Du lịch vẫn chưa định vị sản phẩm đặc trưng

(ĐTTCO) - Năm 2022 ngành du lịch không đạt mục tiêu thu hút khách quốc tế nhưng ghi nhận sự bùng nổ của khách nội địa. Dự báo trong năm 2023 khách nội địa vẫn là động lực chính của ngành.
Tour du lịch trực thăng ngắm TP từ trên cao là một trải nghiệm mới của TPHCM.
Tour du lịch trực thăng ngắm TP từ trên cao là một trải nghiệm mới của TPHCM.

Nhưng với sự trở lại của du lịch outbound (người Việt ra nước ngoài), việc tìm kiếm sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn trở nên quan trọng hơn lúc nào hết. Nó không chỉ níu chân khách nội còn giúp thu hút khách quốc tế quay lại Việt Nam.

Cần sản phẩm du khách “phải trải nghiệm”

Du lịch Việt Nam năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa, khi đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với kế hoạch và vượt xa mức đỉnh thời điểm trước dịch năm 2019 (85 triệu lượt). Lý do lớn nhất cho sự bùng nổ lượng khách nội địa là khi Việt Nam mở cửa nhiều quốc gia trong khu vực đóng. Sau đó, dù các quốc gia từng bước mở cửa nhưng việc di chuyển xa hạn chế, giá thành tour cao, mức độ an toàn chưa đảm bảo, đã khiến khách Việt chọn du lịch trong nước.

Một mùa hè bùng nổ đã giúp 6 tháng đầu năm 2022 du lịch nội địa vượt mục tiêu cả năm (60 triệu lượt) và khép lại năm với con số đầy ấn tượng. Song khi nhìn lại sản phẩm các địa phương mang đến cho du khách, dù đã được làm mới, vẫn thiếu những sản phẩm mang tính đặc trưng để du khách “phải trải nghiệm” khi đến.

2022 được xem là năm thành công của du lịch TPHCM khi dẫn đầu top 10 điểm đến yêu thích nhất năm. Cả năm TPHCM đón 25 triệu lượt khách nội địa và 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Đây cũng là năm bận rộn của ngành du lịch TP khi tung ra nhiều sản phẩm mới và làm mới sản phẩm cũ. Trong đó, chiến lược mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng được xem là điểm nhấn mới. Chưa hết, du lịch TP còn mang đến các sản phẩm mới như tour trực thăng ngắm TP từ trên cao, trải nghiệm ngắm TP trên khinh khí cầu, tour du thuyền…

Tuy vậy, nếu hỏi đâu là sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của TP, sản phẩm khi khách đến đều phải trải nghiệm để cảm nhận, lại không dễ trả lời. Đó là chưa nói tới việc phát triển các sản phẩm, du lịch giải trí về đêm tưởng là thế mạnh của TPHCM nhằm kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn, nhưng đến nay vẫn còn là khoảng trống.

Không chỉ từng địa phương, mà cả khu vực cũng loay hoay trong việc tìm nét riêng, sản phẩm đặc trưng của vùng, của mỗi địa phương để khách lưu trú dài hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Miền Trung là điển hình.

Các địa phương ở khu vực miền Trung sở hữu những bãi biển đẹp, nhiều di sản văn hóa nhưng sản phẩm vẫn khá đơn điệu, trùng lặp và tính liên kết giữa các địa phương lỏng lẻo, dù có khá nhiều hội nghị kết nối đã được diễn ra.

Việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn là yếu tố quan trọng để níu chân du khách. Đáng tiếc, đây vẫn là điểm yếu của nhiều địa phương, nhiều khu vực, thậm chí của cả ngành du lịch Việt Nam.

Trong một lần trao đổi cùng ĐTTC, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company (công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch, khách sạn), cho rằng mỗi địa phương có những đặc trưng riêng, để khi nhắc tới du khách có thể nhớ đến ngay.

Vì thế, chỉ nên tập trung xây dựng sản phẩm bắt đầu bằng thế mạnh đó, không nên dàn trải quá nhiều sản phẩm. “Nguồn lực dành cho du lịch có hạn nên cần có chiến lược dài hơi tập trung vào thế mạnh của mình, hiệu quả sẽ rõ nét hơn. Địa phương nào mang đến quá nhiều sản phẩm đôi khi lại không có gì mang đến cho du khách” - ông Phước đánh giá.

Duy trì sự phát triển bền vững

Bước qua năm 2023, theo dự báo du lịch nội địa vẫn là động lực chính cho phát triển du lịch Việt Nam. Ngành du lịch đưa ra mục tiêu đón 102 triệu lượt khách nội địa. Thế nhưng đây cũng là năm các thách thức trong việc thu hút và duy trì nguồn khách này bắt đầu xuất hiện. Trước hết phải kể đến việc trở lại sôi động của các tour outbound sẽ tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ cho các điểm đến trong nước.

Ngoài ra, nỗi lo về khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 cũng sẽ trở thành rào cản trong việc cân nhắc trước mỗi chuyến du lịch của du khách. Du khách sẽ muốn nhiều hơn khi đi du lịch. Việc xây dựng sản phẩm du khách “phải trải nghiệm” sẽ là yếu tố níu chân du khách đầu tiên.

Thế nhưng như phân tích phía trên, đây vẫn là điểm yếu của nhiều địa phương, nhiều khu vực, thậm chí nó là điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam nói chung. Nếu mỗi địa phương và toàn ngành du lịch không sớm khắc phục, không chỉ mất đi lượng khách nội địa tiềm năng, mà việc đón khách quốc tế trở lại cũng gặp nhiều thách thức.

Nói thêm về việc xây dựng sản phẩm du lịch Việt nhắc đến là nhớ, khách đến “phải trải nghiệm” nhằm thu hút khách quốc tế. Thời điểm khi Việt Nam chính thức mở cửa thị trường, câu chuyện này đã được bàn tới với sự góp ý của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia. Nhiều ý kiến cho rằng một trong những thế mạnh của Việt Nam là di sản văn hóa.

Trong năm 2022, tại lễ trao giải thưởng du lịch thế giới, Việt Nam cũng đoạt giải điểm đến di sản hàng đầu thế giới. Trước đó trong 2 năm 2019 và 2020 cũng có giải thưởng này. Thế nhưng, cho đến nay việc phát triển sản phẩm di sản gần như chưa có nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Hay như sản phẩm chăm sóc sức khỏe từng được phân tích là thế mạnh của Việt Nam để thu hút du khách, nhưng đến nay cũng còn bỏ ngỏ.

Cùng với việc phát triển sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của từng địa phương, phát triển du lịch nội địa bền vững cần giải quyết nhiều tồn tại vốn đã ăn sâu trong ngành du lịch Việt, như nạn chặt chém, chèo kéo du khách. Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng từng thẳng thắn chỉ ra thực trạng khai thác du lịch nội địa với tâm lý “nội địa”, cũng như có sự dễ dãi trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Ông Hùng nhấn mạnh tại thời điểm này có thể khai thác, nhưng về lâu dài có thể không đáp ứng được. Giải quyết những tồn tại này không dễ nhưng nếu giải quyết được tận gốc, không chỉ khách Việt bỏ đi suy nghĩ đến một lần rồi thôi, mà ngay cả du khách quốc tế cũng muốn quay trở lại.

Năm 2023, song hành với mục tiêu duy trì sự phát triển của mảng du lịch trong nước, ở mảng khách quốc tế ngành du lịch cũng đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách. Bên cạnh hy vọng sự trở lại của khách Trung Quốc, những chuyển biến nội tại của chính ngành du lịch Việt Nam sẽ là động lực để toàn ngành hoàn thành mục tiêu đề ra.

Các tin khác