Dự án Bến Cát-Tham Lương-Rạch Nước Lên: Gian nan tìm vốn triển khai

(ĐTTCO) - Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đi qua 8 quận huyện được khởi động từ năm 2016, kỳ vọng sẽ cải tạo dòng kênh đen này thành dòng kênh trong xanh, tạo trục giao thông Bắc-Nam, tạo cảnh quan, nâng chất cuộc sống cho hàng chục ngàn hộ dân. 
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, đến nay giai đoạn 1 cơ bản đã xong, tuy nhiên giai đoạn 2 đang gặp nhiều khó khăn từ việc thu xếp nguồn vốn.
Kỳ vọng đổi thay dòng kênh chết
Dự án bắt đầu tư cống kiểm soát triều cường tại sông Chợ Đệm (huyện Bình Chánh) và kết thúc tại cống kiểm soát triều cường đổ ra sông Sài Gòn thuộc địa bàn quận Bình Thạnh. Tổng chiều dài toàn tuyến kênh hơn 31km, chạy qua địa bàn 8 quận, huyện (Bình Thạnh, quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 8, huyện Bình Chánh).
Đây là tuyến kênh dài nhất TPHCM hiện nay, dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo thành trục giao thông hướng Bắc - Nam, cải tạo cảnh quan và môi trường sống cho khoảng 2 triệu dân bị ảnh hưởng. Đến nay, giai đoạn 1 dự án đã được thực hiện xong, bao gồm các hạng mục nạo vét bùn, đất dưới lòng kênh với độ sâu 3-4m, tạo trục giao thông đường đất 2 bên bờ kênh. Có hơn 3.000 hộ dân trong dự án bị giải tỏa nhà cửa, hiện nay chỉ còn một số hộ nằm trên địa bàn quận Bình Tân còn vướng lại. 
Những ngày qua, đi dọc theo tuyến kênh tại một số khu vực qua địa bàn quận Bình Tân và quận 12, chúng tôi ghi nhận dưới kênh là dòng nước đen ngòm lừ đừ chảy đi, một số khu vực có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất các ống nước thải đen ngòm được đổ thẳng ra kênh.
Tuyến đi qua phường Tân Thới Nhất (quận 12), 2 bên kênh là những trục đường đất, tuy nhiên toàn bộ khu vực này bị ô nhiễm nặng do cả một khu đất rộng lớn đang là dự án “treo” đã trở thành nơi đổ chất thải, các cơ sở sản xuất chưa di dời, hạ tầng không được đầu tư, tu bổ tạo nên khung cảnh vô cùng nhếch nhác. 
Trao đổi với ĐTTC, ông Lưu Minh Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, cho biết lãnh đạo phường đã khuyến cáo người dân không xả rác ra khu vực này, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất để tránh việc xả thải thẳng ra dòng kênh. Tuy nhiên mọi việc vẫn diễn ra hàng ngày. Chính quyền và người dân địa phương mong muốn dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên sớm được đẩy nhanh tiến độ để khắc phục tình trạng ô nhiễm như hiện nay.
Dự án Bến Cát-Tham Lương-Rạch Nước Lên: Gian nan tìm vốn triển khai ảnh 1 Một đoạn kênh thuộc dự án Tham Lương- Bến Cát- Rạch Nước Lên đã hoàn thành giai đoạn 1. Ảnh: TR.GIANG 
Quyết tâm thực hiện 
Giai đoạn 2 của dự án trước đó đã được Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý tài trợ nguồn vốn 400 triệu USD. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do có sự khác biệt về quan điểm bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng giữa WB và UBND TPHCM, nên 2 bên đã thống nhất chấm dứt nguồn tài trợ này.
Giai đoạn 2 dự án có nhiều hạng mục quan trọng, mức đầu tư lớn, như Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; nhà máy xử lý nước thải Bình Tân… Bên cạnh đó, dự án còn có hạng mục đầu tư xây dựng 2 trục đường ven kênh cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật với kinh phí lên đến gần 10.000 tỷ đồng. 
Trước tình hình khó khăn về nguồn vốn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chấp thuận cho Trung tâm Điều hành Chống ngập TP (chủ đầu tư) tiếp tục thực hiện và hoàn thành các hạng mục công việc dở dang thuộc dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP, bằng nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TP.
Theo đó, các hạng mục thực hiện gồm khảo sát thiết kế bản vẽ thi công và dự toán kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; rà phá bom mìn và vật liệu nổ. Trung tâm chịu trách nhiệm về việc hoàn thành, sử dụng các số liệu đã nghiên cứu để làm cơ sở chuẩn bị cho việc kêu gọi đầu tư dự án theo quy định Nhà nước.
Theo Trung tâm Điều hành Chống ngập TPHCM, dự án cải tạo kênh Tham Lương - giai đoạn 2 cần huy động nhiều nguồn vốn với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, riêng dự án làm đường và các công trình hạ tầng kỹ thuật ven kênh sẽ thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và thanh toán bằng quỹ đất. 
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết đã đề xuất 9 khu đất để đổi cho nhà đầu tư thực hiện dự án làm đường ven kênh Tham Lương và đã được Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chấp thuận. Trong 9 khu đất trên có nhiều khu đất còn hộ dân sinh sống. Do đó UBND TP giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án làm đường ven kênh Tham Lương.

Các tin khác