Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất vay vốn tín dụng của nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để đầu tư các dự án đầu máy, toa tàu mới từ nay đến năm 2020 với tổng mức hơn 4.600 tỉ đồng.
Cải tạo hạ tầng, đổi mới phương tiện
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, cho biết hiện toàn ngành đường sắt có 294 đầu máy với 11 chủng loại đã sản xuất trên 30 năm; gần 1.000 toa hành khách, 5.000 toa hàng hóa và trung bình tuổi thọ các toa tàu cũng khoảng 30 năm.
Về chất lượng, trong 994 toa tàu khách hiện có, trừ những toa mới đóng, số còn lại ít nhất cũng đã sử dụng 14 năm. VNR đặt mục tiêu đến năm 2021 thay toàn bộ toa tàu cũ, đầu tư 100 đầu máy mới, bởi hiện có những đầu máy chi phí chênh lệch về nhiên liệu trong khoảng 5 năm đủ mua đầu máy khác. Trong số này, VNR dự kiến mua 50 đầu máy và tự đóng mới 50 đầu máy.
Về lý do đề nghị được vay vốn từ VDB, ông Vũ Anh Minh cho biết nếu vay ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao, thời gian vay ngắn nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao. Trong khi đó, lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước tại VDB ổn định, thời gian vay dài, doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm.
Trước đó, vào tháng 5-2017, VNR cũng đề nghị Bộ GTVT trình Chính phủ xin cấp 7.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR, cho biết ngành đường sắt đề xuất kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến Hà Nội - TP HCM nhằm nâng cao tính an toàn.
"Nếu nâng cấp được hạ tầng, đồng nhất được tải trọng toàn tuyến Thống Nhất, khi lập tàu hàng Giáp Bát - Sóng Thần sẽ xếp thêm được 7 tấn/toa, tận dụng được hết tải trọng cho phép của toa tàu. Khi đó có thể nâng doanh thu vận tải hàng hóa trên toàn tuyến thêm 1 tỉ đồng/ngày, đồng thời sẽ hạ được giá thành vận chuyển" - ông Tùng phân tích.
Bị "bỏ rơi" vì chất lượng dịch vụ
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Vũ Anh Minh nhìn nhận kết cấu hạ tầng đường sắt rất lạc hậu, tốc độ bảo trì cũng rất chậm. Đường sắt vẫn là xương sống của ngành GTVT nên VNR quyết tâm giữ những ưu điểm của nó như vận tải khối lượng lớn, tính an toàn, chỉ số đúng giờ cao, tạo điều kiện cho người dân đi lại...; đồng thời khắc phục những nhược điểm như tốc độ di chuyển chậm, chất lượng dịch vụ kém. "Khi các phương thức vận chuyển khác đã tiệm cận nhu cầu của người dân thì đường sắt vẫn rất lạc hậu, hạ tầng và thiết bị cũng vậy" - ông Minh băn khoăn.
Mặt khác, một trong những nguyên nhân khiến khách hàng quay lưng với đường sắt thời gian qua là do chất lượng dịch vụ, trong đó có chất lượng phương tiện. Đầu máy, toa tàu quá lạc hậu dẫn đến giảm sức kéo, sức chở cũng như không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
"Việc thay thế những đầu máy già cỗi đang là nhu cầu cấp thiết của ngành đường sắt. Chất lượng phục vụ có thể cải thiện được nhưng muốn nâng cao chất lượng phương tiện thì phải đầu tư" - ông Minh nhìn nhận.
Về số tiền 7.000 tỉ đồng đề nghị Chính phủ cấp vốn, Chủ tịch HĐTV VNR cho rằng tất cả được dùng để cải tạo hầm, cầu yếu và nâng cấp một số đoạn tuyến đã xuống cấp nặng, như đoạn TP HCM - Nha Trang đã đầu tư 100 năm nay nhưng chỉ duy tu, bảo trì. Thực tế, 7.000 tỉ đồng này không phải dùng để đầu tư mới gì cả, bản chất là phục hồi những cái chưa sửa được, chưa duy tu, bảo trì được trước đây mà thôi. "Hiện ngành đường sắt có nhu cầu bảo trì, duy tu khoảng 6.000 tỉ đồng/năm nhưng chỉ được cấp vốn khoảng 20%" - ông Minh cho biết.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR, cho rằng việc đề xuất xin Chính phủ cấp 7.000 tỉ đồng hay vay 4.600 tỉ đồng không thể làm thay đổi được bộ mặt của ngành đường sắt mà chỉ giải quyết những khó khăn, "điểm nghẽn" trước mắt.
"Còn muốn thay đổi được bộ mặt của ngành thì cần hàng trăm ngàn tỉ đồng để đầu tư hạ tầng và nhiều thứ khác. Đặc biệt nếu tới đây, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Quốc hội thông qua, lúc đó mới là đổi mới" - ông Hoạch bày tỏ.