Liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp
Giai đoạn 2016-2020 có thể xem là giai đoạn đầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, với sự ra đời của đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Trong giai đoạn này, với vai trò chủ trì của Bộ KH-CN và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã cơ bản được hình thành, các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia một cách đầy đủ, toàn diện.
Hệ thống pháp lý hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST tương đối đầy đủ, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, khai thác tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới.
Phát biểu tại lễ khai mạc Techfest 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phải xem sáng tạo là tài nguyên mới cần khai thác, là tài nguyên vô tận của 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và người Việt ở nước ngoài. Do đó, cần xem con người là trung tâm sáng tạo, bởi người Việt Nam có đầy đủ yếu tố bẩm sinh cho sáng tạo, nên cùng ươm mầm, ước mơ và hiện thực hóa khát vọng.
“Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, có phương án hỗ trợ thiết thực; đề nghị các bộ, ngành thường xuyên đối thoại, tăng cường truyền thông phổ biến và đẩy mạnh phối hợp trung tâm ĐMST, xây dựng cơ chế tài chính, phát huy vai trò quỹ đầu tư tư nhân, nghiên cứu huy động vốn khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư khởi nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, dư địa tăng trưởng còn lớn. Nếu áp dụng các thành tựu KH-CN sẽ giúp tăng trưởng nhanh, bắt kịp với thế giới. Muốn vậy, cần có chính sách khuyến khích được sự sáng tạo, cống hiến nhiều hơn của người dân, thu hút người tài trong và ngoài nước, ai có năng lực đều có thể cống hiến và sáng tạo, khơi dậy khát vọng dân tộc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước phát triển và thịnh vượng.
“Mỗi trường đại học, mỗi tập đoàn, mỗi tổ chức hỗ trợ cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của riêng mình, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong điều hành, quản trị; kết nối các mạng lưới chuyên gia, cựu sinh viên, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với doanh nghiệp và khách hàng, đẩy mạnh nghiên cứu mang tính ứng dụng, xuất phát từ quan điểm và nhu cầu của khách hàng”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là động cơ chính để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Đó không chỉ là yêu cầu thành lập nhiều doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu làm mới với tất cả các doanh nghiệp đang tồn tại. Đặc biệt khi khởi nghiệp sáng tạo là mệnh lệnh của kỷ nguyên số.
Kinh nghiệm từ Thụy Điển
Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST” trong khuôn khổ Techfest 2020 được tổ chức nhằm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp để sớm hình thành mạng lưới không gian sáng tạo, cơ sở trợ giúp kỹ thuật, trung tâm kết nối nguồn lực và tư vấn, cung cấp dịch vụ cho ĐMST tại các cơ sở đào tạo.
Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, chia sẻ, Chính phủ Thụy Điển khuyến khích các cá nhân sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm phát triển những kỹ năng nghề nghiệp và tự do trong việc đề ra những ý tưởng phát triển. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) của Thụy Điển cũng ở mức cao nhất thế giới xét về GDP. Trong đó, 61% đầu tư vào R&D là từ các doanh nghiệp khu vực tư nhân, phần còn lại là từ Chính phủ và các tổ chức đào tạo. R&D đã mang lại những thành tựu lớn cho đất nước. Quá trình ĐMST không chỉ tập trung ở khu vực tư nhân mà cả ở khu vực công. Chẳng hạn, với cơ quan thuế, thay vì chỉ thu thuế hành chính cơ học, hiện nay đã chuyển thành thu hoàn toàn là điện tử, thu thuế trên mạng, thông qua điện thoại di động, hoàn thuế thu nhập cá nhân có thể được thực hiện trong vài phút từ điện thoại di động.
Bà Ann Mawe cho biết thêm, Thụy Điển luôn mở rộng cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế và các cá nhân nước ngoài để đưa ra những ý tưởng mới, bắt nhịp xu hướng phát triển nền kinh tế số, thông qua việc đầu tư mạnh vào việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; đồng thời, luôn chú trọng hợp tác với các trường đại học hàng đầu của Việt Nam.
“Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thể hợp tác, kết nối với các tập đoàn lớn cũng như với những tổ chức kết nối hỗ trợ start-up”, bà Ann Mawe nhấn mạnh.