể dậm chân.
Nước ta bước vào năm mới với nhiều nhiệm vụ đan xen. Đó là tiếp tục cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thành thể chế kinh tế thị trường, cải cách DNNN, phát triển khu vực kinh tế tư nhân…
Bên cạnh đó, vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào để tận dụng các cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 và vượt qua các cản ngại, thách thức; tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên mới một cách chủ động, thích ứng với bước tiến của thế giới.
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019 được dự đoán diễn biến... xấu hơn. Reuters đã làm cuộc khảo sát với 500 chuyên gia kinh tế. Và mới đây đã công bố: 18/44 nền kinh tế được đưa ra thăm dò có triển vọng tụt giảm; 23 nền kinh tế triển vọng không thay đổi; chỉ có 3 nền kinh tế triển vọng tăng trưởng nhẹ. Theo lý giải của Reuters, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhưng hầu hết phần còn lại của thế giới sẽ giảm tốc, thậm chí trì trệ do việc xung đột thương mại đang tiếp tục leo thang. Và việc FED nâng lãi suất để hạn chế nền kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng, đang tác động xấu đến các quốc gia khác. |