Dòng tiền dồi dào

(ĐTTCO)-Kể từ quý II trở lại đây, thanh khoản của HOSE chỉ đứng ở mức thấp 2.500-3.000 tỷ đồng/phiên, nhưng điều này không có nghĩa dòng tiền đang cạn kiệt. Trên thực tế, nếu nhìn vào bối cảnh quốc tế và dòng tiền margin của các CTCK, sẽ thấy nguồn vốn đang ủng hộ diễn biến của TTCK trong thời gian tới.
Ảnh minh họa: L.THANH
Ảnh minh họa: L.THANH
Tiền ngoại đảo chiều
Trong tháng 10, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị lên tới 1.300 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn HOSE. Nhóm CP bị bán ròng mạnh là VIC (Vingroup) 397 tỷ đồng, VHM (Vinhomes) 272 tỷ đồng, VRE (Vincom Retail) 177 tỷ đồng, MSN (Masan) 221 tỷ đồng, HPG (Hòa Phát) 213 tỷ đồng.
Phía ngược lại, mã CP được mua ròng là VCB (Vietcombank) 226 tỷ đồng, BID (BIDV) 102 tỷ đồng, ROS (FLC Faros) 91 tỷ đồng và chứng chỉ quỹ VFMVN30 74 tỷ đồng. Các quỹ ETF bị rút ròng khoảng 9,5 triệu USD trong tháng 10.
Dù tổng giá trị không thay đổi nhiều so với tháng 9 (gần 12 triệu USD), nhưng khác với trước đây khi các quỹ ETF lớn đồng loạt bị rút vốn, ở thời điểm hiện tại vẫn có quỹ mua vào. Đơn cử, VFMVN30 ETF và FTSE ETF đã bất ngờ hút ròng trở lại 1,25 triệu USD và 2,88 triệu USD.
Dù vậy, theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), tại các thị trường phát triển, lợi suất trái phiếu chính phủ đang tăng trở lại kể từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Dấu hiệu này cho thấy dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn ở trái phiếu chính phủ đã dịu dần.
Hay nói cách khác, kỳ vọng về rủi ro suy thoái của giới đầu tư đã bắt đầu giảm. Thêm vào đó, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục hạ lãi suất từ nay tới cuối năm không cao, nên việc tìm kiếm cơ hội đầu tư CP ở thị trường phát triển, điển hình là Mỹ không còn dễ dàng.
Nguyên nhân là mức P/E của chỉ số S&P500 đã đạt đỉnh 1 năm. Với bối cảnh này, kỳ vọng dòng tiền ngoại sẽ đổ tiền vào CP các thị trường mới, trong đó có Việt Nam, vốn là nền kinh tế hiếm hoi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với NĐTNN hiện nay là vấn đề giới hạn sở hữu, khi các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt đã gần kín room. 

Soi dòng tiền CTCK
Theo thống kê từ kết quả kinh doanh (KQKD) quý III của 73 CTCK, tổng thu nhập và chi phí hoạt động lần lượt ở mức 6.042 tỷ đồng (tăng 14,6%) và 3.335 tỷ đồng (tăng 52,8%). Trong đó, kinh doanh nguồn vốn và tự doanh là 2 mảng có tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu thu thu nhập, với mức tăng trưởng thu nhập lần lượt 35% và 29%.
Để phục vụ nhu cầu này, các CTCK phải đẩy mạnh huy động vốn khiến tốc độ tăng chi phí từ 2 mảng này tăng 59% và 140%. Chi phí mảng kinh doanh nguồn vốn tăng mạnh có thể tới từ việc các CTCK tăng vay mượn để phục vụ hoạt động ký quỹ.
Về mặt cơ cấu lợi nhuận, mảng kinh doanh nguồn vốn đóng góp nhiều nhất với hơn 1.163 tỷ đồng, chiếm 43% tổng lợi nhuận hoạt động. Kinh doanh nguồn vốn cũng là mảng duy nhất ghi nhận lợi nhuận tăng. Trong khi đó, mảng môi giới và dịch vụ đóng góp ít nhất với 386,4 tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng lợi nhuận hoạt động.
Dù KQKD quý III và 9 tháng năm 2019 của các CTCK giảm mạnh, nhưng lãi từ cho vay ký quỹ (margin) vẫn tăng lên đáng kể. Theo thống kê của VDSC, dư nợ margin toàn thị trường cuối quý III cao hơn 34% so với trung bình dư nợ quý IV-2018, tương đương mức tăng hơn 12.000 tỷ đồng, gấp 4 lần giá trị giao dịch khối lượng bình quân mỗi phiên sau 9 tháng.
Trong đó, 3 CTCK có vốn từ Hàn Quốc là Mirae Asset, KB và KIS đã chiếm hơn 37% dư nợ margin tăng lên. Trong bối Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vừa tiếp tục hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm, đây là lý do để các CTCK có vốn từ Hàn Quốc gia tăng dư nợ ký quỹ khi lãi suất bình quân hiện nay vẫn ở mức cao. 
Ngược lại, các CTCK nội cũng đẩy mạnh huy động với lãi suất thấp phục vụ hoạt động ký quỹ nhằm giữ thị phần. Với sự cạnh tranh này, lãi suất margin được kéo giảm, góp phần khuyến khích NĐT đẩy mạnh hoạt động margin khi thị trường khởi sắc.
Thực tế, sau khi VN Idnex tái lập được mốc 1.000 điểm, dòng tiền từ NĐT trong nước bắt đầy chảy mạnh vào thị trường, với nhiều phiên giao dịch vượt mốc 4.000 tỷ đồng. Ngay cả NĐTNN cũng đẩy mạnh mua ròng trở lại sau khi VN Index tái lập mốc 1.000 điểm.

2 kịch bản cho VN Index
 Dữ liệu lịch sử cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa dư nợ margin và VN Index. Dù mối quan hệ đã không còn mạnh như năm 2017, nhưng dư nợ margin tăng lên sẽ hỗ trợ VN Index giữ vững mốc 1.000 điểm.
Theo nhận định của CTCK BIDV (BSC), việc khối ngoại giảm bán ròng, cộng với những chuyển biến tích cực từ KQKD quý III của các doanh nghiệp niêm yết và hiệu ứng mua CP quỹ của những mã blue chip, VN Index đang hướng tới ngưỡng kế tiếp 1.050 điểm.
Các CP lớn đóng vai trò dẫn dắt, hình thành mặt bằng giá mới, trước khi lan tỏa sang các nhóm CP có KQKD cải thiện và triển vọng tích cực. BSC cũng đưa ra 2 kịch bản cho VN Index trong tháng 11. Kịch bản 1, VN Index tăng đến 1.050 điểm và duy trì trên ngưỡng 1.000 điểm, với thanh khoản cải thiện dần, hoạt động luân chuyển ngành rõ rệt hơn.
Ở kịch bản tiêu cực, VN Index có thể giảm dưới 983 điểm nếu có những thông tin bất lợi từ thế giới và áp lực thoái vốn từ khối ngoại.
Sự kiện đáng chú ý trong tháng 11 là Luật CK sửa đổi sẽ được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14. Một số nội dung của dự thảo Luật CK còn nhiều ý kiến khác nhau, như về chào bán CP thấp hơn mệnh giá; điều kiện chào bán CK ra công chúng; chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng; chào bán CK riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; trách nhiệm và quyền hạn của UBCKNN; mô hình và tổ chức của Sở Giao dịch CK Việt Nam; tỷ lệ sở hữu của NĐTNN và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo giới phân tích, khi Luật CK mới được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý, mở nút thắt về tỷ lệ sở hữu NĐTNN cũng như tạo điều kiện cho các CTCK mở rộng các hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu NĐT và giúp thị trường hoạt động hiệu quả.
Luật CK mới được ban hành sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển mới của thị trường, đồng thời tạo bước ngoặt quan trọng trong việc cải thiện các tiêu chí nâng hạng thị trường đối với FTSE năm 2020 và MSCI vào năm 2021. 

Các tin khác