Dự báo triển vọng cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021

(ĐTTCO)-Công ty cổ phần Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng năm 2021 sẽ tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.
Dự báo triển vọng cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021

Kết thúc năm 2020, dù phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, nhiều ngân hàng đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm. Năm 2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn nhưng giới phân tích vẫn nhìn nhận tích cực đối với hoạt động ngân hàng.

Trong báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 mới đây của Bộ phận phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), các chuyên gia cũng dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2021.

SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.

Các ngân hàng thương mại quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn (tăng 30%) so với ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 17,2%) do lợi nhuận trước thuế 2020 của các ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức thấp (giảm 6% so với 2019).

Theo SSI Research, các động lực tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chính trong năm 2021 bao gồm tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ hơn, nhờ mở rộng tín dụng và NIM (chỉ số phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng) cải thiện nhẹ.

SSI ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12 - 13% so với cùng kỳ. Năm 2021, SSI ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12-13% so với cùng kỳ.

Ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm từ 2-2,5% vào năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020.

Lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Môi trường lãi suất huy động thấp này sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn.

Các chuyên gia đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng đưa ra khuyến nghị khả quan cho nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng trong năm 2021 với quan điểm tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh.

BSC cho rằng lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất đi ngang và giảm áp lực chi phí dự phòng.

Dự báo về năm 2021, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng các ngân hàng sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế. VNDIRECT dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng vọt vào năm 2021 khi NIM cải thiện và tăng trưởng tín dụng cao hơn. 

VNDIRECT dự báo lợi nhuận ròng của các ngân hàng sẽ phục hồi trong 2021 với mức độ khác nhau. Giá cổ phiếu các ngân hàng đã tăng 32-85% kể từ mức thấp nhất vào quý 1/2020 và dần quay lại mức cuối năm 2019. Giá cổ phiếu các ngân hàng đang gần với giá trị hợp lý.

Tuy nhiên, năm 2021 cũng là 1 năm mà ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), nhóm ngân hàng lớn (AGR, VCB, BID, CTG) tiếp tục phải chịu áp lực giảm lãi suất đầu ra khi Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái thay đổi về chính sách điều hành. Do đó, biên lãi ròng NIM của nhóm này giảm trong năm 2020 so với năm 2019 và chưa thể hồi phục hoàn toàn trong năm 2021. 

Nhóm ngân hàng cổ phần năng động (ACB, MBB, TCB, VPB, VIB, TPB) là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao hơn về tín dụng do có nguồn lực tốt hơn (hệ số CAR cao, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại dồi dào) và quy mô nhỏ.

Ngoài ra, áp lực giảm lãi suất đầu ra thấp hơn nhóm ngân hàng lớn giúp cho nhóm này giữ được biên lãi ròng NIM cao và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan từ thu nhập lãi thuần. 

Nhóm phân tích đến từ VCBS cũng nhìn nhận, với dấu hiệu phục hồi tốt của dư nợ tái cơ cấu, nợ xấu gia tăng đến từ nhóm khách hàng này dự kiến ở mức 0,5-1% tổng dư nợ và sẽ có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã thực hiện trích lập mạnh mẽ trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập trong năm 2021.

Nợ xấu tăng lên sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng dần dần trong 2 năm 2021 và 2022 do dư nợ vẫn có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 5. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia BSC, các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tài sản chung của toàn ngành. Các khoản nợ nằm trong diện tái cơ cấu trong thời gian tới sẽ không cần giãn nợ và giảm lãi suất nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và các khoản nợ tái cơ cấu hiện tại sẽ trả được nợ và trở lại nợ nhóm 1.

Các chuyên gia BSC cũng nhìn nhận, việc sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 (Thông tư 01) trong thời gian tới có thể sẽ đi theo hướng hỗ trợ giảm bớt áp lực trích dự phòng khi nợ xấu của các khoản nợ tái cơ cấu có thể trích lập dự phòng trong vòng 3 năm.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu không có sửa đổi Thông tư 01 và với giả định khoảng 50% các khoản nợ tái cơ cấu trở thành nợ xấu, các ngân hàng hoàn toàn có thể sử dụng nguồn dự phòng để xử lý, do đó không ảnh hưởng đến vốn chủ và lợi nhuận của toàn ngành.

Các tin khác