Từ đó cho thấy, các chính sách an sinh, nhất là xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân đang trở thành vấn đề cấp thiết. Hiện nhiều địa phương đã có chuyển động tích cực với các chương trình, dự án cụ thể giúp sớm hiện thực hóa ước mơ an cư cho công nhân.
Dự án Nhà ở xã hội ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) giúp ổn định đời sống cho công nhân
Dồn lực xây nhà ở xã hội
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình đột phá số 27-CTr/TU ngày 20-9-2011 về phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch và đề án để triển khai thực hiện, mục tiêu đáp ứng nhu cầu bức xúc về nhà ở của đa số tầng lớp nhân dân lao động tại các đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kết quả là trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương có 23 dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng, với tổng diện tích sàn 431.488m², gồm 9.618 căn hộ, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người. Đồng thời, có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động, với tổng diện tích sàn là 269.982m², đáp ứng khoảng 46.974 người.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương có 17 dự án và 1 đề án nhà ở xã hội đã được đầu tư với 1,33 triệu/m² sàn, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch. Trong đó, tiêu biểu là mô hình Chung cư nhà ở an sinh xã hội Becamex với giá bán ưu đãi phù hợp thu nhập của người lao động, cộng với các hình thức cho vay mua nhà thuận tiện đã tạo điều kiện để hàng ngàn công nhân, người thu nhập thấp an cư. Hiện tỉnh Bình Dương có 32 dự án nhà ở thương mại, trong đó dành khoảng 100ha đất xây dựng nhà ở xã hội (thực hiện quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ). Tuy nhiên, quỹ đất này đến nay các doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng theo quy định.
Trong khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế và quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại chưa được triển khai, trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ cũng đã hình thành nhiều mô hình nhà ở cho thuê, nhà lưu trú công nhân đạt chuẩn. Điển hình như khu lưu trú công nhân Thiên Phát với hơn 350 căn hộ, diện tích mỗi căn rộng 35m², có đầy đủ tiện nghi khép kín gồm: phòng khách, phòng bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm và phòng ngủ, ban công. Giá thuê chỉ từ 1,8-2 triệu đồng/căn.
Theo ông Lê Cao Tuấn, nguyên Phó trưởng Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, dự án Khu lưu trú công nhân Thiên Phát là một trong những dự án mang lại hiệu quả kinh tế không nhiều cho chủ đầu tư, nhưng hiệu quả xã hội rất lớn.
Doanh nghiệp Thiên Phát cũng đang tiếp tục phát triển 3.100 căn nhà ở xã hội (rộng 2,8ha), dự kiến trong quý 2-2022 sẽ giới thiệu cho công nhân ở Bình Dương và khu vực TP Thủ Đức (TPHCM); dự án Nhà ở thương mại Phú Quang (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, rộng 32ha). Tại TPHCM, Công ty Thiên Phát cũng dự kiến khởi công xây dựng 360 căn nhà ở công nhân với tổng vốn đầu tư 408 tỷ đồng, tích hợp các tiện ích như: công viên, trường học, khu vui chơi trẻ em…
Chung tay lo cho công nhân
Tỉnh Đồng Nai có gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tập trung ở TP Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và Vĩnh Cửu. Có 32 khu công nghiệp với tổng diện tích đất 10.270,19ha, tạo việc làm cho 618.371 người lao động, trong đó công nhân ngoại tỉnh chiếm khoảng 52% (321.552 người).
Hiện 100% công nhân ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở và 30% (89.045 người) số lượng công nhân trong tỉnh có nhu cầu thuê phòng trọ gần nhà máy… Thế nhưng, các dự án nhà ở xã hội hiện nay mới đáp ứng được khoảng 26.392 người (chiếm 6,5% nhu cầu), còn lại khoảng 384.205 người đang ở trong các nhà trọ do các hộ gia đình và cá nhân xây dựng để cho thuê với giá cho thuê 800.000-1 triệu đồng/phòng, diện tích nhỏ hẹp, xập xệ, ô nhiễm môi trường.
Để hỗ trợ công nhân về nhà ở, Đồng Nai đã hoàn thành được 3.771 căn và đang triển khai 13 dự án nhà ở xã hội với gần 60ha, khi hoàn thành sẽ có 10.746 căn nhà để công nhân mua với giá rẻ. Trong đó, có 4 dự án được xây dựng dưới dạng các block chung cư cao tầng với số lượng hơn 1.000 căn/dự án.
Đó là dự án ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) do Công ty CP Đệ Tam (TPHCM) đầu tư, khi hoàn thành cung cấp gần 2.200 căn hộ cho người có thu nhập thấp; 2 dự án nhà ở công nhân, người lao động tại xã Phước Thiền và thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) do Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và Khu công nghiệp IDICO đầu tư, khi hoàn thành có 3.850 căn hộ; dự án do Công ty TNHH Toàn Thắng đầu tư tại phường Bảo Vinh (TP Long Khánh) khoảng 1.054 căn.
Ông Lê Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết, sở đã kiến nghị Sở TN-MT, UBND các địa phương chủ động rà soát các vị trí đất công đang quản lý, có vị trí phù hợp sử dụng vào mục tiêu nhà ở xã hội. UBND các địa phương chủ động xác định nhu cầu, rà soát quỹ đất để báo cáo Sở Xây dựng, thống nhất đề xuất UBND tỉnh về quỹ đất đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật - xã hội, giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa để phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Đồng thời, Sở Xây dựng sẽ đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bàn giao cho Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư dự án.
Tập trung xây dựng gần các khu công nghiệp
Để chăm lo và ổn định cuộc sống của công nhân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai vừa thông qua Nghị quyết về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025. Dự tính đến năm 2025, Đồng Nai có thêm 3 khu công nghiệp đi vào hoạt động là: Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (410ha), Cẩm Mỹ (300ha), Phước Bình (190ha); số lao động tăng thêm là 56.700 người và đến năm 2025 đạt 450.000 người. Do đó, tỉnh cần quan tâm đến nhu cầu của người có thu nhập thấp vùng đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Tỉnh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xây dựng hoàn thành tối thiểu 2.500 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; và hàng năm, mỗi địa phương có khu công nghiệp xây dựng 2-3 dự án. Đồng thời, các bí thư huyện ủy, bí thư thành ủy, chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện mỗi năm phải có ít nhất 2 dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội ở địa phương quản lý và sẽ đưa vào đánh giá cá nhân cuối năm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai đang thiếu hơn 200.000 căn nhà ở xã hội và trong 5 năm tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư để đáp ứng nhu cầu của người lao động. UBND tỉnh đã lấy ý kiến các sở ngành về việc quy hoạch các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 và dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành 2.500 căn. UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố chủ động, tính toán và rà soát lại nhu cầu về nhà ở xã hội đưa vào quy hoạch để trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Đối với những khu vực đông công nhân, các địa phương khai thác quỹ đất công hoặc quỹ đất 20% từ những dự án nhà ở thương mại để quy hoạch nhà ở xã hội và thực hiện quy hoạch riêng những dự án để có thể triển khai nhanh trong thời gian tới.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân với tổng diện tích 25ha, quy mô 15.000 căn, đạt 75% kế hoạch. Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân với quy mô 35.000 căn (bao gồm cả nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và ký túc xá sinh viên). |