Đây là con số có thể gây sốc, nếu biết rằng 5 năm trước, tổng số tài khoản do NĐT cá nhân mở mới chỉ xấp xỉ 1,18 triệu. Làn sóng rót vốn vào kênh đầu tư chứng khoán được dự báo còn gia tăng thời gian tới.
Đằng sau sức hấp dẫn về lợi nhuận
Mức tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán (TTCK) giữa đại dịch Covid-19, với các giai đoạn cách ly xã hội và giảm các kênh “đỏ đen” khác như xổ số (và đi kèm với đó là số đề), vẫn được coi là một trong những lý do thu hút các NĐT mới nhảy vào thị trường.
Thực tế đó cũng là yếu tố mang tính thúc đẩy, nhưng điều quan trọng hơn là độ phổ biến của TTCK đã gia tăng, khi các phương tiện truyền thông lẫn phổ biến kiến thức về chứng khoán đã đủ để đạt tới điểm hội tụ hấp dẫn người trẻ.
Tại Việt Nam chưa có thống kê về độ tuổi của các NĐT mới tham gia TTCK trong thời kỳ covid (từ năm 2020 trở lại đây). Tuy nhiên, một thống kê tại Đài Loan cho thấy số NĐT trẻ (độ tuổi 25 tới dưới 40) trên TTCK Đài Loan đã tăng từ khoảng 25% lên trên 36% trong năm 2020.
Riêng số lượng tài khoản mở trong năm 2020 khoảng 42% có độ tuổi dưới 30. Nhìn rộng ra thế giới, làn sóng NĐT mới cũng gắn liền với các công cụ đầu tư tiện lợi, nổi bật là hiện tượng phần mềm Robinhood hồi đầu năm 2020, khi đột nhiên có hàng triệu lượt tải về và sử dụng.
Biểu đồ: Tốc độ tăng trưởng tiền gửi cá nhân tại các tổ chức tín dụng so với thời điểm cuối năm liền trước. Năm 2021 (đến tháng 10) ghi nhận mức thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. Nguồn SBV
Hiện tượng bùng phát làn sóng mở tài khoản chứng khoán tại Việt Nam tuy không gắn liền với các phần mềm giao dịch tiện lợi, nhưng có dấu ấn rất riêng của công nghệ.
Tiêu biểu như eKYC phương thức định danh khách hàng trực tuyến, không cần gặp mặt và đối chiếu chứng từ giấy trực tiếp như truyền thống. NĐT có thể mở tài khoản trực tuyến mọi lúc, mọi nơi một cách tức thời trong vài phút.
Mặt khác, hình thức giao dịch cũng đã có sự cải tiến rất xa, từ việc đặt lệnh ghi phiếu trực tiếp tại quầy những năm 2007 trở về trước, tới việc đặt lệnh online bằng máy tính và giờ là sử dụng các phần mềm giao dịch trên nền tảng di động.
Thích ứng là lợi thế lớn nhất của các NĐT trẻ và công nghệ là khoảng cách thế hệ những NĐT lớn tuổi khó vượt qua được.
Không chỉ vậy, với số lượng người trẻ có khả năng tài chính và kiến thức ngày càng tăng, sự ưu tiên các kênh đầu tư có hàm lượng tri thức cao cũng khác biệt so với quá khứ. Bất động sản không dành cho những NĐT tay ngang, ít vốn.
Vàng bị coi như kênh đầu tư của người già, giống như lúc này facebook được gắn mác công cụ của người “có tuổi” và tiktok mới là mốt của giới trẻ. Chứng khoán là kênh vừa mang hàm lượng chất xám cao, vừa không quá giới hạn về số vốn để thử nghiệm.
Bất kỳ NĐT mới nào có trong tay vài chục tới trăm triệu đồng đều có thể tham gia. Đồng thời, khả năng liên thông giữa tài khoản ngân hàng (đa số giới trẻ sử dụng ATM) và tài khoản đầu tư chứng khoán đã tiện lợi hơn rất nhiều.
NĐT cá nhân tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán
Làn sóng bùng nổ NĐT mới, NĐT trẻ trên TTCK Việt Nam cũng là quy luật phổ biến. Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, từng nhận định hiện tượng bùng nổ này đã xuất hiện ở Đài Loan trước đây.
Số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số, tương đương tỷ lệ người dân Đài Loan có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân vào năm 1986.
Việc đặt mục tiêu tăng tỷ lệ người dân tham gia TTCK lên 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030, cũng tương tự quá trình gia nhập thị trường của các NĐT cá nhân ở Đài Loan trong giai đoạn phát triển kinh tế tương tự với Việt Nam hiện nay.
Một thống kê của FiinGroup cho thấy, trong năm 2021 NĐT cá nhân trong nước đã mua ròng riêng qua kênh khớp lệnh lên đến con số gần 93.079 tỷ đồng, tương ứng hơn 4 tỷ USD. Phía ngược lại, NĐT nước ngoài có năm bán ròng kỷ lục ở HoSE với khoảng 58.000 tỷ đồng (gấp 3,8 lần năm 2020).
Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh, dòng vốn ngoại bán ròng gần 73.000 tỷ đồng. Tổ chức đầu tư trong nước (không gồm tự doanh) cũng bán ròng trên 30.400 tỷ đồng. Các con số này đặt cạnh nhau, cho thấy một bức tranh trái ngược nhưng thể hiện sức mạnh của dòng vốn mới từ các NĐT cá nhân.
Câu chuyện về NĐT trẻ khó có thể bao quát hết quy mô vốn khổng lồ như vậy, nên nền tảng của dòng vốn cá nhân vẫn phải dựa trên các yếu tố mang tính cơ cấu. Đó là triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK khi nền kinh tế phục hồi từ đáy đại dịch.
Cùng với đó là môi trường lãi suất thấp thúc ép nhu cầu sinh lời cao hơn, đồng thời áp lực lạm phát không quá lớn. Trong suốt các giai đoạn bùng phát của TTCK Việt Nam, chưa lúc nào có sự hội tụ của cả 2 yếu tố này như vậy.
Một số liệu không mấy vui đối với các ngân hàng, là tốc độ tăng trưởng tiền gửi đang chậm lại đáng kể. Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 10-2021, số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng chỉ tăng 3,08% so với cuối năm 2020.
Đây là mức tăng rất thấp nếu so với tăng trưởng số dư tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng trong gần 10 năm qua. Điều này cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động quá thấp đang khuyến khích người dân rút tiền khỏi tài khoản tiết kiệm và tìm kiếm chỗ sinh lời cao hơn. Xu hướng này sẽ duy trì, ít nhất tới khi lãi suất huy động tăng lên.
TTCK 2022 hội tụ cả 2 yếu tố thuận lợi: nền kinh tế phục hồi từ đáy đại dịch; môi trường lãi suất thấp, đồng thời áp lực lạm phát không quá lớn. |