Chiều nay 3-2, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã đồng chủ trì cuộc họp khẩn với các cơ quan liên quan, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp và các địa phương để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tình hình thương mại nông sản Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD, giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, bước vào ngay đầu năm 2020, xuất khẩu các loại nông lâm thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc lại đang đối mặt với những khó khăn rất lớn và phức tạp của dịch bệnh do virus Corona gây ra.
Trong tuần qua, nhiều loại trái cây như thanh long, dưa hấu ở miền Nam và miền Trung chở ra khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất sang Trung Quốc phải quay về, có nơi đang bán dưa hấu giá rẻ 1.000 đồng/kg nhưng vẫn ế và ách tắc ở cửa khẩu.
Do các cửa khẩu ở phía Bắc đang quá tải hàng nông sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Công Trưởng đã đề nghị các doanh nghiệp ở phía Nam không nên đưa hàng lên Lạng Sơn tại thời điểm này. Vì từ mùng 1 Tết đến nay, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới, nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài. Hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn (vừa rồi đã xuất được 8.000 xe).
“Tỉnh đã giao cho Sở Công thương Lạng Sơn khuyến cáo đến sở công thương của các tỉnh, thành phố và hiệp hội doanh nghiệp và nông dân hạn chế vận chuyển hàng hóa lên Lạng Sơn để xuất khẩu, bởi vì lên thì xe vẫn phải chờ thông quan, rất dễ hỏng hàng hóa, tốn kém chi phí. Trong thời điểm hiện nay, nên tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ở các nước khác, còn không thì phải chờ đến ngày 15-2, nếu phía Trung Quốc thống nhất là 2 bên chưa có dịch bệnh Corona ở khu vực biên giới thì lúc đó có thể mở cửa khẩu và sẽ khuyến cáo người dân đưa hàng hóa lên” ông Nguyễn Công Trưởng nói.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tình hình tiêu thụ thanh long ở Long An đang gặp khó khăn, nên đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương hỗ trợ xuất khẩu thanh long ở các cửa khẩu, kịp thời đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long.
Lãnh đạo tỉnh Long An cũng đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này.
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp và ngành hàng đều thống nhất trong thời điểm hiện nay sẽ chung tay cam kết thu mua để giảm bớt khó khăn của nông dân do một số mặt hàng nông sản như: thanh long, dưa hấu chưa thể xuất khẩu sang bên kia biên giới Việt – Trung.
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo trước mắt không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Corona. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh, nhưng hiện nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã chuyển hướng sang làm gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay các đơn hàng thủy sản sang Trung Quốc không bị hủy nhưng đi chậm. Các đối tác hứa ngày 16-2 mới bắt đầu nhận hàng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nêu tại cuộc họp, dịch bệnh xảy ra sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ, nhập khẩu nông sản – thực phẩm giảm. Các chợ biên giới của Trung Quốc sẽ đóng cửa đến ngày 9-2, khiến việc trao đổi hàng hóa gián đoạn. Khách mua Trung Quốc cũng không thể sang được Việt Nam nên không có những đơn hàng mới, trong khi một số loại trái cây đã vào vụ thu hoạch, mọi năm tầm này đang tấp nập.
Vì vậy, các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần chung sức, bàn bạc, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam trong tình hình mới với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, yếu tố thời tiết khiến dịch này càng nguy hiểm. “Mưa phùn, lạnh giá ở miền Bắc cực kỳ phù hợp với loại bệnh này”, ông Cường nói. Trong khi, Trung Quốc vừa tiếp tục công bố có dịch H5N1 tại Hồ Nam, trong đó chủng lây chéo sang người cực kỳ phức tạp. Thực tế này đặt ra cho chúng ta thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh để đối phó.
Song, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lạc quan rằng, tháo gỡ khó khăn về sản xuất và thương mại nông sản trước dịch Corona cũng là dịp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp sâu sắc hơn. Đề nghị các doanh nghiệp, ngành hàng cần chủ động những kế hoạch đảm bảo hoạt động sản xuất ứng phó với dịch viêm phổi cấp.
“Ngay trong tháng này sẽ đi xúc tiến một số thị trường ở Trung Đông, Mỹ, Nhật Bản, Brazil và những thị trường khác”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Theo “kịch bản” của Bộ NN-PTNT, trong trường hợp dịch viêm phổi do virus Corona bùng phát kéo dài nhiều tháng, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với hiệp hội các ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành công thương và các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương…