Trong 5 năm (2016-2020), nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI được thực hiện trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ngành công thương Hà Nội đã vượt qua và đạt được kết quả đáng kích lệ.
Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2025, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại. Đặc biệt, phấn đấu đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại, giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.
Đối với lĩnh vực thương mại, ngành công thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng các chương trình, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các loại hình thương mại theo quy hoạch ngành, nhất là đầu tư các hệ thống phân phối, bán hàng hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị…
Theo đó, ngành Công Thương Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ phát triển thêm: 5 trung tâm bán buôn cấp vùng, 10 trung tâm mua sắm cấp vùng, 12 trung tâm logistics, 68 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, 850 siêu thị và 140 chợ; trong đó bao gồm 5 chợ đầu mối góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước
Trong giai đoạn 2016-2020, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố: năm 2016 đóng góp 1,02 điểm % vào mức tăng 7,16% của GRDP (chiếm 15,2%), đến năm 2019 đóng góp 1,42 điểm % vào mức tăng 7,63% của GRDP (chiếm 18,64%).
Năm 2020, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp duy trì tăng 4,91%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm vào mức tăng 3,98% GRDP (chiếm 17,3%). Trung bình 5 năm 2016-2020 giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 8,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%) và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 8,4%. Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học.
Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT với 6.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn và có 2 trên tổng 5 khu công nghệ công nghiệp thông tin tập trung của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghệ cao, thiết bị thông minh được sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Cùng với đó, hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển; đã có 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 70 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định; 43 cụm công nghiệp thành lập mới. Tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ phát triển, 1.350 làng nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, Phó Bí thư Đảng ủy Sở Công Thương Hà Nội cho biết trước tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề trên cấp độ toàn cầu, tác động toàn diện đến các mặt của đời sống xã hội Thủ đô, tập thể Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở đã tiếp tục chỉ đạo ổn định tổ chức bộ máy và triển khai ngay các giải pháp thực hiện nhiệm vụ được thành phố giao, trên cơ sở đảm bảo tinh thần đoàn kết nhất trí cao trong tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức và các đơn vị trực thuộc Sở. Nhờ đó, việc phát triển công nghiệp-thương mại trên địa bàn đã thu được những kết quả tích cực.
Kết quả hoạt động thương mại trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đạt mức tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành bán buôn, bán lẻ đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP thành phố: năm 2016 đóng góp 0,74 điểm % vào mức tăng 7,16% của GRDP (chiếm 10,4%); đến năm 2019 đóng góp 0,9 điểm % vào mức tăng 7,63% của GRDP (chiếm 11,7%); năm 2020 tăng 8,84% đóng góp 0,81 điểm phần trăm vào mức tăng 3,98 của GRDP (chiếm 20,35%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 10,54%/năm.
Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng đều đặn các năm với tốc độ ngày càng cao, 2 năm liền 2018-2019 đạt mức tăng trưởng 2 chữ số: Năm 2016 tăng 2%, năm 2017 tăng 9,6%, năm 2018 tăng 18,8% và năm 2019 tăng 12,8%. Bình quân giai đoạn 2016-2019, kim ngạch xuất khẩu tăng của Hà Nội là 10,6%/năm, cao hơn mức bình quân 8-9%/năm theo chỉ tiêu được giao.
Do ảnh hưởng của COVID-19 làm đứt gãy thị trường tiêu thụ toàn cầu làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của thành phố, nhờ các chính sách linh hoạt cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực và duy trì được mức tăng trưởng dương 1,8%. Trung bình 5 năm 2016-2020 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 8,8%, cao hơn 1,68 lần giai đoạn 2011-2015 (5,25%).
Hạ tầng thương mại trên địa bàn được quan tâm phát triển, trên địa bàn thành phố hiện có 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị; 1.840 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 455 chợ; 494 cửa hàng xăng dầu...
Ấn tượng trước những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực mà Hà Nội đạt được trong năm 2020, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, những kết quả này cho thấy sự cố gắng, nỗ lực phi thường của cán bộ, nhân dân Thủ đô, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thành ủy Hà Nội. Thành phố đã có những quyết sách rất kịp thời, táo bạo, giúp duy trì và phục hồi phát triển kinh tế. Nhờ vậy, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều tăng trưởng so với năm 2019.
Đồng quan điểm này, bà Bùi Thị Hiền, nguyên Phó Giám Sở Y tế Hà Nội cho biết, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các Sở ban ngành cùng với nhân dân triển khai thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; tập trung xử lý nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng; tổ chức thành công, an toàn tuyệt đối nhiều sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn...
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực công nghiệp thương mại của ngành công thương cũng còn nhiều khó khăn, vất vả. Trong lĩnh vực công nghiệp, hầu hết các cơ sở sản xuất lớn đã di chuyển ra khỏi thành phố, hoạt động sản xuất công nghiệp thu hẹp lại. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn khó khăn do giá thuê đất tại Hà Nội cao hơn so với các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên… Đầu tư cho phát triển công nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ phát triển cũng chưa mạnh…
Việc thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại cũng gặp khó khăn, đặc biệt là xã hội hóa các hệ thống chợ dân sinh và chợ đầu mối trên địa bàn. Các cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý các loại hình thương mại hiện đại cũng chưa được bộ công thương và Chính phủ ban hành kịp thời nên chưa theo kịp tốc độ quản lý và phát triển các loại hình văn minh thương mại. Xuất khẩu tăng trưởng nhưng chưa bền vững, quy mô xuất khẩu hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, Phó Bí thư Đảng ủy Sở Công Thương Hà Nội cho biết theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, việc chuyển dịch cơ cấu ngành cũng có thay đổi đáng kể như cơ cấu về công nghiệp xây dựng chiếm 22,5-23%, cơ cấu về dịch vụ tăng lên từ 65-65,5%, còn lại nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp. Do đó, nó có tác động rất lớn đối với ngành công thương.
Trên cơ cấu như vậy, ngành công thương xác định giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 đạt từ 7,5-8%; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 9,5-9,7%; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội bình quân đạt từ 9-10%.
Để thực hiện thành công các chỉ tiêu, Sở Công Thương Hà Nội đã đề ra nhiều nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ. Bám sát các Nghị quyết của Trung ương, tận dụng hiệu quả của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm có giá trị hàm lượng gia tăng cao và công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội cũng sẽ tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, kêu gọi các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh việc khởi công 43 cụm công nghiệp được thành phố quyết định thành lập trong giai đoạn 2018-2020.
Đặc biệt, ngành còn chú trong vào việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất ở trên địa bàn để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Qua đó, tăng chỉ số phát triển công nghiệp trên địa bàn theo chỉ tiêu đề ra.