Nhiều người trong giới nghệ thuật bị thu hút hồn bởi những bức tranh, những bức chân dung độc đáo được tạo nên bằng kỹ thuật “không giống ai”. Với “đốt gỗ thành tranh”, anh không chỉ nổi tiếng trong giới họa sĩ mà còn đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Anh là họa sĩ trẻ đến từ Hà Nội - Ngô Văn Sắc.
Mê hoặc đường vân trên thớ gỗ
Ngô Văn Sắc (sinh 1980) khi còn là học trò tiểu học đã tỏ ra là người hiếu động, thích tìm tòi liên quan đến nghệ thuật. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống hội họa, nhiếp ảnh, lại được đào tạo bài bản ở trường mỹ thuật nên vững vàng nhiều kỹ thuật hội họa.
Hiện anh là thạc sĩ và là giảng viên mỹ thuật tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Dù thuộc làu cách sử dụng các chất liệu vẽ tranh truyền thống như chì than, sơn mài, sơn dầu, nhưng chàng trai trẻ này không dừng lại ở đó. Anh luôn tìm tòi, xem thử nghiệm trên những chất liệu mới, hóc búa là một điều thú vị. Điều đó được thể hiện tại cuộc triển lãm “Giữa đời” với nội dung là những bức chân dung được khắc họa trên gỗ nâu trầm thể hiện khá rõ sự bài bản trong kỹ thuật, khi tác phẩm như là sự kết hợp giữa tranh khắc gỗ truyền thống với kỹ thuật đồ họa, kỹ thuật số thời nay.
Quan sát “Giữa đời” của Ngô Văn Sắc rất dễ nhận thấy sự cầu kỳ của họa sĩ trong việc khắc họa nhiều bức chân dung nhỏ, ở nhiều góc độ, nhiều tâm trạng đè lên một khuôn mặt lớn mang hồn cốt chủ đạo. Về ấn tượng thị giác, xem lướt qua có vẻ như vậy, nhưng thực chất nó không chỉ dùng các kỹ thuật này, bởi Ngô Văn Sắc vừa căn bản, vừa phức tạp hơn nhiều. Cách tạo hình khối để chia nhỏ không gian cho từng khuôn mặt người trầm tư, cười rộ hay lặng yên cũng thể hiện sự sáng tạo, phá cách của họa sĩ.
Các bức tranh thể hiện rõ sự bài bản trong kỹ thuật, khi tác phẩm như là sự kết hợp giữa âm bản, dương bản của tranh khắc gỗ truyền thống với kỹ thuật đồ họa, kỹ thuật số thời nay. Chọn cho mình chất liệu vẽ tranh tự nhiên, đó là các thớ gỗ sần sùi, thô nhám, Ngô Văn Sắc sử dụng các chất liệu một cách tài tình, biến sự thô mộc ấy thành một đặc tính lợi thế để thể hiện những xúc cảm của từng tác phẩm.
Có khi anh thuận theo những thớ dọc để khắc ra một “khu vườn yên tĩnh” ẩn hiện một hay nhiều gương mặt tĩnh lặng trầm tư. Có khi lại dùng ánh sáng hắt ra từ mảnh gỗ làm nền cho một ánh mắt đen sâu u buồn. Rồi lúc khác anh lại xoay thớ gỗ ngang biến vân gỗ thành công cụ diễn tả tâm trạng… Cũng với thể loại tranh đốt gỗ độc đáo, Ngô Văn Sắc đã đạt giải nhất tại cuộc thi “Chân dung tự họa Dogma Prize năm 2012”.
Ngô Văn Sắc chia sẻ: “Lúc đến với những khối gỗ tươi, chưa qua xử lý tôi như bị mê hoặc. Quá trình thực hiện khắc họa chân dung trên gỗ đòi hỏi người họa sĩ phải kỳ công chuẩn bị nhiều bước. Ban đầu, dùng chì than phác thảo trên các miếng gỗ trước, sau đó dùng đèn hàn khò, sử dụng thìa kim loại cạo bớt bề mặt vừa khò để điều hòa màu sắc”.
Để có những bức tranh độc đáo, công đoạn đốt gỗ là cả một sự tập hợp nhiều thao tác hết sức tỉ mỉ. Để có độ đốt vừa chuẩn, tạo nên những hình ảnh vừa có độ sắc nét, lại thêm phần bóng bẩy mà vẫn không thiếu sự thanh thoát, Ngô Văn Sắc sử dụng một cây đèn hàn khí thay vì một cây bút khắc nung. Việc làm sáng những đốm đen trên từng thớ gỗ còn cần đến cả máy đánh bóng. Phần còn lại như chọn màu sơn cánh gián, màu nâu, căn độ bóng lại đòi hỏi tới kỹ năng và độ nhạy cảm của người họa sĩ.
Chàng họa sĩ "chơi ngông"
Chia sẻ về kỹ thuật đốt gỗ thành tranh của mình, anh Sắc cho biết: “Dựa trên nguyên lý đơn giản dùng ngọn lửa để tạo độ đậm nhạt trên mặt gỗ, tôi điều chỉnh độ to nhỏ của ngọn lửa bằng bình khò lửa gas nhằm tạo nên độ đậm hoặc nhạt khi ngọn lửa bắt lên mặt tranh. Bên cạnh đó tôi dùng máy mài để xóa bỏ hoặc làm sáng lên những mảng màu hoặc chi tiết mình chưa ưng ý. Kỹ thuật tạo tranh đốt gỗ về cơ bản là không khác gì các chất liệu hội họa khác như sơn dầu, acrylic, sơn mài... Vấn đề là phải chủ động cách vẽ, các hiệu ứng để diễn giải cảm xúc, ý tưởng thông qua một tác phẩm cụ thể nào đó. Với đốt gỗ, cái đẹp của vân gỗ tự nhiên, cái duyên ấy luôn có sẵn và hiện hình mỗi khi chúng tiếp xúc với lửa”.
Điều thú vị khi làm tranh đốt gỗ, đó là tác phẩm được hình thành dựa trên sự chủ động về ý tưởng, kỹ thuật của tác giả và cái ngẫu nhiên của vân gỗ khi bắt lửa và hiện lên mặt tranh đôi khi rất ma mị, đôi khi cuốn hút và bất ngờ. Nó luôn làm tác giả bất ngờ, có khi theo chiều hướng tích cực, thú vị hơn những điều tưởng tượng trước đó, nhưng cũng có khi lại đặt tác giả ở tình huống muốn xóa hết để làm lại trên bề mặt gỗ khác.
“Với tôi chất liệu chỉ là cái cớ, tôi không quan trọng chất liệu mới hay cũ, ai làm chưa, làm bằng cái gì... mà quan trọng nhất vẫn là sử dụng nó ra sao để thể hiện cái nội dung và hình thức mình muốn chia sẻ. Tranh đốt gỗ hay tranh sơn dầu hay tranh với chất liệu tổng hợp... chẳng có gì khác nhau” - Ngô Văn Sắc thổ lộ.
Ngô Văn Sắc bên những bức tranh độc đáo của mình. |
Các nhân vật họa sĩ Ngô Văn Sắc thể hiện thuộc loại đa nhân cách, giống như tác phẩm. Về tâm cảnh, dùng lửa đốt trên gỗ tươi cũng là cách để hồi ức lại thuở nguyên sơ của con người, nơi thân thể và thiên nhiên còn hòa đồng.
Nói đến tranh đốt gỗ của họa sĩ Sắc, TS. Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, nhận xét: “Nhờ đồ họa, Ngô Văn Sắc đã đứng ra ngoài cách kể chuyện đơn tuyến, mà gần đến với đa tuyến, nó giống như nhiều thước phim, hay nhiều bức ảnh được bày hết lên mặt tranh, với một cấu trúc được tính toán cụ thể”.
Nổi tiếng trong giới họa sĩ không chỉ với nghệ thuật tranh đốt gỗ mà Ngô Văn Sắc còn được nhiều người biết đến với bộ sưu tập gần chục chiếc xe "độ" theo phong cách đặc biệt. Vốn được mệnh danh là họa sĩ "chơi ngông" khi theo đuổi thú chơi tốn kém này, nhưng anh lại không đặt nặng các yếu tố về công năng sử dụng cũng như chạy theo trào lưu sử dụng phụ kiện "độc", nhập ngoại để thay thế.
Anh quan niệm, chơi xe "độ" cũng như vẽ tranh, mỗi chiếc xe chính là nguồn cảm hứng để sáng tạo nên những phong cách, thể hiện ý tưởng cũng như quan điểm thẩm mỹ của họa sĩ.