Thứ nhất, có nhiều ý kiến cho rằng khi xây dựng TP mới hiện đại cần phải có trung tâm thương mại nhộn nhịp, sân bay lớn, bến cảng sầm uất… Nhưng lưu ý con người đang ngày càng bước vào công nghệ 4.0 càng sâu, giao dịch trên mạng, mua sắm online...
Vậy liệu có cần thiết để hình thành các trung tâm thương mại đông người và thiết kế dự án đã tính đến vấn đề này hay chưa. Các thông tin gần đây trên các phương tiện truyền thông cho thấy TP Thủ Đức (nếu được thành lập) là một TP ban ngày sống động, ban đêm nhộn nhịp. Vậy liệu rằng vốn đầu tư bỏ ra sau này có thể trở thành TP chết hay không?
Có thể thấy kinh nghiệm từ trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế Dubai của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất giờ đứng trước nguy cơ phá sản. Bởi TTTC quốc tế được xây dựng trên nền tảng các cửa hàng siêu thị bán lẻ khổng lồ, các nhà hàng cao cấp, các khách sạn 5-6 sao đồ sộ... nhưng khách hàng ngày càng vắng.
Do đó ngay từ bây giờ chúng ta phải rút bài học kinh nghiệm gì cho TP mới tương lai, hay TTTC quốc tế tương lai.
Thứ hai, lấy nguồn vốn từ đâu để đầu tư? Hiện nhiều ý kiến đề cập đến quỹ đất. Nhưng tư duy như vậy có đúng hay không? Quỹ đất luôn luôn là hữu hạn, trong khi nguồn tài chính, ý tưởng sáng tạo bất tận luôn luôn là cơ hội mới tạo ra liên tục, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Do đó, cách tư duy của chúng ta phải ngược lại, không nên như truyền thống. Có nghĩa chúng ta nên từ chính sách tạo môi trường đẳng cấp quốc tế cao nhất, luật phải là luật tư pháp độc lập, đồng tiền của chúng ta phải là đồng tiền chuyển đổi được hay ít nhất phải có khu kinh tế đặc biệt, khu tài chính đặc biệt, cho phép đồng vốn nước ngoài chuyển ra chuyển vào một cách tự do. Nhân tài phải là con người trong 8 tỷ dân trên thế giới về đây, chứ không chỉ 96 triệu dân Việt Nam để thực hiện các giao dịch công nghệ tài chính (fintech, AI).
Do vậy chúng ta phải có chế độ visa lao động thế nào? Tất cả những điều này sẽ tạo nguồn tài chính chứ không phải chỉ nghĩ đến quỹ đất. Đó là chưa đề cập đến vấn nạn làm thế nào để thị trường bất động sản không phát triển méo mó, không thổi giá… khi nghe tin thành lập TP Thủ Đức.
Nguy cơ là chưa chắc TP đã thu được đồng nào từ đất. Tóm lại, chúng ta cần môi trường và thể chế pháp lý để hút đầu tư về.
Thứ ba, được biết lâu nay các quận hướng Đông gặp nhiều trở ngại về mặt pháp lý từ các Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ… Nhưng ở góc độ các nhà kinh tế, nếu là TP Thủ Đức sẽ còn một rào cản cực lớn và khó thông qua hơn cả các bộ này là NHNN, Bộ Tài chính.
Bởi luồng vốn chảy ra chảy vào cho các trung tâm này phải được tự do hóa, tự do chuyển đổi thế nào, đánh thuế thế nào, được quản lý, được bảo mật ra sao. Hàng loạt vấn đề chẳng những liên quan đến tài chính ngân hàng mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. Điều đó cho thấy vấn đề rất đa chiều và phức tạp. Do đó, dự án TP Thủ Đức này phải được đặt trong tổng thể cả một chiến lược quốc gia.
Nên chăng, lãnh đạo TPHCM phải đưa các dự án này nằm trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng tới đây để trở thành ý chí của cả dân tộc, của Đảng và Nhà nước, và TPHCM chỉ là tọa độ địa lý để thực hiện ý chí chính trị của cả nước.
Như vậy mới thực hiện tham vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2030. Và ước mơ này của TPHCM mới trở thành hiện thực. Và để hiện thực hóa mục tiêu này, có lẽ trướt tiên chúng ta chỉ nên hướng tới thành lập khu kinh tế đặc biệt hay khu tài chính đặc biệt và một luật đặc biệt được Quốc hội thông qua, để từ đó có thể có không gian pháp lý dễ dàng hơn, từ đó mới biến ước mơ thành hiện thực, nếu không sẽ mãi chỉ là mơ ước.