Dòng tiền ào ạt chảy vào thị trường

(ĐTTCO) - Điểm đáng chú ý của TTCK trong những phiên giao dịch gần đây không đến từ việc VN Index ngày càng bỏ xa mốc 1.000 điểm, mà đến từ dòng tiền. Dòng tiền đổ mạnh vào TTCK đang chính là động lực để giới đầu tư có thêm kỳ vọng về mốc điểm số cao hơn của VN Index trong thời gian tới.  

Dòng tiền ào ạt chảy vào thị trường
Kỷ lục thanh khoản
TTCK vừa có tuần giao dịch cực kỳ ấn tượng về thanh khoản, với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn liên tục vượt mốc 10.000 tỷ đồng, chỉ riêng giá trị giao dịch trên HOSE có thời điểm vượt mốc 9.000 tỷ đồng.
Đơn cử phiên giao dịch ngày 12-1, sàn HOSE có 375 triệu CP được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch là 9.212 tỷ đồng. Cũng trong phiên giao dịch này, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 11.300 tỷ đồng. Có thể nói, đây là kỷ lục hiếm có của TTCK Việt Nam, bởi trước đó những phiên giao dịch 5.000-6.000 tỷ đồng được xem là khó tin. 
 Theo số liệu của Business Korea, năm 2017, NĐT Hàn Quốc đã rót 461,3 tỷ won (tương đương 434 triệu USD) cho 11 quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam (chưa bao gồm quỹ ETF).
Theo phân tích của các CTCK, lượng margin đầu năm dồi dào, cộng thêm nguồn vốn ngoại mà các quỹ đầu tư huy động được trong thời gian gần đây có thể là lý giải cho hiện tượng này. Riêng trong phiên giao dịch ngày 12-1, NĐTNN mua ròng tới 850 tỷ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng trong tuần đạt 2.500 tỷ đồng.
Những cái tên trong danh sách được khối ngoại mua ròng mạnh có thể kể đến HDB (HDBank), VRE (Vincom Retail), VIC (Vingroup).
Việc khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng với HDB (đạt hơn 1.300 tỷ đồng trong 6 phiên giao dịch gần đây) có thể khiến cho nhiều NĐT bất ngờ, nhưng không khó để lý giải cho hiện tượng này.
Theo giới phân tích, tại thời điểm HDB chào bán 21,5% vốn điều lệ với giá 32.000 đồng/CP (tương đương giá trị 300 triệu USD), nhưng lượng đặt mua lên tới 1 tỷ USD từ các định chế tài chính lớn trên thế giới như: Credit Saison, Deutsche Bank AG, JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank, Dragon Capital, VinaCapital, Macquarie Bank, PYN Elite. Điều này cho thấy sức hút của HDB là rất lớn. Với giá chào sàn 33.000 đồng/CP, tương đương với mức giá đã chào bán cho NĐTNN trước đó, cùng với room ngoại vẫn còn tới 8,5%, thì động thái mua ròng của khối ngoại ngay sau khi HDB lên sàn lại không quá bất ngờ. Trong khi đó, động thái mua ròng của khối ngoại với VRE và VIC đã giúp cho 2 mã CP này xác lập đỉnh 55.000 đồng/CP và 85.400 đồng/CP sau phiên giao dịch ngày 12-1.
Lý giải về dòng vốn đang chảy mạnh vào TTCK, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT CTCK Vndirect, cho rằng TTCK hút tiền không chỉ bởi độ hấp dẫn của kênh đầu tư này so với các kênh khác, đặc biệt là lãi suất ngân hàng, mà còn do sự thay đổi về quan điểm của NĐT với TTCK.
Giờ đây, NĐT đã có cái nhìn đúng đắn hơn, coi CK là một loại tài sản chứ không phải là một trò chơi cờ bạc. Điều này thực sự khiến những người làm trong ngành CK kỳ vọng tỷ lệ người dân có tài khoản CK ở Việt Nam sẽ tăng lên con số 54% như ở Hoa Kỳ chứ không phải 2% như hiện tại.

CTCK đua vốn cho margin
Có thể nói, sự hưng phấn của thị trường cũng như tâm lý lạc quan đã kích thích NĐT tăng giao dịch, tăng vay margin khiến cho tình trạng sử dụng margin ở đa số CTCK đạt mức cao nhất kể từ năm 2013.
Bản thân các CTCK cũng phải chạy đua huy động vốn nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Giải pháp về nguồn vốn được nhiều CTCK triển khai là phát hành trái phiếu. Đơn cử là CTCK TPHCM (HSC) đã phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu cho 7 NĐT trong và ngoài nước. Đây là loại trái phiếu không thế chấp, không chuyển đổi, có kỳ hạn 1 năm, lãi suất 9%/năm.
Không thua kém đối thủ, CTCK Sài Gòn (SSI) cũng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành tối đa 1,2 triệu trái phiếu chuyển đổi với giá phát hành 1 triệu đồng/trái phiếu nhằm huy động 1.200 tỷ đồng trong năm 2018. Giá chuyển đổi dự kiến 31.000 đồng/CP, lãi trái phiếu dự kiến 4%/năm. Theo kế hoạch, số tiền huy động từ trái phiếu này sẽ được SSI dùng để tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh cuộc đua song mã giữa HSC và SSI, các CTCK vừa và nhỏ như Tân Việt (TVSI) hay Bản Việt (VCSC) cũng liên tục phát hành trái phiếu và CP nhằm tích lũy vốn cho các hoạt động margin. Chẳng hạn, TVSI vừa phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi đợt 2 năm 2017 với quy mô 150 tỷ đồng (lãi suất 9%/năm cho 3 tháng đầu). Đây là đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần thứ 5 của TVSI sau 4 kỳ phát hành thành công kể từ năm 2014.
Cho tới thời điểm hiện nay, TVSI đã phát hành thành công 570 tỷ đồng trái phiếu. Tương tự, VCSC phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi cho 300 NĐT là các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước. CTCK Rồng Việt (VDSC) thì chọn giải pháp phát hành CP cho cổ đông hiện hữu. Mới đây, HĐQT của CTCK này công bố chào bán thành công 21 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, giá 10.000 đồng/CP, để tăng vốn điều lệ lên 910 tỷ đồng. 
Dù có nhiều ý kiến lo ngại về margin, nhưng theo đánh giá của TVSI, sự hưng phấn của thị trường trong giai đoạn vừa qua cũng như tâm lý lạc quan đã kích thích NĐT tăng giao dịch, tăng vay margin khiến cho tình trạng sử dụng margin ở đa số CTCK đạt mức cao nhất kể từ năm 2013. Tuy vậy, ngoài tiền margin, dòng tiền thật vẫn đều đặn được NĐT nộp vào tài khoản nên tỷ lệ vay nợ trên tổng tài sản nhìn chung vẫn ở mức kiểm soát.

Các tin khác