Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng xuất khẩu (XK) thuỷ sản đạt gần 5 tỷ USD giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giảm sâu nhất vẫn là cá tra (giảm 36%), tôm và cá ngừ giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 7, XK thủy sản ước đạt 830 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, XK tôm giảm 10% đạt khoảng 345 triệu USD; cá tra đạt 150 triệu USD, giảm 20%; cá ngừ giảm nhẹ 3% và các loại cá khác giảm 12% so với tháng 7-2022.
Về góc độ thị trường, tín hiệu phục hồi rõ rệt nhất ở thị trường Trung Quốc, trong tháng 7 tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 180 triệu USD. XK sang các thị trường chính khác vẫn thấp hơn 5-40% so với tháng 7-2022.
Theo VASEP có 3 yếu tố quyết định kịch bản XK lạc quan trong nửa cuối năm. Thứ nhất, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu (NK) của các thị trường như Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.
Thứ 2, nội lực của DN và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.
Thứ 3, các sản phẩm XK có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác.
Với kịch bản thuận lợi đó, XK thủy sản 5 tháng còn lại năm 2023 có thể sẽ đạt khoảng trên 4 tỷ USD, khi đó tổng kim ngạch XK cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15-16% so với năm 2022. Trong đó, dự báo tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5-3,6 tỷ USD, giảm 16-18%; cá tra giảm 28%, đạt 1,7-1,8 tỷ USD; cá ngừ và mực, bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14-15% đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD; cá biển ước đạt 1,9-2 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.
Các thị trường chính chắc chắn sẽ vẫn mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, XK sang Mỹ và Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24-25% so với năm 2022, XK sang EU sẽ giảm 18%. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng GTGT và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.
Kịch bản kém lạc quan hơn là khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… Ngoài ra, các vấn đề của ngành chưa có giải pháp tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài: giá thành sản xuất cao vì các chi phí đầu vào như thức ăn nuôi và con giống cao, lợi nhuận sụt giảm, thiếu vốn để duy trì đầu tư nuôi các vụ tới, bà con bỏ ao, dẫn đến thiếu nguyên liệu đáp ứng đơn hàng nửa cuối năm…
Với kịch bản này, XK 5 tháng cuối năm chỉ có thể đạt được khoảng 3,5-3,7 tỷ USD. Như vậy, cả năm 2023, XK có thể chỉ mang về khoảng 8,5-8,7 tỷ USD.
Thậm chí, XK hải sản có thể sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của đoàn thanh tra EU vào tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ thẻ vàng.