Dow Jones lao dốc gần 400 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones trượt dài 396.61 điểm, tương đương 1%, xuống 39,170.24 điểm. Tại mức thấp nhất trong phiên, chỉ số này sụt hơn 500 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0.72% còn 5,205.81 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 0.95% xuống 16,240.45 điểm. Đây là phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 05/03/2024 đối với chỉ số Dow Jones và S&P 500.
Quý 2 của thị trường chứng khoán Mỹ đã có một khởi đầu khó khăn khi dữ liệu lạm phát ổn định vào cuối tuần trước và một số dữ liệu kinh tế mạnh mẽ vào ngày 01/04 đã đẩy lợi suất tăng cao và làm giảm khả năng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 6. Chứng khoán Mỹ chịu áp lực vào thứ Ba khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến lên mức cao nhất kể từ ngày 28/11/2023. Giá dầu cũng tăng vọt lên mức cao nhất được thấy cách đây 5 tháng.
S&P 500 đã leo dốc 10% trong quý đầu tiên, đánh dấu khởi dầu năm tốt nhất kể từ năm 2019, khi nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ giảm đủ để Fed bắt đầu hạ lãi suất trong khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Nasdaq Composite tăng 9% trong quý đầu tiên nhờ sự tăng giá của các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo như Nvidia.
Chứng khoán Mỹ sụt giảm vào thứ Ba sau khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE cốt lõi tháng 2 công bố vào ngày 29/03 cho thấy mức tăng 2.8% so với cùng kỳ năm trước, vẫn còn cách xa mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Trước đó, hôm 01/04, thước đo sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy sự tăng trưởng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022.
Chủ tịch Fed Mary Daly của khu vực San Francisco và Loretta Mester của khu vực Cleveland đều cho biết rằng họ dự kiến sẽ hạ lãi suất trong năm nay nhưng không mong đợi sẽ bắt đầu nới lỏng sớm. Theo công cụ CME FedWatch, xác suất Fed hạ lãi suất vào tháng 6 giảm từ 70% cách đây 1 tuần xuống còn 63%. Câu hỏi bây giờ là liệu động lực khởi đầu năm 2024 có thể tiếp tục hay không nếu Fed giữ nguyên lãi suất.
Dầu Brent đạt gần 89 USD/thùng
Khép phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 1.44 USD, tương đương 1.72%, lên 85.15 USD/thùng. Trong khi, hợp đồng dầu Brent thêm 1.53 USD, tương đương 1.75%, lên 88.94 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent phần lớn giao dịch trong phạm vi hẹp 75 – 85 USD/thùng kể từ đầu năm, nhưng rủi ro địa chính trị gia tăng cùng với dữ liệu kinh tế mạnh mẽ dường như đã thúc đẩy giá dầu Brent tăng cao hơn.
Iran, thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đã đổ lỗi cho Israel về vụ không kích chết người vào ngày 01/04 nhằm vào lãnh sự quán nước này ở thủ đô Damascus của Syria, khiến 7 công chức Iran thiệt mạng.
Tehran vào thứ Ba cam kết sẽ trả thù vụ tấn công, được coi là sự leo thang lớn trong cuộc chiến Israel – Hamas. Israel chưa tuyên bố trách nhiệm và một phát ngôn viên chính phủ cho biết họ sẽ không bình luận về các thông tin truyền thông nước ngoài, theo Sky News. Khả năng Iran tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Israel – Hamas có thể gây ra xung đột trên toàn khu vực với ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung dầu.
Ukraine vào thứ Ba đã tấn công một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga bằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào khu vực công nghiệp hoá cao Tatarstan ở phía đông nam Moscow, cách tiền tuyến cuộc xung đột khoảng 1,300 km.
Nga, một thành viên có ảnh hưởng của OPEC và các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, đã hứng chịu một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trong những tháng gần đây và đã tìm cách leo thang cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.