Từ một vụ án tranh chấp xảy ra tại Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cách đây 84 năm vào năm 1928 mà dư luận quốc tế lúc đó gọi là “Trường hợp Phong Thạnh”, địa danh Nọc Nạn đi vào văn học nghệ thuật như một biểu tượng bất khuất về người nông dân Nam bộ trong công cuộc khẩn hoang và gìn giữ đất đai.
Những nhân vật có thật như Tám Luông, Mười Chức, Năm Nhẫn, Sáu Nhịn… lần lượt xuất hiện trong tiểu thuyết, cải lương, phim ảnh… Tính chất xung đột của câu chuyện và cá tính can trường của nông dân đã khiến tác phẩm phản ánh Nọc Nạn có sức lôi cuốn đặc biệt với công chúng nhiều thế hệ.
Tác phẩm đầu tiên viết về bi kịch Phong Thạnh là cuốn truyện “Nọc Nạn” của nhà văn Phúc Vân. Những năm tham gia cách mạng ở Đồng Tháp, nhà văn Phúc Vân chứng kiến sự kiện Nọc Nạn được những người dân chân lấm tay bùn kể lại cho nhau nghe bằng thể loại văn vần, thường bị ngắt đoạn bởi sự chắp vá truyền khẩu.
Thí dụ, đêm chuẩn bị chống lại cường hào và thực dân: “Trong nhà Mười Chức luận bàn/ Than cùng từ mẫu hai hàng lâm ly”, rồi khi giao tranh kịch liệt: “Mười Chức cầm mác giơ lên/ Chém cho một nhát, cò liền dang ra”. Sau
Hiệp định Geneve 1954, nhà văn Phúc Vân lên Sài Gòn sinh sống, ông mở một tiệm thuốc bắc gần chợ Bà Chiểu, vừa làm thầy lang vừa cặm cụi viết “Nọc Nạn”. Cuốn truyện “Nọc Nạn” khoảng 100 trang, được nhà văn Phúc Vân viết theo dạng tiểu thuyết chương hồi, với văn phong giản dị và mang đậm ngôn ngữ Nam bộ.
“Nọc Nạn” được in lần đầu tiên năm 1956 và lập tức bị thu hồi. Tất nhiên, lý do không nằm ở nội dung, mà chính quyền Ngô Đình Diệm lúc đó cho rằng tác giả đã từng hoạt động ở bưng biền nên cuốn sách là một sản phẩm tuyên truyền cho cộng sản.
Tượng đài di tích Nọc Nạn. |
Thật may, khi chữ nghĩa không được chấp nhận, vụ án oan nghiệt kia được cưu mang bằng hình thức nghệ thuật cải lương. Cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, vở cải lương “Máu thắm đồng Nọc Nạn” của soạn giả Phạm Ngọc Truyền theo chân các gánh hát trình diễn khắp Nam bộ và được tán thưởng nhiệt liệt.
Xin lưu ý, thuở ấy những gánh hát “đóng đô” trên ghe, họ cứ lênh đênh sông nước, cứ tấp vào bờ biểu diễn một đêm rồi hôm sau theo dòng kênh rạch đi nơi khác (cho nên mới xuất hiện thành ngữ "đoàn cải lương sống giang", theo cách nói láy của dân Tây Nam bộ nghĩa là "sáng dông"), nên chính quyền gần như không thể kiểm soát được sự truyền bá của “Máu thắm đồng Nọc Nạn”.
Đáng nhớ hơn, trong không khí sôi sục ở miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vở cải lương “Máu thắm đồng Nọc Nạn” được Đoàn Cải lương Nam bộ dàn dựng đã giành giải nhất tại Đại hội Văn công toàn quốc diễn ra ở Hà Nội năm 1958. Đến nay, “Máu thắm đồng Nọc Nạn” được xem như một trong những vở diễn kinh điển và được ưa chuộng nhất của sân khấu cải lương.
Sau năm 1975, cuốn truyện “Nọc Nạn” và vở cải lương “Máu thắm đồng Nọc Nạn” tiếp tục chinh phục công chúng miền Trung và miền Bắc. Năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước, cuốn truyện “Nọc Nạn” đã được NXB Minh Hải in lại với lời tựa rất trân trọng của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng: “Vụ đồng Nọc Nạn không lan thành cao trào trên một quy mô rộng, nhưng nó vẫn nằm sâu trong xâu chuỗi báo hiệu sự trỗi dậy của nông dân được trang bị tư tưởng lớn, khoa học và được tổ chức, lãnh đạo trong thời gian không xa.
Nó là những tế bào hợp thành cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam… Phúc Vân phản ảnh trung thực nguyên nhân, diễn biến của sự việc bằng lời ghi chép sinh động… Hiểu Nọc Nạn để hiểu Minh Hải (tỉnh Minh Hải cũ, được thành lập từ 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), hiểu Tám Luông, Mười Chức và để hiểu con người Minh Hải một cách căn cơ, có trước có sau. Hiểu để tin yêu”.
Trong cuốn truyện “Nọc Nạn”, nhà văn Phúc Vân miêu tả tàn cuộc của những người nông dân nổi dậy chống áp bức: “Bốn cái mả nằm song song trên miếng đất thân yêu. Ai qua Nọc Nạn, tại ngã ba vàm Cá Rô, thảy đều trông thấy: Mả của bốn vị anh hùng! Mả của bốn vị nông dân bất khuất!”. Hiện tại, di tích lịch sử Nọc Nạn được xây dựng tại Giá Rai - Bạc Liêu vẫn cho khách tham quan cảm nhận được đầy đủ tinh thần ấy.
Năm 2004, Đài truyền hình Bạc Liêu dù không dư dả về tài chính, vẫn bỏ ra 600 triệu đồng để thực hiện bộ phim “Đồng Nọc Nạn” dài 5 tập, do nhà văn Chu Lai viết kịch bản và NSƯT Trần Vịnh làm đạo diễn. Bộ phim “Đồng Nọc Nạn” sau khi công chiếu trên sóng truyền hình các tỉnh ĐBSCL đã được Đài truyền hình Việt Nam phát lại và gây xúc động hàng triệu khán giả.
Đồng Nọc Nạn hấp dẫn không chỉ bởi sự quật cường của những con người chân lấm tay bùn, mà còn lấp lánh vẻ đẹp của người Việt khi bị số phận đẩy vào hoàn cảnh trớ trêu. Xem phim, khán giả không cầm được nước mắt trước tình tiết anh em Mười Chức làm lễ tế sống mẹ là bà Tám Luông trong căn chòi dột nát. Mẹ con họ chít khăn tang, xì xụp khấn lạy nhau thay lời vĩnh biệt để ngày mai bước vào cuộc tử chiến với bất công.
Trong phim “Đồng Nọc Nạn” ngoài chuyện thể hiện rất rõ sự chung vai, đồng lòng vì chính nghĩa của các nhà báo, các luật sư, còn có hình ảnh những tay giang hồ khét tiếng khước từ sự chiêu mộ của phường ác bá vì “sợ mang tiếng ăn tiền của bọn nhà giàu, đi hiếp đáp người ngay thẳng, lương thiện”.
Khi được hỏi chi tiết ấy dựa theo sử sách hay bịa ra như một mơ ước về sự uy nghiêm của chính nghĩa, nhà văn Chu Lai cho biết: “Chi tiết này là hư cấu nhằm gửi đến một thông điệp: Cuộc đời dù còn nhiều trái ngang, thậm chí bất công nhưng cuộc đời vẫn còn có rất nhiều người tốt, nhiều người dám đứng về phía lẽ phải mà khước từ mọi cám dỗ bổng lộc, hư vinh. Nếu không thế thì dân tộc đã không tồn tại bền bỉ, vượt lên mọi chông gai, thác lũ ”.
Dấu vết Nọc Nạn đến hôm nay vẫn còn nguyên sức thuyết phục của một thời lịch sử rướm máu mà ai nhớ lại cũng bồi hồi xao xuyến. Đọc lại cuốn truyện “Nọc Nạn”, xem lại vở cải lương “Máu thắm đồng Nọc Nạn” và thưởng thức lại bộ phim “Đồng Nọc Nạn” vẫn thấy thấm thía nhiều điều trắc ẩn và thanh cao.