(ĐTTCO)-Chiều ngày 16-11, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Mở đầu phiên chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tin vui, tính đến nay dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng kỷ lục, đạt 46 tỷ USD. Tính riêng các tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được 7 tỷ USD cho Quỹ dự trữ ngoại hối. Trong đó, chỉ tính từ đầu kỳ họp tới nay đã mua được 1 tỷ USD.
Trả lời ĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) về một số vướng mắc trong xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định Nghị quyết 42 của Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp trước là khuôn khổ quan trọng và hữu ích để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Nghị quyết mới có hiệu lực từ 15-8-2017 và đến nay ngành ngân hàng đã có một số giải pháp triển khai cụ thể.
Về tồn tại vướng mắc như đại biểu Hà Thị Minh Tâm nêu là kê biên tài sản (thế chấp các khoản nợ xấu) liên quan đến một số vụ án, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) và Công ty VAMC tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để tiếp nhận các tài sản đó.
"Thời gian tới đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của các TCTD. Về các khoản nợ xấu hồ sơ pháp lý không đầy đủ, Thống đốc cho biết chủ yếu liên quan đến các khoản nợ bất động sản. Trong kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, đây cũng là vấn đề ưu tiên xử lý. Các TCTSD sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng, các địa phương để xử lý sớm nhất.
Trả lời ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) về tăng trưởng tín dụng góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP như thế nào, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, căn cứ vào nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tín dụng năm 2017 với định hướng tăng khoảng 18% có điều chỉnh linh hoạt phụ thuộc vào các yếu tố khác của nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng 13,66%, cao hơn một chút so với năm 2016; nhưng không đột biến.
"Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng và quan trọng nữa là tín dụng phải đi vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng đã báo cáo rõ cơ cấu tín dụng. Nhìn vào cơ cấu này, chúng ta thấy tín dụng đã tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, tức là tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, nông nghiệp, xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ…" - Thống đốc Lê Minh Hưng nói và cam kết từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy mô của nền kinh tế và không gây áp lực lên bất ổn kinh tế vĩ mô, đặc biệt là áp lực lên lạm phát.
Về ý kiến của ĐB Ánh Tuyết cho biết một số DN khó khăn khi tiếp cận gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết quá trình triển khai chính sách tín dụng cho vấn đề này mới được 6 tháng, dư nợ đến nay đạt 36.000 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn dài chiếm xấp xỉ 60%. Như vậy đã là khá cao. DN tiếp cận được là 6.400 khách hàng.
Theo Thống đốc, có một số lý do khiến DN còn khó tiếp cận vốn như khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, một số DN có nhu cầu đầu tư nhưng giấy chứng nhận tài sản trên đất để thế chấp ngân hàng còn khó khăn nhất định. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT tháo gỡ vấn đề này.
Chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng, ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng lượng vàng, ngoại tệ trong dân đang khá lớn, nếu huy động được sẽ giúp có thêm nguồn lực đưa vào sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để huy động nguồn lực này?
Trong khi đó, ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) đặt một loạt câu hỏi chất vấn, từ chuyện huy động vàng trong dân từ câu chuyện của vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô, đến chuyện nguy cơ gửi tiền tỉ mà chỉ được bồi thường 75 triệu đồng khi ngân hàng phá sản, đến chuyện quản lý đồng tiền ảo bitcoin. ĐB Lê Công Nhường nhấn mạnh thông tin trong dân hiện đang có khoảng 500 tấn vàng và hơn 10 triệu USD, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách huy động đồng thời cam kết tiền gửi người dân sẽ được bảo đảm trong trường hợp ngân hàng phá sản.