Sáng 29-5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La (TP Sơn La, tỉnh Sơn La), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân cả nước về nhiều vấn đề mà người dân đang quan tâm đến "tam nông" như giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau đại dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...) đang ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; vấn đề đất đai và cơ chế để người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; bên cạnh đó là tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương...
Chủ đề của hội nghị đối thoại lần này là: "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sức sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại, Thủ tướng cho rằng bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp từ dịch bệnh đến xung đột địa chính trị và sức ép lạm phát đang tác động tới nông nghiệp và bà con nông dân.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, không thể đứng ngoài hội nhập quốc tế. Tuy nhiên tích cực hội nhập vẫn phải đảm bảo độc lập tự chủ về kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Nhưng theo người đứng đầu Chính phủ, độc lập tự chủ không có nghĩa là tự cung tự cấp, đóng cửa với thế giới bên ngoài.
Thủ tướng yêu cầu phải kết hợp nông nghiệp với công nghiệp và đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc một thị trường, kết nối các giá trị (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khẳng định trong vài tiếng đồng hồ thì không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề, song trên tinh thần chân thành và cởi mở, Thủ tướng mong muốn sau mỗi cuộc đối thoại sẽ mang tới những kết quả thay đổi, tạo động lực để phát triển.
Thủ tướng đề nghị tự tin, bình tĩnh nắm bắt thông tin, giải quyết những khó khăn để đưa ra các chính sách kịp thời, cầu toàn nhưng không nóng vội, với những vấn đề còn có những ý kiến khác nhau thì có thể làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Đây là lần thứ 4, hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ mới. |
Được Thủ tướng chỉ định trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đầu vào sản xuất phân bón tăng cao, các doanh nghiệp cần ngồi lại để chia sẻ khó khăn với người nông dân, có thể đề xuất điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế để giá phân bón, thức ăn chăn nuôi giảm xuống. "Nếu giá tiếp tục tăng cao thì cần đề xuất Chính phủ trợ giá cho bà con nông dân"- Bộ trưởng Bộ Công thương nói.
Bổ sung câu chuyện về giá, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng phân bón và thức ăn chăn nuôi chiếm 50% chi phí đầu vào, nên tiết giảm chi phí phải là mệnh lệnh để làm chủ được về giá. Ông Hoan đưa ra giải pháp là cần tự chủ dần trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.
Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã có chương trình phục hồi kinh tế, trình nhiều chính sách về lãi suất, tiền tệ, giảm thuế và phí, đầu tư phát triển hạ tầng (đặc biệt là giao thông), giảm giá thành logistics... Thủ tướng đề nghị chủ động vùng nguyên liệu để giảm phụ thuộc đầu vào, có chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, xây dựng thương hiệu cho nông sản để nâng giá trị.
Nông dân Lê Quang Thắng (Quảng Ninh) đề nghị Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để chỉ đạo các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để nông dân kịp thời phục hồi sản xuất sau đại dịch; nhất là giải pháp cụ thể để nông dân thực sự được vay vốn mà không cần phải thế chấp tài sản?
Giải đáp câu hỏi này, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đây là chủ trương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian xảy ra dịch cũng như đến thời điểm này. Theo đó, 2 triệu tỷ đồng đã được hưởng từ chính sách này, gần 700.000 tỷ đồng đã được thực hiện cơ cấu, hoãn giãn những khoản nợ đến thời hạn phải trả, hơn 40.000 tỷ đồng bằng nguồn lực của ngân hàng thương mại đã hỗ trợ, giảm, giãn, hoãn các khoản lãi cho doanh nghiệp nói chung trong đó có rất nhiều doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Về việc vay không cần tài sản thế chấp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước thông tin, các tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản, các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm cung ứng vốn, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên phải tạo điều kiện thuận lợi. Ngân hàng Nhà nước sẽ giao Ngân hàng Nhà nước tại tỉnh Quảng Ninh làm việc với ông Lê Quang Thắng, xem xét đề xuất chính đáng của doanh nghiệp. "Tuy nhiên cũng cần khẳng định, cho vay và thu nợ là nguyên tắc tín dụng, để đảm bảo thu nợ"- ông Đào Minh Tú nói.
Thủ tướng bổ sung, về mặt chính sách hỗ trợ thì đã rõ nhưng thực tế thì tiếp cận vốn của bà con vẫn còn khó khăn, kể cả tín chấp lẫn thế chấp. Đề nghị chính quyền địa phương phải hỗ trợ xác minh vay tín chấp, bởi ngân hàng cho vay cũng phải đảm bảo an toàn, thu lại được vốn. Thủ tướng cũng yêu cầu xoá nạn tín dụng đen ở nông thôn.
Còn nông dân trồng 100ha trái cây Trần Như Kiên đến từ huyện Yên Châu (Sơn La) nêu câu hỏi, Chính phủ có giải pháp gì khi trái cây và nông sản xuất sang Trung Quốc hiện nay khó khăn?
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chuyển dịch từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch là tất yếu, không thể thay đổi. Nhờ xuất chính ngạch gần đây đã có nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất nông sản vào sâu tận Bắc Kinh - Trung Quốc.
Còn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để hàng Việt Nam vào sâu vào thị trường Trung Quốc thì các địa phương phải có chiến lược rõ ràng về quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và hướng dẫn quy trình canh tác, chăn nuôi đảm bảo chất lượng. Mặc dù khẳng định cần đa dạng thị trường nhưng theo tư lệnh ngành công thương, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực và thị trường này không còn dễ tính. Các cơ quan của Việt Nam sẽ đẩy mạnh ký nghị định thư với cơ quan chức năng của Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Thủ tướng cũng cho biết thị trường Trung Quốc không còn dễ tính, các quy định ngày càng chặt chẽ liên quan an toàn thực phẩm... Bộ Công thương phải hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu chính ngạch.
Đáng chú ý, nông dân Hoàng Đình Quê ở thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) đã đề cập tình trạng giá đất đai tại nhiều nơi tăng nóng, nhiều bà con nông dân cũng buôn bán đất nông nghiệp, dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp. "Chính phủ có giải pháp gì để kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai đúng các quy định của pháp luật?" - ông Quê hỏi. Đại diện Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp diễn biến phức tạp, gây ra đầu cơ bong bóng về bất động sản do giá đất bị đẩy lên cao. Bộ Công an đề nghị người dân tránh mắc bẫy các chiêu thức kinh doanh bất động sản theo kiểu đa cấp, không để bị lợi dụng. Nói về giải pháp trước tình trạng sốt đất, Thủ tướng cho biết sẽ tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh hơn. "Cần xử lý nghiêm khắc tình trạng lợi dụng, tiêu cực, tham nhũng trong đất đai"- Thủ tướng nói. |