EU có thể ra tay với Hungary - quốc gia thân thiện hàng đầu với Nga

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cắt các nguồn tài chính cung cấp cho Hungary sau khi EU tố Thủ tướng Hungary Viktor Orban làm xói mòn nền dân chủ nước này. Ông Orban là một trong những lãnh đạo ủng hộ nhiệt thành Tổng thống Nga Putin.

Thủ tướng Orban đã dẫn dắt quốc gia Đông Âu Hungary từ năm 2010. Giờ đây, quốc gia này có thể phải chấp nhận từ bỏ tới 7,5 tỷ euro viện trợ từ EU.

Thủ tướng Hungaray Orban (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AFP.
Thủ tướng Hungaray Orban (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AFP.

Hôm 18/9, Ủy ban châu Âu thông báo rằng giới lập pháp của khối đã đề xuất “các biện pháp bảo hộ ngân sách” mà theo đó sẽ giới hạn đáng kể nguồn tài chính cung cấp cho Hungary trong khuôn khổ cơ chế ngân sách của EU hiện nay. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên EU thực thi triển khai một bộ luật năm 2020 được thiết kế để bảo vệ ngân sách của khối khỏi tình trạng “sử dụng sai mục đích ở các chính phủ trong EU đã bẻ cong chế độ pháp quyền”.

Ủy ban châu Âu giờ có tới 3 tháng để quyết định liệu có cắt Hungary khỏi ngân sách của khối hay không. Trong quãng thời gian đó, để tiếp tục nhận được tiền của EU, Hungary sẽ phải thực hiện các cải cách để làm cho quá trình lập pháp trở nên minh bạch hơn, đồng thời thiết lập một hệ thống hiệu quả chuyên giám sát, phòng chống tham nhũng.

Trong 12 năm cầm quyền, ông Orban luôn là chỗ thân thiết với Tổng thống Nga Putin.

Kể từ năm 2010, phong cách quản trị của ông Orban được cho là giống đáng kể với phong cách của ông Putin quản lý nước Nga trong 2 thập kỷ qua.

Ngoài ra, hai ông Orban và Putin còn hay hậu thuẫn cho nhau trong nhiều dịp. Thủ tướng Orban công khai phản đối các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Về phần mình, vào tháng 4/2022, Tổng thống Putin ca ngợi chiến thắng của ông Orban trong các cuộc tổng tuyển cử gần đây.

Việc Hungary dựa vào năng lượng Nga là một trong các lý do ông Orban công khai phản đối các biện pháp của EU nhằm cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga và trừng phạt khí đốt Nga.

Phản ứng trước quyết định của EU vào ngày 18/9, đảng Fidesz của Thủ tướng Orban đã phê phán EU là đổ lỗi cho duy nhất Hungary thay vì tập trung vào cuộc khủng hoảng năng lượng đã trầm trọng lên của châu Âu.

Các tin khác