Du lịch Việt vẫn lo trước ngày mở cửa

(ĐTTCO) - Ngày 15-3 tới, du lịch Việt Nam sẽ chính thức mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới. Thế nhưng xung đột giữa Nga - Ukraine và cảnh báo mới nhất của CDC Mỹ, có thể trở thành những thách thức không nhỏ cho sự trở lại lần này của ngành du lịch. 
Xung đột giữa Nga - Ukraine, cảnh báo của CDC Mỹ và quy định mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam sẽ là nỗi lo cho ngành du lịch trước ngày mở cửa 15-3.
Xung đột giữa Nga - Ukraine, cảnh báo của CDC Mỹ và quy định mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam sẽ là nỗi lo cho ngành du lịch trước ngày mở cửa 15-3.
Ảnh hưởng khó tránh
Ngày 2-3, Bộ Ngoại giao Nga công bố khuyến nghị của Cơ quan Du lịch Liên bang Nga về việc đi du lịch nước ngoài, trong bối cảnh nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với Matxcơva. Theo đó, Nga đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch an toàn và không đưa ra bất kỳ hạn chế nào đối với Nga. Các quốc gia trong danh sách này còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Tunisia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ấn Độ. Như vậy khách Nga đến Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng? Song thực tế, theo chia sẻ của một số DN chuyên đón khách Nga đến Việt Nam, đã có một lượng khách Nga bắt đầu hủy tour du lịch, khiến tần suất các chuyến bay đón khách Nga phải giảm xuống. 
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle, cho rằng việc khách Nga hủy tour không có gì bất ngờ. Trong bối cảnh xung đột, người dân sẽ có tâm lý bất an cộng thêm việc chưa biết nền kinh tế sẽ ra sao, túi tiền của mình bị ảnh hưởng như thế nào nên không thể thoải mái đi du lịch được. Như vậy, trong ngắn và trung hạn lượng khách Nga đến Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và tác động đến mảng du lịch quốc tế của Việt Nam. 
Trước dịch Covid-19, tỷ trọng khách du lịch từ Nga tới Việt Nam chỉ ở mức 2-3%. Nhưng trong 2 tháng đầu năm 2022, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, tỷ trọng khách du lịch từ Nga đã tăng lên 7-8%, đứng thứ 3 trong số các quốc gia có khách du lịch tới Việt Nam. Thực tế lâu nay khách Nga không phải thị trường trọng điểm của toàn ngành du lịch, mà chỉ là trọng điểm của một số địa phương như Phan Thiết và gần đây là Nha Trang. Như vậy nếu khách Nga giảm mạnh sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các địa phương này. Điều này nhắc lại tiếng chuông cảnh báo đừng quá phụ thuộc vào một thị trường khách du lịch. 
Xung đột Nga - Ukraine không chỉ ảnh hưởng tới lượng khách Nga tới Việt Nam, còn dễ gây ra ảnh hưởng tới lượng khách từ nhiều khu vực khác, vì chưa biết các đường bay bị ảnh hưởng như thế nào, tình hình kinh tế chung ra sao, nên các kế hoạch du lịch có thể bị gác lại nhường chỗ cho những nhu cầu thiết yếu hơn. 
Chưa hết, du lịch Việt Nam lại đón thêm tin không vui khi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ cảnh báo công dân không nên đi du lịch đến nhiều quốc gia có mức độ dịch bệnh Covid-19 lớn, trong đó có Việt Nam. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thu hút du khách Mỹ trong thời gian tới, còn khiến du khách nhiều quốc gia khác phải xem xét đến độ an toàn khi đến Việt Nam du lịch sau khi chúng ta mở cửa hoàn toàn vào ngày 15-3.
 Cảnh báo của CDC Mỹ cũng sẽ gây bất lợi cho chiều đưa khách Việt ra nước ngoài du lịch, vì các quốc gia có thể sẽ yêu cầu những điều kiện kiểm soát ngặt nghèo hơn với du khách Việt. 

Thị trường nội địa vẫn là trụ cột
Xung đột Nga - Ukraine, khuyến cáo của CDC Mỹ là những tác động từ bên ngoài, còn ngay trong nội tại trước khi chính thức mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang ngóng những quy định từ các bộ ngành liên quan đến việc đón khách quốc tế an toàn. Mới nhất, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) góp ý kiến về dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, những hy vọng về sự thông thoáng trong phương án đón khách, như khách quốc tế được tham gia du lịch như khách nội, sau khi nhập cảnh được tham gia du lịch ngay mà Bộ VH-TT-DL đang xây dựng không được Bộ Y tế đồng thuận. Điều này đang tạo thêm lo ngại cho các DN khi ngày mở cửa đang đến gần. Mảng hút khách quốc tế dường như vẫn quá chông chênh. 
“Mặc dù chúng ta sẽ chính thức mở cửa vào ít ngày tới đây, nhưng trước nhiều diễn biến như hiện nay, ít nhất hết năm nay khách nội địa vẫn là trụ cột cho ngành du lịch Việt Nam” - ông Phan Đình Huê nhấn mạnh. Nhìn lại mùa du lịch Tết Nguyên đán vừa qua có khá nhiều con số khiến ngành du lịch như lấy lại được tinh thần sau liên tiếp những ảnh hưởng từ dịch bệnh. Theo đó, 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ngành du lịch đã đón hơn 6 triệu du khách nội địa với doanh thu 25.000 tỷ đồng. Riêng TPHCM, địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt dịch hồi năm 2021, mang về doanh thu 3.100 tỷ đồng. Các công ty lữ hành lớn của TPHCM cũng ghi nhận những lượng khách không nhỏ, như lữ hành Saigontourist phục vụ hơn 6.800 khách, Vietravel đã đón khoảng 5.000 lượt khách. TST tourist cũng có số lượng khách khởi hành trong và sau Tết Nguyên đán ấn tượng, đạt trên 1.000 khách… 
Chia sẻ kỳ vọng phát triển của ngành du lịch trong năm 2022, ông Lại Minh Duy, Tổng giám đốc Công ty TST tourist cho biết, trong năm 2022, công ty vẫn sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa lẫn quốc tế. Trong đó, thị trường nội địa tập trung phát triển các điểm đến có nhiều ưu đãi, chính sách và cách xử lý tình hình đối với dịch bệnh tốt nhất. Ngoài TPHCM, nhiều địa phương đã ghi nhận công suất phòng nghỉ tới hơn 90%, thậm chí một số ít địa phương không còn đủ phòng đón khách trong những ngày nghỉ tết. 
Du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng thu hút nhiều du khách trong dịp tết vừa qua, tiêu biểu như Trà Vinh. Theo ghi nhận của tỉnh này trong 8 ngày tết vừa qua doanh thu đã vượt kỷ lục cả giai đoạn trước dịch Covid-19. Cụ thể, nếu thời điểm 2019 doanh thu từ du lịch của Trà Vinh chỉ khoảng 1 tỷ đồng/ngày, thì trong dịp tết doanh thu tăng lên khoảng 5 tỷ đồng/ngày.
Dĩ nhiên cũng còn không ít lo ngại cho cả du lịch nội địa vì ngay sau tết tình hình dịch bệnh tại một số địa phương, nhất là các tỉnh phía Bắc gia tăng. Song nhiều DN tin tưởng với tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cao, người dân không quá lo ngại và kinh nghiệm trong đợt dịch trước chúng ta sẽ sớm vượt qua giai đoạn này. 

Các tin khác