Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 3/12 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 264.358.658 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.248.292 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 634.709 và 6.426 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 238.411.202 người, 20.699.164 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 86.941 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 90.065 ca; Đức đứng thứ hai với 73.486 ca; tiếp theo là Anh (53.945 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.221 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (848 ca) và Ukraine (525 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 49.662.001 người, trong đó có 805.869 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.609.741 ca nhiễm, bao gồm 469.724 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.118.782 ca bệnh và 615.179 ca tử vong.
Thuốc PAXLOVID điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer được sản xuất tại Freiburg, Đức ngày 16/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 82,3 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 74,25 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 59,37 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,02 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,76 triệu ca và châu Đại Dương trên 372.000 ca nhiễm.
Đức phong tỏa toàn quốc với người chưa tiêm vaccine
Theo CNN, chính quyền Đức ngày 2/12 đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc đối với những người chưa tiêm chủng, trong bối cảnh chính phủ ủng hộ kế hoạch tiêm chủng bắt buộc trong những tháng tới.
Những người chưa được tiêm chủng sẽ bị cấm tiếp cận tất cả các cơ sở, ngoại trừ cơ sở kinh doanh thiết yếu nhất, như siêu thị, hiệu thuốc, để hạn chế lây lan. Hộ gia đình có người chưa tiêm chủng chỉ được phép gặp thêm tối đa 2 người của một hộ gia đình khác, không tính trẻ dưới 14 tuổi.
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel và người kế nhiệm của bà, Olaf Scholz, cũng thông báo ủng hộ các đề xuất về tiêm chủng bắt buộc, nếu được quốc hội bỏ phiếu thông qua có thể có hiệu lực sớm nhất từ tháng 2/2022.
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Frankfurt am Main, Đức, ngày 30/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên làm việc ở các cơ sở nhạy cảm, như nhà dưỡng lão và bệnh viện, sẽ được sớm thực hiện. Chính phủ mong muốn từ nay tới trước Giáng sinh có thể tiêm cho khoảng 30 triệu người, trong đó bao gồm cả mũi một, mũi hai và mũi tăng cường; Việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại trường học. Ngoài ra, trong đêm Giao thừa cũng sẽ cấm tụ tập đông người, cấm đốt pháo ở nơi công cộng.
Mỹ ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron ở 3 bang
Các quan chức y tế Mỹ ngày 2/12 cho biết đã có 3 bang ở nước này- gồm California, Colorado và Minnesota - ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên do biến thể Omicron. Các trường hợp trên đều đã được tiêm phòng đầy đủ và chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, các quan chức y tế thành phố New York đã kích hoạt đội ngũ truy dấu vết những người tham dự hội nghị nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Trong một tuyên bố, Thị trường thành phố New York nhận định biến thể Omicron đã lan truyền trong cộng đồng.
Cùng ngày, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron nguy hiểm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các quy định mới về xét nghiệm mới đối với du khách quốc tế, đồng thời cam kết trong những tuần tới người dân Mỹ sẽ có quyền xét nghiệm COVID-19 tại nhà miễn phí và nhanh chóng. Với quy định mới, du khách quốc tế tới Mỹ phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 24 giờ trước khi lên chuyến bay tới Mỹ, thay vì 3 ngày như chính sách hiện nay.
Hành khách tại sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Biến thể Omicron có thể chiếm hơn một nửa ca mắc ở châu Âu "trong vài tháng tới"
Ngày 2/12, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho hay biến thể Omicron có thể chiếm hơn một nửa số ca mắc COVID-19 ở các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA).
Trong một thông báo, ECDC cho rằng dựa trên mô hình toán học do cơ quan này thực hiện, có nhiều dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron có thể chiếm hơn 50% số ca mắc tại EU và EEA trong vài tháng tới. Các quốc gia này gồm 27 quốc gia thành viên EU và Iceland, Liechtenstein và Na Uy.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 1/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Một loạt quốc gia phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron
Trong khi đó, thêm nhiều nước châu Âu ghi nhận các ca đầu tiên mắc biến thể Omicron. Truyền thông Na Uy đưa tin một đợt bùng phát ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận ở Oslo. Giới chức thành phố Oslo nêu rõ sau bữa tiệc Giáng sinh ở công ty, 1 trường hợp đã được phát hiện nhiễm biến thể Omicron và nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều ca dương tính. Hiện giới chức y tế đang tiến hành truy vết những người tiếp xúc với ca mắc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Cùng ngày, Đan Mạch thông báo đã ghi nhận 7 ca nhiễm biến thể Omicron mới. Viện Y tế Phần Lan cho hay đã ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể Omicron. Ca mắc là một người đến từ Thụy Điển. Viện Y tế Phần Lan cho biết thêm một số người đi cùng với ca bệnh trên đã mắc COVID-19 và hiện cơ quan này đang xét nghiệm nhằm xác định liệu những người này có nhiễm biến thể Omicron hay không.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 1/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Danh sách các nước phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron cũng vừa ghi thêm tên Hy Lạp. Bộ trưởng Y tế Hy Lạp ngày 2/12 cho biết nước này đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trên đảo Crete. Bệnh nhân là nam công dân Hy Lạp vừa trở về từ Nam Phi vào tháng trước, có triệu chứng nhẹ.
Cùng ngày Pháp cũng đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.Hàn Quốc: Kế hoạch bình thường mới gặp trở ngại
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết kế hoạch dần trở lại cuộc sống bình thường mới ở nước này đang đối mặt với thách thức khi nước này phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để vượt qua thách thức hiện nay để thúc đẩy lộ trình trở lại cuộc sống bình thường mới.
Trước đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 1/12 thông báo đã phát hiện 5 ca nhiễm biến thể Omicron. Trong ngày 2/12, nước này ghi nhận thêm 5.266 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.242 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh ở nước này 457.612 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, số mắc ở Hàn Quốc tăng trên 5.000 người/ngày.
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trường học ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/11/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Cuba nâng cấp vaccine nội địa để phòng ngừa biến thể Omicron
Ngày 2/12, giới chức y tế Cuba cho biết các nhà nghiên cứu nước này đang phát triển một phiên bản mới của vaccine COVID-19 nội địa nhằm tăng cường khả năng chống lại đại dịch và bảo vệ tốt hơn trước biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vaccine Finlay Vicente Vérez tuyên bố dòng vaccine Soberana của Cuba có tác dụng “bảo vệ ở một mức độ nhất định” trước biến thể Omicron, đồng thời tiết lộ các nhà nghiên cứu Cuba đã bắt đầu phát triển phiên bản Soberana Plus với protein RBD từ biến thể Omicron. Ông cũng tái khẳng định chiến lược đón đầu mọi tình huống khẩn cấp, chuẩn bị và thực hiện các biện pháp cần thiết để Cuba luôn ở thế tiên phong và chủ động trong cuộc chiến chống COVID-19. Mặc dù chưa phát hiện biến thể Omicron trong nước, Chính phủ Cuba đã thông báo sẽ siết chặt các hạn chế kể từ ngày 4/12 với hành khách tới từ một số quốc gia châu Phi.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại La Habana, Cuba, ngày 2/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cuba là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa SARS-CoV-2, bao gồm Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng 2 loại vaccine khác đang được thử nghiệm lâm sàng. Đến nay, Cuba đã tiêm ngừa COVID-19 cho hơn 90% dân số, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, và đang xuất khẩu các loại vaccine nói trên sang Iran, Venezuela, Nicaragua và Việt Nam.
Kể từ khi phát hiện ca COVID-19 đầu tiên vào ngày 10/3/2020, tới nay, Cuba đã ghi nhận 962.628 ca mắc, trong đó có 8.305 ca tử vong và 953.566 người được chữa khỏi, đạt tỷ lệ 99,05%.
Nam Phi: Số ca tái mắc tăng mạnh do biến thể Omicron
Ngày 2/12, Giáo sư Anne von Gottberg, nhà vi trùng học thuộc Viện các dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi, cho biết nước này đang chứng kiến sự gia tăng các ca tái mắc COVID-19 do biến thể Omicron.
Chuyên gia Gottberg nêu rõ những người từng mắc COVID-19 đã được bảo vệ trước biến thể Delta, song hiện giờ sự bảo vệ này trước biến thể Omicron dường như không có tác dụng. Tuy nhiên, nhà khoa học này khẳng định việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ vẫn giúp người mắc tránh được nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong.
Nhân viên nhà xác chuẩn bị thủ tục trước khi chôn cất một bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà von Gottberg nói rõ xu hướng tái mắc COVID-19 cũng được thể hiện tại các biểu đồ mô phỏng số ca mắc mới trên toàn dân số. Bà nhấn mạnh số ca mắc COVID-19 có thể sẽ tăng theo cấp số nhân tại tất cả các tỉnh tại Nam Phi.
Vào giữa tháng 11, Nam Phi ghi nhận trung bình khoảng 300 ca mắc mới/ngày. Tuy nhiên, con số này đã tăng vọt với 8.561 ca mắc mới trong ngày 1/12, cao gần gấp đôi so với mức 4.373 ca của ngày trước đó.
Ấn Độ ghi nhận những trường hợp đầu tiên mắc Omicron
Cùng ngày, Ấn Độ thông báo đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Quan chức cấp cao của Bộ Y tế Ấn Độ, ông Lav Agarwal, nói rõ 2 ca bệnh đều là nam giới, 66 tuổi và 46 tuổi, tại bang Karnataka. Ông Agarwal nhấn mạnh hiện giới chức y tế đang thực hiện truy vết những người từng tiếp xúc với 2 ca mắc này.
Ấn Độ chưa ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài, song ngày 29/11 vừa qua, nước này đã yêu cầu tất cả những người trở về từ các quốc gia có nguy cơ cao sẽ phải thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên đối với du khách nước ngoài đến từ những nước không nằm trong danh sách đỏ.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ, ngày 6/4/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Triển vọng phát triển vaccine phòng ngừa biến thể Omicron
Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ cho biết nếu nghiên cứu - có thể được công bố trong vài tuần tới - cho thấy biến thể Omicron tránh được sự bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 của hãng này, hãng có thể sản xuất một loại vaccine ngừa biến thể này trong vòng khoảng 100 ngày, tùy thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lý. Trang tin tức y tế và sức khỏe Stat dẫn lời một quan chức của Pfizer cho biết đến tháng 3/2022 hãng này có thể sản xuất 1 tỉ liều vaccine mới trong 1 quý. Hãng dược Moderna cũng cho biết đầu năm 2022 hãng có thể sản xuất vaccine mới với số lượng lớn.
Hiện các hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca đang gấp rút chạy đua sản xuất các loại vaccine đặc hiệu phòng ngừa các biến thể. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Nature số ra tháng 10/2021, các hãng dược phẩm đã thử nghiệm các vaccine đặc hiệu phòng ngừa các biến thể như Beta - được cho là biến thể có khả năng né tránh sự bảo vệ của các vaccine cao hơn so với những biến thể khác.
Thuốc Sotrovimab của GSK có thể hiệu quả với biến thể Omicron
Ngày 2/12, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm chức năng (MHRA) của Anh đã phê duyệt sử dụng thuốc Sotrovimab do hãng dược phẩm GlaxoSmithKline và công ty công nghệ sinh học Vir (Mỹ) hợp tác bào chế, để điều trị cho những người mắc COVID-19 có nguy cơ bệnh trở nặng. Đáng chú ý, GlaxoSmithKline (GSK) khẳng định rằng loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nhiễm Omicron - biến thể mới xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Hãng dược phẩm GlaxoSmithKline cho rằng thuốc Sotrovimab có hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron gây bệnh COVID-19. Ảnh: The Sydney Morning Herald/TTXVN
Trung Quốc phát hiện kháng thể ngăn mọi biến thể SARS-CoV-2
Hãng tin RT của Nga đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã phân lập được một loại kháng thể có thể ngăn ngừa được tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.
Trong một thông báo được công bố mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học quốc gia Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu và Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu cho biết đó là kháng thể đơn dòng 35B5. Các nghiên cứu được thực hiện cả ở trong ống nghiệm và trên chuột thí nghiệm đều cho thấy kháng thể này có thể "vô hiệu hóa" virus SARS-CoV-2 (thể gốc chưa đột biến) cũng như các biến thể đáng quan ngại khác của virus này.
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà nghiên cứu cho biết kháng thể trên cũng đã cho thấy hiệu quả trước biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Theo nghiên cứu, kháng thể 35B5 nhắm mục tiêu vào một vị trí duy nhất không thay đổi của virus, vốn không bị ảnh hưởng trong quá trình đột biến của các biến thể, do đó đã cho thấy hiệu quả ngăn ngừa trước nhiều chủng virus, trong đó có cả Omicron - biến thể được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi vào cuối tháng 11 vừa qua.
Nhật Bản điều chỉnh lệnh cấm nhập cảnh vì biến thể Omicron
Ngày 2/12, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết cơ quan chức năng đã rút lại yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng nhận đặt chỗ cho tất cả các chuyến bay được lên lịch trình trong tháng này, đồng thời nhấn mạnh các hãng phải đáp ứng nhu cầu đặt vé máy bay về nước của công dân Nhật Bản.
Trước đó, ngày 1/12, Nhật Bản đã đột ngột yêu cầu các hãng hàng không nước này tạm dừng nhận đặt chỗ trên các chuyến bay quốc tế đến Nhật Bản cho đến cuối tháng 12 do lo ngại biến thể Omicron. Ông Matsuno cho biết quyết định này có thể khiến nhiều khách hàng hoang mang. Vì vậy, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã yêu cầu bộ trên xem xét lại quyết định và phải lưu tâm đến việc hồi hương công dân Nhật Bản.
Cảnh vắng vẻ tại sân bay Narita ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 30/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Singapore phát hiện 2 ca nhiễm Omicron đầu tiên
Bộ Y tế Singapore ngày 2/12 thông báo phát hiện hai ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đều là những trường hợp nhập cảnh và không tiếp xúc với bất kỳ ai trong cộng đồng.
"Hiện tại không có bằng chứng về bất kỳ sự lây truyền nào ra cộng đồng từ những trường hợp này", Bộ Y tế Singapore khẳng định và cho biết thêm, hai trường hợp nói trên hiện đang hồi phục trong khu cách ly tại Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm quốc gia. Họ đã được tiêm phòng đầy đủ và có các triệu chứng nhẹ như ho và ngứa cổ họng. Cả hai trường hợp đều đến từ Johannesburg, Nam Phi trên chuyến bay SQ479 của Singapore Airlines vào 1/12.
Người dân xếp hàng chờ tới lượt vào chợ để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore, ngày 9/10/2021. Ảnh: ÀPF/ TTXVN
Thái Lan ráo riết truy vết gần 800 du khách từ châu Phi
Cục Di trú và Bộ Y tế Thái Lan đang truy vết khoảng 783 khách từ châu Phi nhập cảnh nước này từ ngày 15/11 để xét nghiệm tầm soát biến thể Omicron nhằm đảm bảo an toàn cộng đồng. Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Suwat Jangyodsuk cho biết những du khách châu Phi này được cho là đến những địa điểm du lịch chính gồm cả Bangkok và các nhà chức trách đang cố gắng tiếp cận nhóm này để yêu cầu xét nghiệm phát hiện sớm biến thể mới nếu có. Ngoài ra, Cảnh sát Di trú và Bộ Y tế Thái Lan đang tăng cường tối đa các biện pháp kiểm soát COVID-19 tại các sân bay, an ninh biên giới để ngăn chặn việc vượt biên trái phép và di cư bất hợp pháp.
Trong khi đó, các nhà chức trách y tế của đảo nghỉ dưỡng Phuket đã yêu cầu 130 khách du lịch, gồm 126 người từ Nam Phi và 4 người từ Namibia, vào tỉnh này từ 15-27/11, cách ly trong 14 ngày. Trung tâm Thông tin Phuket cho biết sau khi kết thúc cách ly, các du khách này được yêu cầu thực hiện xét nghiệm RT-PCR.
Thái Lan đã cấm nhập cảnh đối với du khách (ngoại trừ người Thái) đến từ 8 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ đầu tháng này do lo ngại về biến thể Omicron. Những người đến từ các quốc gia ở châu Phi không thuộc diện cấm vẫn phải cách ly trong 14 ngày và được xét nghiệm COVID-19 nhiều lần.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Ngày 2/12 Thái Lan ghi nhận thêm 4.971 ca mắc mới cùng 33 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 2.125.729 ca, trong đó có 20.847 người không qua khỏi.