Sáng đèn làm đơn hàng
Khi được hỏi về tình hình đơn hàng trong quý cuối năm nay, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony (TPHCM) cho biết, không chỉ kín đơn đến hết năm, mà Dony đã ký hợp đồng nhận đơn với khách đến hết quý I năm sau. Đơn hàng nhiều, nhà máy sáng đèn liên tục để đảm bảo trả đơn đúng tiến độ cho khách. Trong năm 2024, Dony tăng trưởng 51% so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo cả năm mức tăng trưởng sẽ vào khoảng 30%, gấp đôi so với dự kiến hồi đầu năm là 15%.
Chia sẻ về lý do cho sự tăng trưởng đột phá này, ông Quang Anh nói đến 2 nguyên nhân. Một là trong 2 quý đầu năm đơn hàng khá nhiều do khách hàng phần đông đã hết hàng tồn. Hai là doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng thị trường từ năm 2023, nên 2024 bắt đầu gặt hái thành quả.
Nói về tình hình chung của các doanh nghiệp trong ngành may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM chia sẻ, hầu hết các doanh nghiệp có đơn hàng hết quý IV và đang chuẩn bị cho kế hoạch của năm 2025. Nếu so với năm trước thì năm nay lượng đơn hàng đã tăng khoảng 20%.
Còn theo nhận định của lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành dệt may, bất ổn chính trị tại Bangladesh đã tạo ra những cơ hội về dịch chuyển đơn hàng đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may, trong đó có Việt Nam. Năm nay ngành may đặt mục tiêu 44 tỷ USD, tính đến hết tháng 8 đã đạt hơn 28 tỷ USD. Như vậy trong 4 tháng cuối năm mỗi tháng cần đạt kim ngạch khoảng 4 tỷ USD.
Khả năng này hoàn toàn chấp nhận, bởi cuối năm là cao điểm đơn hàng phục vụ cho các dịp lễ lớn của các thị trường nhập khẩu chính. Thêm vào đó, tháng 7 và 8 cũng là 2 tháng liên tiếp kim ngạch dệt may đạt trên 4 tỷ USD, cũng tạo đà rất tốt cho những tháng cuối năm.
Rau quả, thủy sản vẫn là thế mạnh
Một mặt hàng xuất khẩu khác cũng đang rất tự tin cán đích, đó là rau quả xuất khẩu. Chia sẻ cùng ĐTTC, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, 9 tháng năm 2024, toàn ngành thu về hơn 5,7 tỷ USD, xô đổ kỷ lục kết quả của cả năm 2023. Trong đó chỉ riêng sầu riêng mang về 2,5 tỷ USD, vượt qua kỷ lục cả năm 2023.
Trong 3 tháng cuối năm, sầu riêng sẽ tiếp tục có những đóng góp lớn khi tháng 10 vào vụ thu hoạch ở khu vực Tây nguyên, còn tháng 11 và 12 là thu hoạch sầu riêng nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây, như vậy toàn ngành sẽ có thêm nhiều kỷ lục mới.
“Năm nay toàn ngành tự tin với kim ngạch 7 tỷ USD, thậm chí có thể nhỉnh hơn, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực chiếm gần 70% tổng xuất khẩu rau quả với kim ngạch từ 4,5-5 tỷ USD” - ông Nguyên cho biết.
Cũng theo thông tin từ ông Nguyên, từ năm 2023 Việt Nam đã vượt qua Chile trở thành nhà cung cấp rau quả lớn thứ 2 cho thị trường tỷ dân Trung Quốc (chỉ sau Thái Lan), tuy nhiên dư địa ở thị trường này vẫn còn rất lớn nên doanh nghiệp cần đẩy mạnh khai thác.
Với thủy sản, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9-2023.
Sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, xung đột, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm, đạt đỉnh vào quý III.
VASEP đánh giá, nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá xuất khẩu ở các thị trường đang và sẽ tiếp tục tăng là động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm và năm 2025.
Năm 2024, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt được kết quả tốt hơn so với năm 2023, với dự kiến kim ngạch 9,5 tỷ USD, tăng 7%. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt gần 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 2 tỷ USD, cá ngừ xấp xỉ 1 tỷ USD, mực, bạch tuộc khoảng 640 triệu USD, còn lại là các mặt hàng cá biển và hải sản khác.
Khó khăn vẫn còn
Mặc dù tình hình đơn hàng khả quan, thậm chí là cán đích sớm của một số ngành hàng khá cao, nhưng cũng còn đó không ít thách thức. Theo ông Quang Anh, Dony có đơn hàng dồi dào nhưng giá lại chưa được như mong muốn. Việc ký đơn với mức giá thấp là để giữ chân khách hàng, cũng như chủ động đơn hàng để người lao động an tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Nói về vấn đề lao động, không ít doanh nghiệp trong ngành may cho biết việc thiếu lao động, nhất là trong giai đoạn cao điểm cuối năm đang trở thành thách thức không nhỏ. Ngoài việc tăng ca để kịp đơn hàng, doanh nghiệp đang phải đầu tư công nghệ và cải tiến quản lý để nâng cao năng suất lao động.
Thực tế người lao động ngày càng không còn mặn mà làm việc trong các nhà máy ở những ngành thâm dụng lao động như dệt may hay da giày. Để giữ chân và tuyển dụng, doanh nghiệp cũng cần chăm lo tốt hơn cho đời sống người lao động, nhưng trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp vẫn làm hàng gia công, điều này lại không dễ dàng.
Thời điểm cuối năm cũng là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch cho 2025, thế nhưng theo đánh giá chung ngành may, ngày càng khó đưa ra các dự báo dài hơi trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp. Chưa hết, bước sang năm 2025, sóng dịch chuyển đơn hàng sẽ không còn mà trở về đúng năng lực cạnh tranh và thế mạnh sản xuất đơn hàng của mỗi quốc gia.
Về câu chuyện của rau quả, tuy liên tục phá kỷ lục trong xuất khẩu, nhưng không phải không có những thách thức mà các doanh nghiệp cần vượt qua để đi sâu hơn vào các thị trường chủ lực như Trung Quốc. Bởi thực tế trái cây Việt Nam hiện chỉ đáp ứng nhu cầu của một số địa phương khu vực phía Nam, Đông Nam Trung Quốc và các tỉnh gần kề với Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân rau quả Việt Nam chưa thể vươn ra các vùng khác của Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết một phần vì công nghệ bảo quản của Việt Nam chưa tốt, phần khác là khâu quảng bá hình ảnh, thương hiệu trái cây của Việt Nam cũng chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài những khó khăn nội tại, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây liên tục đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó các mặt hàng điều tra ngày càng đa dạng, xu hướng điều tra khắt khe hơn, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng…