Đức đã thông báo cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mức chi tiêu cao kỷ lục cho quốc phòng của nước này với khoản ngân sách 53,03 tỷ euro (63,90 tỷ USD) trong năm 2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, với mức chi tiêu như trên, ngân sách cho quốc phòng năm 2021 của Đức tăng 3,2% so với năm 2020, vốn ở mức 51,39 tỷ euro, song vẫn kém xa mục tiêu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà NATO đặt ra với các quốc gia thành viên.
Đức kỳ vọng với việc tăng ngân sách cho quốc phòng của các nước thành viên, tranh cãi lâu nay giữa hai bên bờ Đại Tây Dương về việc chia sẻ gánh nặng trong quốc phòng có thể được xoa dịu trong bối cảnh Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần bày tỏ hy vọng chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp tục gây sức ép để các nước thành viên tăng mức chi cho quốc phòng, giống như ông Biden đã yêu cầu các đối tác châu Âu trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Đức DPA, ông Stoltenberg đánh giá bất chấp đại dịch COVID-19 khi các nước thành viên phải tăng nguồn lực cho chăm sóc y tế và cứu vãn nền kinh tế, song tình hình an ninh cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng như các vụ tấn công mạng được thực hiện tinh vi và các mối đe dọa tiềm tàng khác.
Ông cho rằng những thách thức này cho thấy tầm quan trọng của việc phải tiếp tục đầu tư cho an ninh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng do hậu quả của đại dịch, mức chi tiêu cho quốc phòng ít nhất cần được giữ nguyên nếu không thể tăng hơn.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, bất đồng giữa hai bên bờ Đại Tây Dương đã trở nên hết sức gay gắt khi Washington chỉ trích các đồng minh NATO ở châu Âu chi quá ít cho quốc phòng.
Thậm chí, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) năm 2018, ông Trump đã đe dọa rút Mỹ khỏi liên minh này nếu các nước không đáp ứng mức chi 2% cho quốc phòng.
Theo tính toán của NATO, mức đầu tư cho quốc phòng của Đức trong năm 2020 chỉ chiếm 1,57% GDP (tăng từ mức 1,36% của năm trước đó) chủ yếu dựa trên tổng GDP bị sụt giảm do cuộc khủng hoảng COVID-19.
Trước đại dịch, mức chi tiêu cho quốc phòng của Đức trong năm 2020 được tính toán ở mức khoảng 1,42% GDP. Tranh cãi trong chi tiêu quốc phòng cũng là lý do khiến cựu Tổng thống Trump tuyên bố cắt giảm số binh sỹ nước này tại Đức.
Tuy nhiên, kế hoạch giảm quân hiện đang bị phong tỏa khi tân Tổng thống Biden ra lệnh rà soát lại toàn bộ lực lượng vũ trang của Mỹ trên thế giới.