Công nghệ kết nối… hụt hơi
Ông Phan Đình Huê, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, chia sẻ công nghệ đang giúp du lịch trở nên dễ dàng hơn khi du khách có thể tìm hiểu thông tin điểm đến, giao thông, an ninh trật tự, nhà hàng, khách sạn… qua các thiết bị như điện thoại. Thậm chí tại các điểm tham quan, du khách có thể tự trải nghiệm thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động.
Ở Việt Nam, để làm được Nhà nước cần đầu tư mạnh, vì đó không chỉ là câu chuyện của công nghệ mà còn là con người và kết nối dữ liệu. Các DN du lịch đa phần là DNNVV, chưa theo kịp về cả nhân sự và công nghệ trong quá trình này.
Tại TPHCM, vào tháng 4 vừa qua Sở Du lịch kết hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) xây dựng phần mềm (app) du lịch, nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch TP cho du khách trong và ngoài nước, với các tính năng tra cứu thông tin điểm đến, khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi, giải trí…
Dự kiến sau 6 tháng vận hành thử, 2 đơn vị này sẽ điều chỉnh tính năng và vận hành chính thức. Song đến nay khi tải và thử sử dụng app Vibrant Ho Chi Minh, nhiều chức năng tìm kiếm hầu như không có thông tin nào mà luôn ở trạng thái đang cập nhật và… sẽ phát triển trong tương lai.
Thực tế, hiện nay việc kết nối dữ liệu giữa các ngành, địa phương ở nước ta để số hóa rất khó bởi tình trạng mạnh ai nấy làm.
Trong khi đó, ngành du lịch có sự liên quan mật thiết với nhiều lĩnh vực như giao thông, thương mại, thuế, hải quan, hàng không… Chỉ riêng hạ tầng giao thông hiện nay của TPHCM cũng góp phần tạo thêm nút thắt cho ngành du lịch.
Làm sao để di chuyển thuận lợi nhất từ điểm tham quan này đến điểm tham quan khác đang là thách thức cho du khách đi tự túc. Đa phần trạm xe buýt thiếu hệ thống tương tác cung cấp thông tin lịch trình bằng tiếng Anh. Cũng chưa có ứng dụng nào hướng dẫn du khách về phương tiện di chuyển thuận lợi nhất.
Hay việc hoàn thuế hiện nay còn nhiều bất cập, liệu có thể số hóa trong bức tranh chung của DLTM hay không. Rồi vấn đề an ninh trật tự, du khách vẫn thiếu một địa chỉ có thể phản ánh ngay những khó khăn, bức xúc của mình khi đến du lịch tại TP.
Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng của du khách cũng đang thay đổi, chuyển từ tiền mặt sang thanh toán thẻ và dùng các ứng dụng trên thiết bị thông minh có thể chi trả. Trong khi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại TPHCM vẫn chưa phổ biến, khiến việc xây dựng chiến lược DLTM vẫn còn quá nhiều điểm cần bàn tới.
Bên cạnh đó, để làm được DLTM cần có những con người đủ trình độ để xử lý các dữ liệu số hóa. Thực tế trên cho thấy khó khăn khi thực hiện chiến lược DLTM không ít, nếu không có sự vào cuộc đồng bộ rất dễ trở thành phong trào.
Sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn
Sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn
DLTM chỉ giúp du khách thuận tiện hơn trong tiếp cận thông tin. Điều hấp dẫn du khách chính là các sản phẩm, dịch vụ du lịch, những nét văn hóa độc đáo của từng điểm đến. Ông Phan Đình Huê, TGĐ Công ty Du lịch Vòng tròn Việt |
Tại một hội thảo quốc tế về phát triển DLTM, ông Luigi Campanale, CEO Công ty Kiến trúc và Tư vấn kỹ thuật SCE Project Asia, nhận định: “Khách du lịch có nhiều thời gian, nếu chỉ để trải nghiệm công nghệ họ có thể làm điều đó ở nhà. Nếu địa điểm du lịch không có những khác biệt văn hóa, dù công nghệ có phát triển mạnh thế nào cũng không hấp dẫn và khiến họ quay trở lại”.
Nhìn lại các sản phẩm, dịch vụ của du lịch TPHCM gần như vẫn không có nhiều thay đổi, dù TP nỗ lực đưa ra những sản phẩm mới. Như việc đưa tuyến đường Bùi Viện trở thành phố đi bộ ban đầu được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng đến nay phố đi bộ Bùi Viện vẫn chỉ đơn thuần là phố ăn nhậu ban đêm phục vụ lượng nhỏ du khách trẻ, chi tiêu không nhiều.
Những món ăn ở đây cũng không mang đặc trưng ẩm thực TP. Việc quản lý an ninh trật tự ở phố đi bộ Bùi Viện vẫn lỏng lẻo nên thường xảy ra các vụ ẩu đả làm mất đi hình ảnh của du lịch TP.
Cách đây vài năm, TPHCM đưa ra các mô hình khu phố chuyên doanh để thu hút du khách tới mua sắm. Song hiện nay các khu phố này vẫn kinh doanh như thường lệ nhưng vắng bóng khách du lịch. Hoặc việc phát triển sản phẩm du lịch y tế cũng được nói nhiều nhưng làm chưa bao nhiêu. Làm sản phẩm đã thiếu chuyên tâm, quảng bá sản phẩm chưa được chú ý, nên du lịch TP vẫn chưa thật sự có sản phẩm đặc trưng.
“Nhìn qua Đài Loan thấy họ đang làm tốt phần sản phẩm chợ đêm cũng như công tác quảng bá truyền thông. Khi nhắc đến du lịch Đài Loan, du khách nghĩ ngay đến các khu chợ tấp nập vào ban đêm họ không thể bỏ bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm” - bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc tiếp thị Vietravel, chia sẻ.
Bên cạnh đó, các nét văn hóa độc đáo của TPHCM như những biệt thự cổ, ẩm thực đa dạng… lại chưa được chú ý phát triển xứng tầm. Xu hướng du lịch của du khách, nhất là du khách quốc tế đang có nhiều thay đổi, họ thích du lịch trải nghiệm. Nếu điểm đến đó có nhiều trải nghiệm hấp dẫn họ sẽ lưu trú lâu hơn, sẽ quay trở lại và giới thiệu cho nhiều du khách khác thông qua web đánh giá điểm đến và ngược lại.
Bởi lẽ, công nghệ suy cho cùng cũng chỉ là thế giới ảo, nếu ảo không kết nối với thực, du lịch sẽ không thể phát triển.