Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững được ban hành ngày 18/5 vừa qua đã trở thành kim chỉ nam cho ngành du lịch hậu COVID-19.
Đặc biệt, tháng Sáu vừa qua, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua chính sách visa mới, gỡ được nhiều nút thắt và được ví như cú hích cho ngành du lịch nước nhà. Doanh nghiệp “thở phào” phấn khởi.
Có thể nói, ngành kinh tế xanh Việt Nam đang đứng trước vận hội mới với nhiều điều kiện thuận lợi để bứt tốc. Nắm bắt cơ hội này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết Hiệp hội đã lên kế hoạch hành động bài bản.
Kế hoạch hành động của cộng đồng doanh nghiệp
- Sau Nghị quyết số 82 và chính sách visa mới Quốc hội vừa thông qua đã thông thoáng hơn, Hiệp hội Du lịch có kế hoạch hành động ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Vũ Thế Bình: Chính phủ đã có chỉ thị hết sức quan trọng, đó là Nghị quyết 82. Vì thế, giống như các ngành kinh tế khác, du lịch cũng có trách nhiệm phải nhanh chóng phục hồi và tăng tốc phát triển.
Nghị quyết số 82 đã nêu rõ những nhiệm vụ mà ngành du lịch phải thực hiện. Để triển khai hiệu quả nghị quyết, Hiệp hội Du lịch đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết với những nội dung trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể.
Trong chương trình hành động này Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đã vạch ra những vấn đề cụ thể như điều chỉnh lại thị trường, xây dựng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch, triển khai công tác xúc tiến quảng bá du lịch và đặc biệt là nghiên cứu nhu cầu thay đổi của khách quốc tế để kịp thời đáp ứng.
Chúng tôi cũng sẽ thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra cho ngành: Phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đặt mục tiêu khai thác nhanh và hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Kế hoạch của Hiệp hội Du lịch Việt Nam còn đề ra các nhiệm vụ quan trọng như: Đa dạng hóa thị trường du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch; phát hiện, tổng hợp ý kiến và đề xuất kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp…
Hiệp hội cũng phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch theo phương châm: “Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp -Thủ tục thuận tiện, đơn giản-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch, đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.”
Chúng tôi tin rằng qua 6 tháng đầu năm với lượng khách quốc tế đạt gần 5,7 triệu lượt, tới cuối năm ngành du lịch sẽ cán đích mục tiêu 8 triệu. Song, kỳ vọng của cả Chính phủ sẽ không chỉ dừng ở con số này, do đó các doanh nghiệp cần nhận thức được rằng phải cố gắng nhiều hơn nữa, đạt con số 10 triệu, 12 triệu để tương xứng với tiềm năng và nỗ lực của toàn ngành.
- Để nhanh chóng bứt tốc sau Nghị quyết số 82, theo ông doanh nghiệp du lịch cần tập trung đổi mới gì và đẩy mạnh các loại hình du lịch nào cho phù hợp xu thế toàn cầu?
Ông Vũ Thế Bình: Nội dung quan trọng nhất là cấu trúc lại doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh. Theo đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp du lịch hội viên cấu trúc lại bộ máy điều hành doanh nghiệp gắn liền với chuyển đổi số, cơ cấu lại hệ thống nhân lực theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; xây dựng hệ sinh thái du lịch của doanh nghiệp hướng tới nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm gắn với thương hiệu của doanh nghiệp.
Trong giai đoạn mới, du lịch Việt cần tập trung đẩy mạnh các loại hình: Du lịch MICE, du lịch thể thao; du lịch chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp; du lịch mua sắm; du lịch ẩm thực; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch nông nghiệp và nông thôn; du lịch mạo hiểm, du lịch thông minh…
Các doanh nghiệp cần tập trung đổi mới, nâng cấp sản phẩm cũ, chọn và xây dựng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách trong giai đoạn mới. Các sản phẩm du lịch được xây dựng theo định hướng du lịch xanh và bền vững, quan tâm sâu sắc đến bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải nhựa; tập trung xây dựng và phát triển ẩm thực Việt Nam trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu.
Visa chỉ là khởi đầu
- Theo ông, ngành du lịch cần có sự chuyển biến về chất như thế nào trong thời gian tới, để mục tiêu không chỉ là những con số 8-10-12 triệu khách như ông vừa nhắc đến?
Ông Vũ Thế Bình: Sau COVID-19, nhu cầu du lịch của thế giới thay đổi, đường lối phát triển du lịch của các nước đều có những điều chỉnh, đó cũng là vấn đề chúng ta đang đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam.
Hiện, ngành du lịch đặt vấn đề đầu tiên là sản phẩm du lịch nào hấp dẫn nhất, phục vụ tốt nhất cho khách du lịch; dịch vụ phục vụ khách thế nào cho họ hài lòng nhất. Khách du lịch họ trân trọng thời gian, trân trọng cuộc sống nên đòi hỏi phải có dịch vụ tốt nhất, đó là cái chúng ta đang yếu.
Do đó, toàn ngành phải nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ và những sản phẩm phù hợp nhất với từng thị trường khách. Bên cạnh đó còn rất nhiều việc phải làm, như sự phối hợp giữa các ngành ra sao, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch làm thế nào kết hợp hài hòa để đảm bảo giá thành phù hợp.
Cạnh tranh về giá không còn là yếu tố quyết định trong giai đoạn tới nhưng vẫn là hấp dẫn khách du lịch. Nên các doanh nghiệp cũng cần liên kết để tạo ra mức giá hợp lý cho các dịch vụ phục vụ từ khách nội địa đến khách quốc tế.
- Ông đánh giá thế nào về tác động của chính sách visa mới mà Quốc hội vừa thông qua và ảnh hưởng của Nghị quyết 82 tới lộ trình bứt tốc của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam?
Ông Vũ Thế Bình: Chính sách visa mới mà Quốc hội vừa thông qua là động lực quan trọng cho du lịch Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, chúng ta không thể mong chờ việc ra một chính sách đã ngay lập tức có lượng khách tăng vọt lên được. Thứ nhất, về chính sách, chúng ta còn phải chờ những văn bản quy định hướng dẫn mới có thể triển khai luật mới sửa đổi; thứ hai, ngành du lịch cũng cần có sự chuẩn bị để truyền thông, quảng bá đổi mới này tới tất cả các thị trường khách.
Hội An là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Đồng thời với đó là toàn ngành phải chuẩn bị các sản phẩm du lịch thích ứng phù hợp với những thị trường mà ta sẽ tập trung. Quá trình này sẽ kéo theo độ trễ, nên lượng khách du lịch sẽ chưa thể tăng trưởng ngay được.
Nhưng chính sách mới này sẽ mở ra cho ngành du lịch một con đường, giai đoạn 5 năm tới chắc chắn lượng khách sẽ tăng rất cao. Lượng khách có tăng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà visa chỉ là yếu tố mở đầu, như lời mời du khách đến với Việt Nam.
Khách đến sẽ thưởng thức gì, vui vẻ ra sao, có cảm thấy thích thú để chi nhiều tiền, có ở lâu không… đó mới là mục tiêu thực sự của ngành du lịch. Trách nhiệm đó thuộc về ngành du lịch, thuộc về các doanh nghiệp du lịch và những người cung cấp dịch vụ. Bản thân ngành du lịch không thể làm một mình trên hành trình này, mà cần các ngành nghề liên quan cùng đồng hành để khai thác tốt nhất những lợi thế mà chính sách mới mang lại.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.