Dệt may có lợi khi Bangladesh bất ổn
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 7 đạt 4,29 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt mốc 4 tỷ USD, và cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ tháng 8-2022.
Lũy kế 7 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD. Dự báo cuối năm nay ngành may hoàn toàn có thể về đích với kim ngạch 44 tỷ USD.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, tình hình đơn hàng của các DN từ nay đến cuối năm tương đối ổn, lượng đơn hàng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt có những DN con số còn khả quan hơn.
Lý giải nguyên nhân đơn hàng dồi dào trở lại ông Hồng cho biết, các thị trường tiêu dùng lớn đang “ấm” dần lên, lại thêm những biến động từ thị trường Bangladesh, một đối thủ lớn của dệt may Việt Nam, cũng phần nào mang về lợi thế cho các DN.
Dẫn chứng về ngành may Bangladesh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã chỉ ra những khó khăn của nước này trong bối cảnh chính trị bất ổn hiện nay. Đó là nhiều nhà máy ở Bangladesh tạm thời đóng cửa, khiến khách hàng cân nhắc chuyển đơn hàng sang các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Bởi khi năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh bị giảm sút giữa mùa cao điểm sản xuất hàng cho mùa đông, đương nhiên nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.
Trong đó Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ biến động ngắn hạn của Bangladesh. Còn với Việt Nam, các DN sản xuất hàng may mặc trong nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất về đơn đặt hàng CMT. Đây là đơn đặt hàng sản xuất may gia công của các công ty thời trang lớn nước ngoài cho các xưởng may mặc quần áo tại Việt Nam. Ngoài ra các DN Việt xuất hàng đi Mỹ cũng có thể hưởng lợi do Mỹ cũng là một trong những thị trường lớn của Bangladesh.
Mặc dù đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng theo ông Phạm Xuân Hồng, DN dệt may cũng đang gặp khó khăn khi thiếu lao động. Hiện các DN đang phải thực hiện đồng thời 3 việc: tập trung tuyển dụng lao động; tăng thu nhập cho người lao động đang làm việc để thu hút những người còn ở ngoài; cải tiến quản lý nâng cao năng suất lao động để đáp ứng nhu cầu đơn hàng.
“Tất nhiên DN cũng phải “liệu cơm gắp mắm”, xem chừng có làm được hay không mới nhận đơn. Không ít người lao động khi đã nghỉ việc về quê hoặc chuyển việc thì không còn muốn quay lại các nhà máy. Đây sẽ là bài toán khó trong dài hạn của những ngành cần nhiều lao động như dệt may” - ông Hồng chia sẻ.
Rau quả “hưởng lợi” khi cước tàu tăng
Một trong những nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tốt trong những tháng qua phải kể đến rau quả. Thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hai quốc gia khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là 2 thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc với 164 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ. Một quốc gia khác trong khu vực Đông Bắc Á cũng đang gia tăng nhập khẩu trái cây Việt Nam chính là Nhật Bản. Tính chung 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã chiếm tới khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Trong nhiều lần chia sẻ cùng ĐTTC, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đều nhấn mạnh đến những lý do khiến rau quả Việt Nam đang ngày càng chinh phục được các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á.
Thứ nhất, do nhu cầu tiêu thụ của các thị trường như Trung Quốc rất cao, Việt Nam lại có những loại quả đáp ứng nhu cầu tiêu thụ như sầu riêng.
Thứ hai, chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng được cải thiện, nên những quốc gia khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản mới gia tăng nhập khẩu.
Thứ ba không thể kể đến một nguyên nhân khách quan khiến cho rau quả Việt Nam có thêm lợi thế, chính là cước vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu, Mỹ và ngược lại tăng rất cao, nên các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chuyển hướng tăng nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nhằm giảm bớt chi phí logistics. Nếu như Hàn Quốc trước đây đứng thứ 4 trong danh sách nhập khẩu rau quả của Việt Nam, thì nay đã vươn lên vị trí thứ 2.
Nếu các DN ngành rau quả tiếp tục nắm được các lợi thế nói trên, kim ngạch cuối năm nay của toàn ngành có thể cán đích 7 tỷ USD. Đáng chú ý, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, ngày 19-8, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết 3 nghị định thư quan trọng, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường Trung Quốc và kim ngạch toàn ngành có thể cán mốc 7,5 tỷ USD, một con số kỷ lục cho ngành rau quả Việt Nam.
Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng rau quả Việt Nam cũng còn phải lưu ý rất nhiều về sự đồng bộ trong chất lượng khi xuất khẩu. Như câu chuyện sầu riêng những tháng qua, phía Trung Quốc liên tục đưa ra cảnh báo về các lô sầu riêng không đạt chuẩn, thậm chí đã có những quyết định cấm nhập khẩu từ một số nhà máy, vùng trồng vi phạm quy định.
Trong một hội nghị gần đây, ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh quá trình đàm phán để mở cửa thị trường không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian và công sức, một số mặt hàng đàm phán, đánh giá rủi ro mất 3-5 năm, thậm chí lâu hơn mới ký được nghị định thư.
Do đó, khi đã mở được cửa, người sản xuất và DN xuất khẩu phải tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra. Tránh trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” khi một DN, một lô hàng vi phạm cả ngành hàng bị cảnh báo hoặc dừng xuất khẩu.
Niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút, từ đó sẽ có sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh. Như vậy lợi thế về chi phí nhân công của Bangladesh sẽ bị giảm sút. Và đây sẽ trở thành lợi thế cho các quốc gia đối thủ trong ngành may của Bangladesh, trong đó có Việt Nam.