Dự trữ ngoại tệ đạt 23 tỷ USD

Theo bản tin nghiên cứu thị trường của ngân hàng BIDV, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã vọt lên khoảng 22 đến 23 tỷ USD, tương đương 11,5 tuần nhập khẩu. Tuy nhiên, tấm lá chắn này đang đứng trước nhiều thách thức.

Theo bản tin nghiên cứu thị trường của ngân hàng BIDV, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã vọt lên khoảng 22 đến 23 tỷ USD, tương đương 11,5 tuần nhập khẩu. Tuy nhiên, tấm lá chắn này đang đứng trước nhiều thách thức.

 

Đầu năm đến nay, theo dõi hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường đều thấy xu hướng mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước kéo từ tháng này qua tháng khác.

Kể cả trong tháng 8-2012, khi thị trường “gặp nạn” bởi ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện bắt giữ “bầu Kiên” và Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải thì Ngân hàng Nhà nước thì vẫn mua ròng tới 600 - 700 triệu USD.

Từ những yếu tố kỹ thuật tạo nên sự ổn định của tỷ giá và sự dồi dào của dự trữ ngoại hối, nhóm phân tích của BIDV cho rằng, yếu tố đầu tiên phải kể đến là mối tương quan giữa xuất khẩu và nhập khẩu.

Nếu cả năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu là 106,74 tỷ USD, xuất khẩu 96,9 tỷ USD thì đến tháng 6/2012 lần lượt hai con số trên là 53,7 tỷ USD và 52,9 tỷ USD. Điều này cho thấy, sự suy yếu của nhập khẩu, dẫn đến nhập siêu trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ 0,8 tỷ USD, mức quá thấp so với 9,84 tỷ USD của nhập siêu năm 2011.

Đây là yếu tố then chốt giữ cho tỷ giá không lồng lên như nhiều thời điểm trước đó.

Tiếp đó, những thành tố khác trong cán cân thanh toán tổng thể để hỗ trợ tỷ giá như FDI vẫn giữ được “phong độ”: giải ngân FDI 6 tháng năm 2012 đạt 5,4 tỷ USD so với 11 tỷ USD của cả năm 2011. Mặc dù không phải mùa kiều hối nhưng 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối ước tính đạt 4 tỷ USD trong khi cả năm 2011 cũng chỉ đạt 9 tỷ USD.

Ngoài ra, giải ngân vốn ODA khoảng 0,6 tỷ USD, vốn FII ròng gần 1 tỷ USD cũng là những đóng góp khích lệ so với những thành tố khác trong bảng cân đối cán cân thanh toán tổng thể.

Trong số những yếu tố trên, sự suy giảm của nhập khẩu được coi là quan trọng nhất để tỷ giá ổn định, nhưng đó lại là mặt sau đầy tiêu cực của bức tranh đầu tư.

Trong bối cảnh Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu giảm tổng cầu để kiềm chế lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô tiếp tục rình rập, lãi suất ngân hàng dù giảm mạnh nhưng vẫn bị cho là quá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, đã khiến nhiều dòng vốn của thị trường bị tê liệt.

Tuy nhiên, còn một yếu tố nữa là sự “đánh vật”, co kéo của Ngân hàng Nhà nước với thị trường... Trước hết, chính là hoạt động bơm/hút VND tương đối nhịp nhàng và hợp lý để giữ thanh khoản cho hệ thống.

Tiếp đó, ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1623/QĐ-NHNN và Thông tư 24/TT-NHNN. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xác định Nhà nước độc quyền vàng miếng và hối thúc SJC tăng công suất vàng miếng để tung ra thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục tháo gỡ hầu hết những ngăn trở về chính sách để phía nắm giữ ngoại tệ tiếp tục bán ra.

Mặc dù dự trữ ngoại hối vươn lên mức 23 tỷ USD, nhưng sau con số này vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu BIDV, CPI của tháng 8-2012 tăng 0,63% so với tháng 7/2012 và đà tăng này được dự báo sẽ còn duy trì trong những tháng tiếp theo bởi giá điện, xăng dầu tăng trong thời gian qua và tâm lý mùa vụ cuối năm.

Có thể Ngân hàng Nhà nước buộc phải nới lỏng tiền tệ hơn, lạm phát sẽ bộc lộ rõ hơn và tác động lên tâm lý thị trường, kích thích tâm lý nắm giữ ngoại tệ quay lại. Mặt khác, lãi suất hiện vẫn ở mức được cho là quá cao với doanh nghiệp nên thời gian tới, lãi suất tiền gửi phải giảm sâu hơn mức 9%/năm hiện tại.

Như vậy, khoảng cách chênh lệch lãi suất USD - VND bị thu hẹp bớt, lực lượng nắm giữ ngoại tệ sẽ hạn chế bán ra, nguồn cung ngoại tệ của thị trường ít nhiều sẽ bị tổn thương.

Theo tính chất mùa vụ, cuối năm là thời điểm gia tăng nhu cầu nhập khẩu phục vụ hoàn công dự án, công trình; thanh toán đơn hàng cho đối tác; nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết âm lịch..., sẽ làm tăng cầu ngoại tệ, gây áp lực lên tỷ giá.

Cuối cùng là yếu tố tâm lý thận trọng, thăm dò hiện đang bao trùm lên thị trường.

Có thể thấy rằng, mặc dù tỷ giá đã vượt qua giai đoạn khó khăn, mức giá mua vào bán ra lần lượt là 20.830 VND/USD - 20.870 VND/USD so với 20.880 VND/USD -20.950 VND/USD của ngày 24-8 nhưng nếu mất cảnh giác, lực lượng đầu cơ sẽ lập tức tạo sóng, gây khó khăn cho quản lý ngoại hối.

Lúc đó, ngoại tệ dự trữ sẽ bốc hơi nhanh như khi chúng được mua vào, nhất là trong bối cảnh thặng dư cán cân thương mại, yếu tố bền vững cân bằng cán cân thanh toán tổng thể đang vẫn còn là mong muốn.

Các tin khác