TPHCM: Doanh thu du lịch trên 6.300 tỷ đồng
Chiều mùng 4 Tết, chị Ngọc Oanh cùng chồng và 5 người bạn rời TPHCM bay về Mỹ. Đây là lần thăm quê sau 4 năm xa cách do đại dịch Covid-19. Không chỉ về thăm quê quán, gia đình chị Oanh còn đi thăm thú khắp nơi, từ Tây Nguyên, miền Bắc đến miền Tây. Chuyến đi hơn nửa tháng đã đưa những người bạn tuổi ngoài 60 có trải nghiệm tuyệt vời vào khoảnh khắc giã từ năm cũ, đón chào năm mới.
Khách đi theo tour tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất dịp tết
Khách quốc tế đến TPHCM nhộn nhịp chính là sự khác biệt hoàn toàn so với năm qua. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, ước tính từ mùng 1 đến mùng 5 tết, tổng cộng hơn 1,7 triệu lượt người dân, du khách đã đến vui chơi tại TPHCM, mang lại doanh thu khoảng 6.300 tỷ đồng, trong đó khách quốc tế ước đạt khoảng 65.000 lượt.
Giải thích nguyên nhân thu hút mạnh mẽ du khách, bà Ánh Hoa cho rằng, nguyên nhân do TPHCM đã làm mới bằng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như loạt sản phẩm du lịch cắm trại, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp rèn luyện sức khỏe, vận động thể thao, thiền, spa; nhiều doanh nghiệp du lịch chủ động liên kết với các tỉnh lân cận để đưa khách đến…
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, dự báo, các tour nghỉ dưỡng cao cấp, tour free & easy (combo vé máy bay, khách sạn cao cấp) sẽ tiếp tục là xu hướng được nhiều khách hàng lựa chọn năm 2023. Không chỉ đi du lịch trong nước, du khách cũng hào hứng xuất ngoại đến các thị trường truyền thống như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Khách vui chơi tại Thảo Cầm Viên, TPHCM đầu xuân Quý Mão
Miền Bắc: Nô nức du xuân lễ chùa
Tại Hà Nội, nhiều ngôi đền như Quán Thánh, Bạch Mã, Kim Liên, Voi Phục - tứ trấn của kinh thành Thăng Long và các tuyến đường dẫn về 4 ngôi đền tấp nập người xe. Tại phủ Tây Hồ, chỉ riêng trong ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 tết ghi nhận có khoảng 10.000 người đến hành lễ và tham quan; những ngày tiếp theo lượng khách đổ về đây rất đông.
Đặc biệt, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và tượng đài Lý Thái Tổ, phố cổ Hà Nội, các di tích, đền, chùa, phủ nổi tiếng: Ngọc Sơn, Quán Thánh, Tây Hồ, Trấn Quốc, Quán Sứ, Tảo Sách, Liên Phái, Kim Liên... luôn tấp nập du khách. Ước tính, hàng trăm ngàn người dân và du khách đã du xuân và tham gia các hoạt động trên khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tại các di tích cấp quốc gia đặc biệt như: Văn Miếu - Quốc Tử giám, Hoàng thành Thăng Long… cũng ghi nhận số lượng du khách tăng đột biến.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, từ ngày mùng 1 tết đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng, non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh) ghi nhận số lượng du khách hành hương lễ Phật lên tới gần 68.000 lượt. Được coi là những “điểm nóng” trong mùa lễ hội du xuân ở miền Bắc, tại 2 khu du lịch tâm linh lớn là Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) và Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) cũng ghi nhận số lượng du khách lớn. Chùa Bái Đính dù có 200 xe điện nhưng vẫn quá tải hầu như cả ngày. Ban quản lý phải huy động thêm xe buýt để phục vụ nhu cầu của du khách.
Theo thống kê, tại Hà Nội, trong 5 ngày tết đã đón khoảng 332.000 lượt khách du xuân, trong đó có 32.000 khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch ước hơn 1.000 tỷ đồng. Còn tại tỉnh Quảng Ninh, cho đến ngày mùng 4 tết đã đón 450.000 lượt khách.
Miền Trung: Khách quốc tế “đổ bộ” ào ạt
Hai ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, TP Đà Nẵng liên tiếp tổ chức đón hơn 600 hành khách đầu tiên đến với Đà Nẵng bằng đường hàng không và tàu biển. Trong đó, có khoảng 100 du khách từ Bangkok (Thái Lan). Những du khách đi tàu biển hầu hết là người châu Âu, châu Mỹ… Điểm nhấn của hoạt động “xông đất” đầu năm là đón đoàn khách thượng lưu từ Ấn Độ tới TP Đà Nẵng để tổ chức tiệc cưới!
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, hoạt động đón đoàn khách du lịch đầu tiên trong năm 2023 thể hiện nét văn hóa thân thiện, hiếu khách của TP Đà Nẵng với du khách gần xa. Đây cũng là hoạt động khởi đầu cho những nét đột phá mới của ngành du lịch địa phương trong năm 2023.
Thời gian tới, trọng tâm là những đám cưới Ấn Độ được tổ chức trong nhiều ngày với mức chi phí lên đến hàng tỷ đồng. Tổng lượng khách tham quan, du lịch đến TP Đà Nẵng dịp tết khoảng 227.000 lượt; trong đó khách quốc tế ước đạt 59.285 lượt, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Singapore...
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, riêng khu Di sản Huế trong 4 ngày tết đã đón 54.322 lượt khách quốc tế và 38.291 lượt khách nội địa. Trong đó, du khách quốc tế lưu lại Huế nghỉ dưỡng tăng 3.500% so với năm 2022.
ĐBSCL: Hấp dẫn khách du xuân
Ước tính trong hơn một tuần nghỉ tết, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã đón trên 1 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 7%. Tổng doanh thu du lịch của vùng ĐBSCL ước đạt trên 1.200 tỷ đồng. Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết, chỉ tính riêng cao điểm du lịch tết 2023 (từ mùng 1 tới mùng 3 tết), tỉnh đón khoảng 100.000 lượt du khách, 70% trong số đó chọn đảo Phú Quốc làm điểm đến, và Phú Quốc đã đón 22.000 lượt khách quốc tế.
Vùng đất Tây Đô (Cần Thơ) cũng thu hút khá đông khách du lịch trong những ngày tết. Các điểm du lịch miệt vườn vùng Mỹ Khánh, Phong Điền luôn là điểm chọn của nhiều gia đình và các nhóm bạn trẻ đến vui xuân. Hầu hết điểm du lịch tại đây đều quá tải. Còn người dân tại TP Cần Thơ thì chọn các điểm du lịch miệt vườn vùng giáp ranh huyện Châu Thành, Hậu Giang.
Ở nơi tận cùng Tổ quốc, Đất Mũi - Cà Mau (tỉnh Cà Mau) trở thành điểm check-in ấn tượng không chỉ với giới trẻ, mà còn cả với nhiều người cao tuổi các tỉnh miền Trung, miền Bắc mong được đến một lần trong đời. Cà Mau có loại hình du lịch cộng đồng tại các gia đình nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn khá thu hút du khách!
Khách quốc tế “xông đất” Vũng Tàu bằng đường biển
Ngày 26-1, tàu du lịch quốc tế MEIN SCHIFF 5 chở theo 2.370 du khách quốc tế đã cập cảng SP-PSA tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi xuống cảng, có khoảng 1.800 người sẽ theo các tour ngắn hạn trong ngày để tham quan du lịch tại TPHCM, Bà Rịa - VũngTàu và một số tỉnh miền Tây. Còn lại khoảng 570 du khách có hành trình tự túc theo những điểm tham quan đã tự tham khảo hoặc đặt chỗ trước đó. Trung tâm Quản lý và Hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu cũng thông tin, từ mùng 1 đến mùng 5 tết, các khu du lịch, vui chơi giải trí trên địa bàn đã đón và phục vụ khoảng là 260.000 lượt khách, tăng 70% so với dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tây Ninh: Khách du lịch tăng mạnh
Ngày 26-1, ông Trần Anh Minh, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, cho biết, lượng khách du lịch thăm viếng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trong những ngày tết tăng mạnh. Theo đó, từ ngày 20-1 (29 tết) đến nay, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen thu hút gần 457.000 lượt người, tăng 174% so với cùng kỳ năm 2021 và 10,3% so với năm 2022, tổng doanh thu đạt hơn 293 tỷ đồng. Chỉ tính trong 4 ngày (từ 30 tết đến hết mùng 4 tết) hệ thống cáp treo tại Sun World Ba Den Mountain đã đón hơn 400.000 lượt khách, tăng khoảng 40% so với tết năm trước, giúp nơi đây trở thành một trong những điểm đến thu hút đông du khách nhất khu vực các tỉnh Đông Nam bộ.
Măng Đen: Du khách chen chúc tham quan
Trong dịp tết, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ước tính đón khoảng 180.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 10.000 lượt. Dịp nghỉ tết năm nay tiếp tục ghi nhận lượng xe ô tô, xe máy cá nhân lớn khiến cho tình hình giao thông ở Đà Lạt vào các khung giờ cao điểm (từ 7-10 giờ và 16-19 giờ) các ngày mùng 4, mùng 5 tết bị ùn tắc kéo dài.
Còn tại Măng Đen (Kon Tum), nơi được mệnh danh là “Đà Lạt 2”, lần đầu tiên phá vỡ kỷ lục thu hút du khách. Đỉnh điểm là từ ngày mùng 4 tết trở đi, du khách ngoại tỉnh đến đây đông nghịt, gây tắc đường. Theo ông Châu Văn Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen, do hoa anh đào nở đúng đợt tết nên khách đến du lịch đông hơn các dịp tết trước.