Giá phản ánh trước thông tin
Rủi ro doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ trong quý III-2021 là rất lớn. Nhưng những con số báo cáo kết quả kinh doanh quý III đầu tiên được công bố chưa thể hiện điều đó, vẫn là những mức lãi khá tốt, thậm chí là rất lớn.
Điều này phần nào lý giải biến động giá của nhiều cổ phiếu (CP) trái ngược với xu hướng điều chỉnh giảm trong tháng 8 và lình xình đi ngang trong tháng 9.
Nếu không tính tới các CP nhỏ tăng giá nhờ dòng tiền đầu cơ trong 2 tháng qua, khá nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường cũng có giá CP tiến triển tốt.
Nhiều CP thuộc các nhóm ngành “hot” vừa qua cũng bắt đầu được chứng minh bằng con số lợi nhuận tốt trong bối cảnh dịch bệnh.
Từ đỉnh tháng 7 đến nay, nhóm CP vốn hóa lớn nhất như VIC, VHM, VCB, CTG đều diễn biến kém hơn VN Index rất nhiều. Nguồn: Tradingview
“Bão giá” CP thép từ tháng 8 đến nay bắt đầu đón nhận kết quả kinh doanh tốt ban đầu. TLH tăng giá gần 51% kể từ đầu tháng 8 và con số báo cáo quý III cho thấy lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng gấp 8,5 lần cùng kỳ.
“Bão giá” CP phân bón có hàng loạt doanh nghiệp lãi to như SFG lợi nhuận tăng 319% lũy kế 9 tháng, BFC tăng 42%, LAS từ lỗ chuyển thành lãi... CP SFG từ đầu tháng 8 tới nay tăng 60%, BFC tăng 29%, LAS tăng 36%...
Ngược lại, cũng có một số trường hợp bất ngờ như CP GAS, lợi nhuận sau thuế quý III giảm khoảng 7% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, GAS là một trong những blue-chips tăng giá mạnh nhất tháng 9 và tính đến nay giá CP cũng đi lên hơn 25%. Cũng có thể thị trường đánh giá triển vọng của GAS dựa trên biến động giá dầu và khí quốc tế, vốn tăng gần 17% chỉ từ đầu tháng 9 tới đầu tháng 10 này.
Hiện chưa nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III-2021, nhưng những doanh nghiệp đã công bố thì đều có diễn biến giá CP phù hợp với thông tin. Điều này cho thấy dòng tiền đầu tư trên thị trường đang ngày càng thông minh hơn, mặc dù mức định giá CP nhiều khi không được quan tâm trong các cao trào tăng giá.
Biến số từ nhóm vốn hóa lớn
Trong vòng hai tuần tới, thị trường sẽ dồn dập đón nhận các số liệu kết quả kinh doanh. VN Index đang tiến tới vùng đỉnh cao lịch sử 1.420 điểm và khoảng cách chỉ còn chưa tới 20 điểm. Cơ hội để chỉ số vượt đỉnh lịch sử này sẽ chỉ còn biến số duy nhất là diễn biến giá của các CP vốn hóa lớn.
Một thực tế bất lợi của thị TTCK Việt Nam là dù có cả trăm CP vốn hóa nhỏ tăng giá thì cũng chưa chắc đã thúc đẩy được VN Index tăng một cách rõ rệt. Vai trò của các CP vốn hóa lớn chi phối gần như tuyệt đối chỉ số này. Vì vậy câu chuyện VN Index vượt đỉnh hay không sẽ liên quan đến kết quả kinh doanh của các CP dẫn dắt.
Nhóm ngân hàng đang trong giai đoạn thử thách về lợi nhuận. Những sức ép về trích lập dự phòng khiến việc dự đoán kết quả kinh doanh trở nên thiếu chắc chắn. Một vài ngân hàng công bố sớm đều là các ngân hàng nhỏ, CP ít vai trò dẫn dắt thị trường. KienLongbank (KLB) quý III lãi tăng 76% cùng kỳ, SHB lãi 9 tháng tăng 94%, HDB lãi 9 tháng tăng 36% cùng kỳ, TPB riêng quý III lãi tăng 36%...
Những con số báo cáo sớm này có thể tạo kỳ vọng lợi nhuận tốt cho các ngân hàng còn lại. Tuy vậy, các mã có khả năng dẫn dắt VN Index thì không nhiều, đó là VCB, BID, CTG, TCB. Một ước tính của Chứng khoán SSI lại không cho thấy kỳ vọng quá cao ở nhóm này.
Thí dụ CTG được dự báo lãi trước thuế quý III chỉ tăng 3,3%; VCB lãi quý III có thể chỉ tăng 0,3% cùng kỳ; TCB tốt nhất, dự phóng tăng 35,7% cùng kỳ thì đây lại là CP vốn hóa thấp nhất top 4.
Thị trường cũng đang thể hiện dự phóng không ấn tượng đối với lợi nhuận của nhóm này. Giá VCB vẫn đang ở đáy 8 tháng; BID suốt 2 tháng nay vẫn loanh quanh ở đáy năm 2021; CTG vẫn đang ở đáy 6 tháng.
Các ngân hàng nhỏ dường như không chịu ảnh hưởng từ yếu tố cơ bản, trong khi đánh giá dự phóng lợi nhuận các ngân hàng lớn của nhiều công ty chứng khoán đều cho rằng lợi nhuận quý III khó tăng mạnh do triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng và trích lập dự phòng tăng.
2 CP vốn hóa lớn nhất nhì thị trường là VIC và VHM cũng đang ở vùng giá rất thấp và thị trường không có vẻ gì phản ánh sớm kỳ vọng lợi nhuận quý III. VIC sau khi có thông tin chuẩn bị ra mắt sản phẩm xe ô tô điện, giá đã bật tăng khoảng 6% kể từ đầu tháng 10. Tuy vậy VIC vẫn đang ở mức thấp kể từ tháng 7-2021 và vẫn giảm gần 28% kể từ đỉnh cao lịch sử trong tháng 4-2021. VHM cũng vậy, giá đang thấp nhất trong 3 tháng.
Như vậy cả 3 CP lớn nhất thị trường và có khả năng điều tiết chỉ số đáng kể nhất là VCB, VIC và VHM đều đang ở vùng giá rất thấp. Nhiều nhà đầu tư có thể nghĩ rằng giá càng thấp càng có dư địa tăng. Tuy nhiên mức giá thấp đó có thể là do thị trường đang không đánh giá cao triển vọng lợi nhuận và đang định giá lại các CP này.
Rủi ro doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ trong quý III-2021 là rất lớn. Nhưng những con số báo cáo kết quả kinh doanh quý III đầu tiên được công bố vẫn là những mức lãi khá tốt, thậm chí là rất lớn. Liệu TTCK có tiến sát tới đỉnh cao lịch sử 1.420 điểm. |