Đón đọc ĐTTC số 244 phát hành thứ hai ngày 3-6-2024

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 244 phát hành ngày 3-6-2024 với nhiều chuyên mục:

1.jpg

- Hao tổn nguồn lực bình ổn thị trường tài chính: Gần 2 tháng qua, thị trường tài chính có một hiện tượng lạ. Đó là các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất huy động, một biểu hiện của nền kinh tế được vực dậy khi có người vay vốn dù là sản xuất hay đầu tư, tức đầu ra của dòng tiền đã có. Nhưng thực tế dòng vốn ra nền kinh tế vẫn “rất yếu”. Vậy NH tăng lãi suất huy động vốn để làm gì? Thực tế “lạ nhưng không lạ” nằm ở bên trong các NH thuộc diện kiểm soát đặc biệt (KSĐB).

- Ai quản lý nhà ở xã hội cho thuê?: Chính phủ giao cho các tỉnh, thành xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NoXH) để bán cho người lao động, nhưng thời gian gần đây phương án cho thuê được thảo luận khá sôi nổi. Bởi việc cho thuê được coi như là một phương án bổ sung cùng với việc bán “đứt”. Đó thực sự là một hướng đi khả thi và hữu dụng. Nhưng vấn đề quan trọng là ai sẽ quản lý NoXH cho thuê? (TS. Nguyễn Minh Hòa)

- Lừa đảo sở hữu kỳ nghỉ ngày càng tinh vi: Những năm gần đây, các cơ quan chức năng cũng như báo chí liên tiếp lên tiếng cảnh báo về các phương thức lừa đảo xung quanh việc mua bán và sang nhượng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Thế nhưng vẫn còn không ít người "sập bẫy". Mong rằng khi những thông tin về công ty này lần nữa xuất hiện trên truyền thông các cơ quan chức năng có thể vào cuộc để làm rõ trắng đen, xử phạt nếu công ty thực sự có hành vi lừa đảo khách hàng. (Đức Mạnh)

- “Phòng tuyến” tỷ giá đang chịu nhiều sức ép: Trong vòng vài tháng tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lẽ vẫn sẽ còn phải “vất vả” để giữ cho bằng được “phòng tuyến” tỷ giá, nếu muốn ổn định vĩ mô và ngăn lạm phát tràn vào. Câu hỏi đặt ra là vì sao phải giữ “phòng tuyến” này? Bởi vì nếu mất ổn định tỷ giá, có thể dẫn đến nhiều lo ngại về lạm phát tăng theo. (Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh)

- Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có “giải thoát” cho các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt?: Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 được kỳ vọng sẽ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, đặc biệt sẽ xử lý được 5 NH nằm trong diện kiểm soát đặc biệt (KSĐB) khi Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Trong đó Dự thảo Thông tư quy định về KSĐB đối với các TCTD mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đang lấy ý kiến để áp dụng vào bộ luật mới này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Luật Các TCTD 2024 được xem như một cuộc tái cấu trúc cả hệ thống NH. Nhiều điều khoản mới được đưa vào, nhiều nội dung trước đây được sửa đổi liên quan đến hoạt động, giám sát hoạt động NH. Tuy nhiên, cổ đông, nhà đầu tư và thị trường còn phải chờ đợi phía NHNN ban hành các dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới trước khi bộ luật có hiệu lực. (TS. Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TPHCM)

- Ngân hàng nội sẽ nhận chuyển giao 3 ngân hàng yếu kém: 3 trong 5 ngân hàng (NH) trong diện kiểm soát đặc biệt sẽ được chuyển giao với giá 0 đồng, gồm NH Xây dựng (CBBank), NH Đại dương (Ocean Bank) và NH Dầu khí (GPBank). Đây là tín hiệu tiến bước mới sau gần một thập niên dậm chân tại chỗ trong hành trình tái cơ cấu hệ thống NH Việt Nam. Đối tác tham gia tái cơ cấu chắc chắn đều là NH nội địa. (Yên Lam)

- Việt Nam đáp ứng 6 tiêu chí kinh tế thị trường của Mỹ: Dù là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí về kinh tế thị trường của Mỹ, thậm chí đáp ứng tốt hơn so với nhiều nền kinh tế được công nhận là kinh tế thị trường. Nhiều chuyên gia quốc tế khẳng định chúng ta đã đáp ứng được 6 tiêu chí xác định kinh tế thị trường của Hoa Kỳ. Mục tiêu của Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn tương thích với cách các nước khác đã lựa chọn và đi trước. (TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng)

- Thị trường BĐS ra sao khi 3 bộ luật liên quan có hiệu lực?: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực vào ngày 1-8-2024. Cùng với đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1-7-2024, sau khi đã được Quốc hội đồng ý cho phép điều chỉnh thời gian có hiệu lực sớm hơn so với dự kiến trước đó. Như vậy, lộ trình của việc xây dựng những văn bản dưới luật đi kèm (gồm các nghị định, thông tư), nhằm hướng dẫn thực hiện cụ thể của luật ra sao, và diện mạo thị trường bất động sản (BĐS) sẽ thay đổi theo hướng nào, là những vấn đề được dư luận rất quan tâm. (Lưu Thủy)

- Kỳ vọng khai thông chính sách mới: Để sẵn sàng đưa các bộ luật về đất đai vào cuộc sống khi có hiệu lực từ ngày 1-8, vừa qua một số bộ ngành có liên quan đã tổ chức nhiều buổi hội thảo lấy ý kiến, với một loạt các dự thảo nghị định của các luật có liên quan. (Bình Minh)

- Bài học từ chính sách “3 lằn ranh đỏ” của Trung Quốc: Chính sách “3 lằn ranh đỏ” vào tháng 8-2020, đến quyết định tung ra gói hỗ trợ 42 tỷ USD vào tháng 5-2024 của Trung Quốc, là bài học thực tiễn cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8. (Luật sư Lương Thị Thu Hương)

- Vàng sẽ “lặng sóng”?: Như vậy là sau 9 phiên đấu thầu vàng để bình ổn thị trường vàng không thành công, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thay đổi cách bằng việc bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) với mức giá căn cứ trên cơ sở giá vàng của thị trường thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện giới tài phiệt tìm cách lũng đoạn, thao túng thị trường vàng không phải là mới. Thời gian qua, những dấu hiệu thao túng, làm nhiễu loạn giá vàng trong nước đã thể hiện rõ. Hành vi này càng trở nên nguy hiểm hơn khi mà dự trữ ngoại hối đang trở nên cấp thiết để bình ổn tỷ giá. (Thanh Hà)

- Thủ thuật tăng hệ số CAR của nhà băng: Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh ảm đạm, nhưng nhiều ngân hàng (NH) vẫn liên tục phát hành TP suốt thời gian qua. Đáng chú ý, tốc độ phát hành càng có xu hướng tăng tốc kể từ đầu tháng 4 đến nay. (Thiên Minh)

- Sabeco khó thoát “cơn bĩ cực”: Mặc dù doanh thu của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) có dấu hiệu tăng trở lại trong quý I vừa qua, nhưng theo nhận định của giới phân tích, doanh nghiệp này vẫn đang trong tình cảnh hết sức khó khăn. (Kim Giang)

- Quỹ đầu tư Cổ phiếu năng động Bảo Việt: Vị thế 10 năm và hơn thế nữa: Hiệu quả đầu tư thường được xem xét không chỉ tại 1 thời điểm hay trong ngắn hạn, mà phải trong nhiều năm, và những dấu mốc như 5-10 năm trở lên là phù hợp để đánh giá được hiệu quả của một quỹ đầu tư. 10 năm trước, Quỹ Đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) ra đời như một cánh chim lạ trên thị trường, và đến thời điểm này đã xác lập vị thế là một trong những quỹ đầu tư hoạt động hiệu quả bậc nhất trong một thời gian dài. (Thái Ca)

- Giảm 2% thuế VAT, “liều thuốc” đã đủ mạnh?: Nếu Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm 2024, thì đây đã là lần thứ 4 chính sách này được áp dụng. Song “liều thuốc” này liệu đã đủ mạnh để kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất trong những tháng cuối năm hay chưa? (Thanh Lâm)

- Triển vọng tích cực doanh nghiệp cao su tự nhiên: Cao su tự nhiên được sử dụng phổ biến với khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu đến từ ngành công nghiệp ô tô, trong đó chủ yếu là sản xuất lốp xe. 30% còn lại đến từ các lĩnh vực như: y tế, tiêu dùng, các lĩnh vực sản xuất khác. Ngành cao su thế giới và Việt Nam nói riêng có vẻ như đang bắt đầu chu kỳ thuận lợi đối với giá trong trung hạn, khi một số tổ chức đưa ra dự báo cung - cầu có thể tiếp tục thiếu hụt trong ít nhất 2 năm tới. (Phạm Tuấn)

- Gian bếp tinh tế và sắc màu (Nhã Trúc)

- Thương nhớ cùng những dòng kênh: Ở tuổi 90, chuyên gia thủy lợi Phan Khánh vừa ra mắt cuốn hồi ký “Những dòng kênh nhọc nhằn, những con người thương nhớ” do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành. Đây là bằng chứng cho một đam mê cầm bút, vì ngoài những cuốn sách nghiên cứu, ông còn có hơn chục tác phẩm văn chương bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. (Lê Thiếu Nhơn)

- Strasbourg - “Ngã tư châu Âu”: Thành phố xinh đẹp Strasbourg (Pháp) là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan châu Âu như Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và Tòa án Nhân quyền châu Âu. Trong tiếng Đức cổ, “Strasbourg” có nghĩa là “thành phố của những con đường”. Ngày nay, nhiều người còn ưu ái gọi Strasbourg là “ngã tư châu Âu” vì vị trí trung tâm của nó luôn đóng vai trò quan trọng trong dòng lịch sử đầy biến động giữa văn hóa Romanesque và Germanic. (Ngọc Quyên)

- Chiến tranh thông tin, Mỹ bị bỏ lại phía sau: Cuộc chiến tuyên truyền quốc gia, một loại hình tương tự như truyền thông trong thương mại, không chỉ có ảnh hưởng về hình ảnh mà có thể định hình và củng cố những chính sách về địa chính trị, chẳng hạn như tính chính danh của các cuộc chiến ở Gaza, hay ở Ukraine. Mỹ hiện đang bị bỏ lại phía sau, so với các cỗ máy tuyên truyền của Nga và Trung Quốc. Vậy Washington đang muốn thay đổi cách tuyên truyền như thế nào? (Vĩnh Cẩm)

- Liu Thai Ker: Người giúp Singapore không còn khu ổ chuột: Với tầm nhìn về khả năng chi trả của người dân, nơi ở của họ có ích lợi cộng đồng cũng như tiện nghi và ánh sáng, Liu Thai Ker đã thay thế những khu ổ chuột bằng những tòa cao ốc rộng rãi. Lĩnh vực nhà ở công cộng ở Singapore giờ đây trở thành niềm tự hào toàn cầu. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác